Lỗ Tấn là một trong các danh nhân văn hóa thế giới thời hiện đại (được tổ chức Văn hóa Giáo dục Liên hiệp quốc UNESCO tôn vinh năm 1981, nhân 100 năm ngày sinh của ông). Lỗ Tấn cũng là nhà văn cách mạng Trung Quốc được Bác Hồ kính yêu, quý trọng và rất gần gũi với bạn đọc Việt Nam.
Bạn đọc khắp thế giới biết Lỗ Tấn qua nhân vật điển hình “siêu dân tộc, siêu giai cấp, siêu thời đại” – AQ trong truyện vừa nổi tiếng AQ chính truyện. Bạn đọc cũng biết Lỗ Tấn qua hàng loạt truyện ngắn của ông như Nhật ký người điên, Thuốc, Cầu phúc, Cố hương v.v…
Nhưng Lỗ Tấn còn là một học giả. Các sách Lịch sử văn hóa Trung Quốc đều coi ông là nhà văn hóa thời cận đại – một nhà văn hóa theo khuynh hướng cách tân, chủ trương cách mạng giải phóng dân tộc. Ông nghiên cứu sâu sắc Nho học, Đạo học, so sánh nó với Upanishad Ấn Độ cũng như Shinto Nhật Bản. Phải chăng, đó chính là “phần chìm” của “tảng băng trôi” – theo cách nói của Hemingway? Bởi vì có hiểu sâu sắc văn hóa dân tộc mình, có hiểu cặn kẽ văn hóa dân tộc khác để hiểu mình hơn, để tránh thiên lệch “ở nhà nhất mẹ nhì con”, thì mới có thể phát hiện và phê phán những thói hư tật xấu không nên có của dân tộc mình. Các biểu hiện “quốc dân tính Trung Hoa” được thể hiện qua AQ chính truyện và hàng loạt truyện ngắn, tạp văn… chính là “phần nổi” được thăng hóa từ phần chìm vững chắc là một hành trang văn hóa đầy đặn.
Các bộ sách nghiên cứu của ông như Trung Quốc tiểu thuyết sử học, Hán văn học sử cương yếu, các bài tạp văn như Thầy Khổng ở Trung Quốc ngày nay, Phong độ Ngụy Tần và mối quan hệ giữa rượu, thuốc và văn chương v.v… sẽ giúp chúng ta hiểu thêm tư tưởng, tài năng và nhân cách Lỗ Tấn,
Hán văn học sử cương yếu (Đại cương lịch sử văn học Hán), là tập bài giảng về Lịch sử văn học Trung Quốc, từ khởi thủy qua Kinh thi, Sở từ đến văn học đời Tần, Hán. Ông giảng các chuyên đề này ở Đại học Hạ Môn. từ năm 1926 rồi sau đó ở Đại học Trung Sơn từ 1927. Chuyên đề gồm 10 chương, bắt đầu từ định nghĩa Văn là gì? Văn chương là gì? Thơ bắt đầu từ đâu? Ông nói đến sáu điển của Kinh thư và sáu nghĩa của Kinh thi. Ông bàn về chữ “vô vi” của Lão Tử, cái “phong phú hoa mỹ” của Trang Tử và cho rằng, văn Trang Tử “các tác giả cuối Chu không ai hơn ai được”. Ông dành những lời lẽ xúc động nhất cho Khuất Nguyên và đánh giá cao tác dụng của Ly tao: “Ly tao ra đời tưới thấm rừng văn hết sức xa rộng”. Ông cho rằng, Lý Tư với bài phú Can việc đuổi khách (Gián trục khách phú) chính là tái gia văn học đời Tần. Ông đồng cảm sâu sắc với bi kịch của Tư Mã Thiên và khen Sử ký là “một thiên Ly tao không vần” (Vô vận chi Ly tao)…