Một khuynh hướng nghệ thuật được phát triển đến đỉnh cao o châu Âu vào thế kỷ XVII; một phong cách nghệ thuật và một lý thuyết mỹ học. Chủ nghĩa cổ điển có một lịch sử bốn thế kỷ, từ thế kỷ XVI đến những năm 30 thế kỷ XIX. Suốt thời gian này nó đã có sự tiến hoá đáng kể,đã trải qua một số giai đoạn phát triển, vừa bảo lưu những nguyên tắc cơ bản,vừa có những kiểu loại và những dạng thức mang tính dân tộc. Nhìn chung ,chủ nghĩa cổ điển mang những đặc tính như: tinh thần duy lý; tính chất quy phạm hoá của sáng tác; xu hướng đạt tới những hình thức hài hoà toàn thiện, đạt tới tính hoành tráng, trong sáng, thanh nhã của phong cách; xu hướng đạt tới tính cân bằng của bố cục; đồng thời chủ nghĩa cổ điển cũng có những yếu tố sơ lược hoá, lý tưởng hoá trừu tượng.
Tên gọi của khuynh hướng này ra đời muộn hơn khi các nhà Ánh Sáng (TK XVIII) muốn chọn những tác giả và tác phẩm ưu tú có thể dùng làm mẫu mực, trước hết là về mặt sử dụng ngôn ngữ, để đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Khái niệm Cổ điển (tiếng Pháp) : Classique liên quan đến từ Classe (nghĩa là lớp học) được sử dụng từ đấy và được hiểu theo cả nghĩa rộng và hẹp.
Nghĩa rộng có nghĩa là mẫu mực. Nghĩa hẹp, thường được gọi một cách hoàn chỉnh là chủ nghĩa cổ điển, để chỉ khuynh hướng văn học này.
Chủ nghĩa cổ điển được hình thành trong hoạt động nghệ thuật và hoạt động lý luận của một số nhà nhân văn Italia thế kỷ XVI muốn nêu lên và biện giải các quy luật cơ bản và các nhiệm vụ nghệ thuật của văn nghệ cổ đại Hy La và của văn nghệ Phục Hưng, xây dựng lý luận nghệ thuật,ngôn ngữ văn học dân tộc và một nền sân khấu kịch mới (D.D Trissino,J.C.Scaliger,L.Castevelvetro,T.Tasso,vv..).Để tạo nên lý luận của mình,họ đã dựa vào việc phân tích và lí giải thi học thời cổ đại Hi la. Chủ nghĩa cổ điển đạt đến độ toàn thịnh ở văn hóa Pháp thế kỉ XVII đầu thế kỉ XVIII, thời kì củng cố chế độ quân chủ chuyên chế khi giai tầng tư sản tạm thời lien kết với vương quyền chống lại những tàn dư của chế độ phong kiến cát cứ nhằm xây dựng một quốc gia dân tộc tập quyền thống nhất. Giai đoạn chính trị mới naỳ đã thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động xã hội và làm phát triển nghệ thuật (sáng tác văn học kịch của P. Coocnay, J. Raxin, JB. Molie, sáng tác hội hoạ của N.Possin).
Chủ nghĩa cổ điển được xác lập ở tất cả các loại hình nghệ thuật. Chủ đề căn bản của chủ nghĩa cổ điển – tương quan giữa cái riêng và cái riêng vừa nổi bật ở cấp độ nội dung, vừa là nguyên tắc tạo hình thức, vừa là yêu cầu thẩm mĩ chủ đạo. Tính tất yếu của việc lệ thuộc vào cái chung được quan niệm là sự bộc lộ thực chất của cái riêng thông qua mối quan hệ với cái chung. Trọng tâm chú ý là vấn đề tương tác giữa con người và xã hôi. Quan điểm mĩ học của chủ nghĩa cổ điển dựa vào triết học chủ nghĩa duy lí của Đecac – với lí tưởng về tính sáng rõ và trật tự; với sự sùng bái lí trí, không tin những cái bề ngoài; với việc đề cao nhiệm vụ nắm chắc phương pháp diễn dịch, với ý niệm coi thế giới như một hệ thống tuy nhiều chiều cạnh phức tạp nhưng là chỉnh thể toàn vẹn, được luận chứng bởi một nguyên tắc duy nhất. Nguyên tắc mĩ học căn bản của chủ nghĩa cổ điển là sự trung thành với tự nhiên – cái tự nhiên được lí trí tổ chức lại về mặt logic, cái tự nhiên có phẩm giá về mặt sáng tạo nhờ lí trí. Theo các lí thuyết gia của chủ nghĩa cổ điển, cái đẹp – sự cân xứng, các tỉ lệ, mức độ, sự hài hoà, …- là một thuộc tính khách quan của thế giới cần phải được tái tạo trong nghệ thuật một cách hoàn thiện, theo mẫu mực thời cổ đại Hi – La, đồng thời điều này cũng tiêu biểu cho thời đại mà cách nhìn còn mang tính siêu hình và cơ giới. Xu hướng quy phạm hoá của hệ thống nghệ thuật chủ nghĩa cổ điển phản ánh khá rõ kinh nghiệm nghệ thuật của thời đại, giúp cho các nghệ sĩ nắm vững tay nghề; song, do chỗ muốn thể chế hoá sự sáng tạo, nó lại hạn chế cá tính của nghệ sĩ, ngăn cản sự phát triển của nghệ thuật.
Thi học của chủ nghĩa cổ điển được hoàn thiện thành hệ thống với sự xuất hiện tác phẩm nghệ thuật thi ca của Boileau.
Chủ nghĩa cổ điển thiết lập một hệ thứ bậc khắt khe cho các thể loại, gồm các thể loại “thượng đẳng”, và các thể loại “hạ đẳng”. “Thượng đẳng gồm bi kịch (tragédie), sử thi, tụng ca; lĩnh vực miêu tả của chúng là bậc quân vương tướng lĩnh, các nhân vật thần thoại, các nhà tu hành. “Hạ đẳng” gồm hài kịch, trào phúng, thơ ngụ ngôn; lĩnh vực miêu tả của chúng là đời sống thường nhật riêng tư của những con người ở giai tầng trung lưu. Mỗi thể laọi có những giới hạn nghiêm ngặt và những dấu hiệu hình thức rạch ròi, không được phép lẫn lộn cái cao cả với cái thấp hèn, cái bì với cái hài, cái anh hùng với cái thường nhật,…Thể loại chủ đạo của văn học chủ nghĩa cổ điển là bi kịch nhằm vào những vấn đề của xã hội và đạo đức hệ trọng nhất của thời đại. Các xung đột xã hội ở bi kịch chủ nghĩa cổ điển được khúc xạ vào tâm hồn những nhân vật đang bị đặt vào những tình trạng nhất thiết phải lựa chọn giữa bổn phận đạo đức và dục vọng cá nhân. Ở kiểu xung đột này, chính sự phân cực giữa tồn tại xã hội và tồn tại cái riêng tư của con người lại là cái quy định cấu trúc của hình tượng. Bản chất tộc loại, xã hội, cái “tôi” tư duy lí tính được đem đối lập với tồn tại cá nhân trực tiếp của chính các nhân vật đã trở thành điểm nhìn của lí trí, khiến nó dường như phải đứng từ bên ngoài để tự quan sát chính mình, để day dứt vì sự phân li của mình, để đảm nhận cái mệnh lệnh phải trở nên ngang hàng với cái “tôi”lí tưởng của mình. Ở thời kì đầu ( các vở bi kịch của Coocnay), mệnh lệnh này còn hoà hợp với bổn phận trước quốc gia và ý chí lí tính của nhân vật bao giờ cũng thắng; về sau (trong các sáng tác của Racine) theo mức độ lạ hoá của quốc gia, mệnh lệnh ấy mất dần nội dung chính trị, chỉ còn mang tính chất thẩm mĩ. Cảm nhận về khủng hoảng đang tới với hệ thống chuyên chế bộc lộ rõ rệt ở các bi kịch của Racine – những tác phẩm mà bố cục nghệ thuật chặt chẽ đến mức lí tưởng lại mâu thuẫn với trạng thái hỗn độn của những dục vọng tự phát và mù quáng ngự trị trong những tác phẩm ấy- những dục vọng mà khi đối mặt với chúng, cả ý chí lẫn lí trí con người đều bất lực.
Ở chủ nghĩa cổ điển Pháp đạt đến mức phát triển cao chính là các thể loại “hạ đẳng”: thơ ngụ ngôn của Laphongten, các tác phẩm trào phúng của Boileau, hài kịch của Molie. Chính ở các thể loại này hình tượng được xây dựng không phải từ lịch sử quá khứ xa xôi đã bị lí tưởng hoá hoặc từ huyền thoại cổ, và được xây dựng trong vùng xúc tiếp thẳng với đương thời, do vậy ở đây có sự phát triển của các yếu tố hiện thực chủ nghĩa. Điều này trước hết gắn với Molie; hài kịch, với sự sáng tạo của ông đã không còn là thể loại “hạ đẳng”: Những vở xuất sắc được người ta gọi là “hài kịch thượng hạng”, vì trong đó đề cập những vấn đề xã hội, đạo đức, triết lí rất hệ trọng của thời đại, giống như trong các tác phẩm bi kịch.
Văn học của chủ nghĩa cổ điển đã đạt được những thành tựu lớn trên nhiều thể loại gắn liền với tên tuổi nhiều nhà văn lớn nổi tiếng thế giới như Corney (1606-1684), Raxin (1639-1699) (bi kịch), Môlie (1622-1673) (hài kịch), La Phôngten (1626-1695) (thơ ngụ ngôn), Boalô (1636-1711) (thơ trào phúng và lí luận phê bình),.. Với những thành tựu đó, chủ nghĩa cổ điển đã góp phần tích cực vào sự phát triển của văn học về sau.
Ở ViệtNam, chủ nghĩa cổ điển như một phong cách nghệ thuật, một khuynhh hướng mĩ học, chưa bao giờ xuất hiện. Danh từ Văn học cổ điển mà ta thường dùng khi nói đến văn họcViệtNamlà theo nghĩa rộng như trên đã nói. Cụ thể nó là tên gọi chung một giai đoạn văn học phát triển rực rỡ với nhiều tác phẩm đạt đến trình độ mẫu mực từ đầu thế kỉ XIX trở về trước.
***
Pierre Corneille (1606 – 1684) là nhà viết kịch, nhà thơ lớn của Pháp. Lúc đầu học luật, làm trạng sư, sau ham mê sáng tác. Sự nghiệp sáng tác bắt đầu bằng những tác phẩm thơ như tuyển tập “Tản mạn thi ca” (1632). Sau đó viết những vở hài kịch phong tục có xen lẫn chất bi, như “Hành lang của cung điện” hay “Người bạn gái tình địch” (1632), “Cô hầu gái” (1633), “Quảng trường Hoàng gia” (1633) hay “Người tình nhân kì cục” (1633 – 64), trong đó đường phố, quảng trường, cửa hàng, nếp sống, con người… của Pari thế kỉ 17 đã hiện lên hết sức sinh động. Coocnây còn viết hàng loạt bi kịch hoặc bi hài kịch nổi tiếng, như “Mêđê” (1635), “Lơ Xit” (1636); các vở rút từ lịch sử La Mã cổ đại: “Ôraxơ” (1640), “Xina” (1640 – 41), “Pôliơctơ” (1641 – 42). Vấn đề xung đột giữa dục vọng cá nhân và nghĩa vụ công dân, giữa tình yêu và danh dự đã đưa vở “Lơ Xit” trở thành mẫu mực của sân khấu cổ điển Pháp thế kỉ 17, làm nổ ra cuộc tranh luận lớn trong giới học giả Pháp. “Lơ Xit” và một vài vở khác như “Ôraxơ” đã khẳng định sự hình thành trên thực tiễn luật tam duy nhất trong kịch cổ điển thế kỉ 17.
Về mặt lý luận phê bình, trong lời nói đầu cho vở “Êđip”, nhất là trong bộ ba luận văn “Ba ý kiến” về kịch, Coocnây đã nêu lên nhiều nguyên lý về các bộ phận trong cấu trúc kịch, về luật tam duy nhất, về bi kịch và tính chất giống sự thật của bi kịch. Coocnây là người đặt nền móng vững chắc cho kịch dân tộc cổ điển Pháp. Được bầu vào Viện Hàn lâm năm 1642. Coocnây là người cùng thời với Raxin (J. Racine).