Loạn Thế Anh Hùng – Tập 2

Loạn Thế Anh Hùng – Tập 2

Tác giả:
Thể Loại: Tiểu Thuyết Trung Quốc
Nguồn: https://thuviensach.vn
PDFĐỌC ONLINE

Giữa những thay đổi mang đặc điểm của thời đại, dòng văn học kiếm hiệp của Trung Quốc phải rất vất vả để tìm lại được đinh cao trước kia của mình. Điều đó trông chờ vào rất nhiều các tác giả trẻ vẫn còn giữ được cái tâm đối với nền văn học truyền thống này. Một trong những cây bút nổi bật trong công cuộc phục hưng này chính là Tiểu Đoạn với tác phẩm nổi tiếng của mình “Loạn thế anh hùng”. Có thể nói, chính tác phẩm đầu tay này của Tiểu Đoạn đã mang lại tiếng tăm cho anh, không chỉ chính thức đưa anh trở thành một cái tên đáng chú ý trong giới tác giả tiểu thuyết võ hiệp mới. Không chỉ vậy, tác phẩm còn định hình và giới thiệu phong cách viết của anh tới với công chúng. Câu chuyện bắt đầu với một bối cảnh “thái bình giả tạo” vào đời Tống. Khi mà tất cả chỉ như một khoảng lặng trước khi bão về. Triều đình thi nhau tô vẽ một nền quốc thái dân an trong khi thực chất là thù trong giặc ngoài, quân Kim nhăm nhe bờ cõi, quan lại thối nát, nhũng nhiêu gây tai ương khiến dân đen khốn khổ. Nhưng như một quy luật thần kì của tạo hóa, loạn lạc sẽ sinh ra những anh hùng cái thế đứng ra giúp dân lành. Đó là Thẩm Phóng nghĩa khí, là Tam Nương Tử dù là phận nữ nhi cũng hiểu lễ nghĩa, thông tường đạo lý với tài trí hơn người. Họ đã cùng nhau kháng Kim cứu nước, mới đích thực là những anh hùng xả thân vì nước vì dân. Tiểu Đoạn đã xây dựng nên các hình tượng nhân vật với những cá tính rõ rệt, được khắc họa qua các trường đoạn kịch tính hồi hộp và sâu sắc qua từng trang sách. Với bút pháp thuần thục và lôi cuốn người đọc bằng việc mang lại một không gian Trung Hoa cổ vừa tráng lệ vừa hào hùng, Tiểu Đoạn đã viết nên một bản anh hùng ca đáng nhớ trong tác phẩm này. Cuốn sách xứng đáng với bất cứ lời khen tặng nào và chắc chắn sẽ là một tác phẩm mà những bạn trẻ yêu thích văn học võ hiệp không nên bỏ qua.*** Tiểu Đoạn, hay còn gọi là Đoạn tử, tên thật là Đoạn Ngân. Tiểu Đoạn là người đắm chìm trong cô độc, tự cho thế là làm hổ thẹn bố mẹ, nên lấy cái bút danh như trên. Tiểu Đoạn sinh năm 1973, sinh ở Tề Tề Cáp Nhĩ – Hắc Long Giang, quê ở Tùy Châu Hồ Bắc, thỉnh thoảng tạm cư ở Thẩm Quyến, hay đi chu du tứ phương. Văn phong của Tiểu Đoạn được mệnh danh là từ thơ hóa thành văn, biểu hiện sự vật ở mức độ nhân tính hóa cao độ. Cách hành văn của Tiểu Đoạn mang phong cách của bậc đại gia, mạch lạc rõ ràng, câu chữ lưu loát trôi chảy, múa bút là như vẽ ra từng đóa hoa, chịu ảnh hưởng thâm sâu của cách hành văn cổ xưa. Quan niệm sáng tác của Tiểu Đoạn rất cao xa bay bổng, thể hiện ẩn bên trong Tác Phẩm Tập Từ của anh. Tác phẩm đại biểu của Tiểu Đoạn có Bôi Tuyết (còn gọi là Loạn Thế Anh Hùng truyện, Lạc Dương nữ nhân hành, Trường an cổ ý, Ma đồng, Thạch Lưu ký, Cung Tiêu duyên, Long thành, Khích Trung câu, Tá hồn đăng…*** Cảnh Thương Hoài thấy con lạc đà không ngừng kêu xuống mặt nước thì trong lòng lấy làm lạ, hắn nhảy xuống bãi cát, đi tới bên con lạc đà. Con lạc đà nhìn hắn chằm chằm một hồi, tựa như có nhận ra hắn. Cảnh Thương Hoài cũng cảm thấy con vật này rất có linh tính. Bỗng con lạc đà ngậm lấy góc áo hắn, kéo tới trước một bước rồi buông ra, lội xuống nước về phía trước. Cảnh Thương Hoài nôn nóng muốn biết tung tích của Lạc Hàn, chẳng kể ướt áo cũng xuống theo, một tay nắm lấy đuôi lạc đà, theo nó tiến tới. Qua vài bước, con lạc đà bơi tới vách núi. Dòng nước dưới vách núi vốn xiết, người bình thường muốn vượt sông là chuyện khó, nhưng sao làm khó được con lạc đà và Cảnh Thương Hoài đây? Trời rất tối, tới được dưới vách núi nọ, Cảnh Thương Hoài mới phát hiện ra giữa vách núi ấy có một khe đá, khe không lớn, chỉ đủ để một người len qua, một dòng suối từ khe này chảy vào Trường Giang. Cảnh Thương Hoài thầm nghĩ: Không phải là Lạc Hàn cùng Triệu Vô Cực một đường thủy chiến rồi bị Triệu Vô Cực dẫn dụ vào đây đấy chứ? Lúc này con lạc đà không ngừng kêu hí, tựa như có ý muốn Cảnh Thương Hoài tiến vào. Cảnh Thương Hoài nhìn một cái liền hiểu, cái khe đá này quá nhỏ mà ngực trước của lạc đà quá rộng, không vào được, chẳng trách nó cứ đứng trên bãi cát mà lo lắng không thôi. Cảnh Thương Hoài hít vào một hơi, tuy biết bên trong chỉ sợ cũng gập ghềnh, nguy hiểm nhưng hắn xưa nay luôn lo cứu nạn cho người, vỗ vỗ gáy con lạc đà xong vẫn chúi đầu tiến vào. Nước trong khe đá cũng khá sâu, lại lạnh tới bất ngờ, tuy mới đầu tháng Mười một mà đã băng hàn buốt xương. Cảnh Thương Hoài một đường ngược dòng, vách đá hai bên mọc nhiều rêu, trơn tới trượt tay. Lội thẳng vào độ một dặm, trước mặt bỗng có dây lá thực vật, tuy còn đang trong đêm đen, tất tật u ám tối tăm nhưng Cảnh Thương Hoài cũng đoán ra sắp thấy được trời rồi. Quả nhiên, gạt mấy bụi cây lá nọ, Cảnh Thương Hoài liền thấy khe đá này đã tới cuối, trước mắt trải rộng, ra là một sơn cốc. Cảnh Thương Hoài sững sờ, nhận ra chỉ sợ Triệu Vô Cực cố ý dẫn Lạc Hàn tới đây. Mới ra khỏi nước, Cảnh Thương Hoài liền cảm nhận được trong cốc có người. Hắn lập tức nín hơi tĩnh khí, mượn tiếng nước chảy róc rách, âm thầm tiến lên. Trong bóng đêm u tối, chỉ thấy có nhiều khối đá lớn rải rác trong cốc, dòng nước kia chia thành nhiều luồng, len giữa những khối đá, chút ánh trắng điểm xuống khiến mặt nước bập bềnh sáng nhạt, mảnh tựa những sợi chỉ bạc lấp lánh trong đêm khuya. Tiếng nước vỗ đá lạnh lùng. Cảnh Thương Hoài ẩn mình sau một khối đá lớn rồi mới đánh giá tình hình trong cốc, liền thấy cái cốc này rất kỳ quái, trong rộng ngoài hẹp, thành hình quả lê, dường như là một tử cốc. Trong cốc, từng khối đá kề tiếp nhau, khối lớn đường kính tới cả trượng, khối nhỏ chí ít cũng nặng hơn nghìn cân, tất tật rải rác trong cốc này, chẳng có quy tắc, dường như từ trước thời hồng hoang, tiên nhân lập một bàn cờ ở đây, lúc tàn cục, quân cờ tán loạn, tiên nhân giờ đã phiêu diêu, chỉ lưu lại từng khối đá lớn khiến hậu nhân kinh hãi.

Nguồn: https://thuviensach.vn