Tập thơ này ra đời cách đây cũng đã bảy năm rồi.
Chúng ta vẫn còn nhớ cái khoảnh khắc Vi Thùy Linh xuất hiện vào tháng 10 năm 2000 cùng với tập thơ “Linh” này ở Nhà xuất bản Thanh niên. Khi ấy, người khen, khen đến hết lời. Kẻ chê cũng chê đến cạn nhé. Đấy là một dấu hiệu đáng mừng. Bởi cuốn sách đã không bị quên lãng. Nó đã có đời sống và số phận của nó. Đối với việc sáng tạo nghệ thuật, sợ nhất là sự im lặng. Một tác phẩm ra đời, như hạt cát ném vào vũ trụ, rồi mất hút trong cõi mịt mù giá lạnh, chẳng để lại một tiếng vọng nào.
Khi bàn về thơ Vi Thuỳ Linh, có người đã gọi chị là nhà thơ đổi mới. Tôi không nghĩ thế. Bởi nói đến những nhà thơ đổi mới, thì chí ít, họ cũng phải có những cái cũ để mà đổi thành mới. Nhiều thi sĩ thành danh, đã dũng cảm đập vỡ mình ra, rồi nhào nặn lại thành một gương mặt khác, với một vẻ đẹp hoàn toàn khác. Vi Thuỳ Linh đầu phải thế. Chị sinh ra đã có gương mặt riêng, tiếng nói riêng. Chị không có nợ nần gì với quá khứ, cũng ít tiếp nhận những giá trị của quá khứ. Và trong tâm khảm, tôi tin Vi Thuỳ Linh cũng chẳng có ý thức quyết làm người tiên phong đổi mới thơ ca. Đối với chị, hình như đó là một việc rất xa lạ. Chị chỉ sống đúng như những gì mình có. Nghĩ theo cách nghĩ của riêng mình. Rồi cất lên tiếng nói cũng của chính mình. Tất cả đều hỗn nhiên và giản dị.
Nói đến tập thơ “Linh”, cũng không ít người cho rằng, thơ chị luôn bị ám ảnh bởi yếu tố sex. Và để minh chứng cho luận điểm của mình, người ta cũng thường chỉ dẫn ra câu thơ: “Khoả thân trong chăn – Thèm chồng…”. Nhng điều Vi Thuỳ Linh khao khát lại hoàn toàn không phải chuyện nhục dục:
Mình ôm lấy Anh ôm mình
Biết sự bình yên của mặt đất…
Và như thế, cái mà Vi Thuỳ Linh muốn vươn đến, luôn khát khao, đâu phải chuyện Khoả thân – Thèm chồng, mà lại là sự bình yên của mặt đất kia.
Có thể nói, âm hưởng chính của cả tập thơ này, là sự phấp phỏng không yên của một trái tim thông minh, nhạy cảm trước một thế giới hỗn mang, luôn quay đảo đến chóng mặt.
Nơi em ở là phía ngày nắng tắt
Nỗi buồn nhiều như gió
Em ước thả được lên trời như bóng bay….
….Gió vẫn thổi, buồn phiền không mất nổi
Chỉ còn phía Anh thôi
Em không nhớ đã gặp Anh bao lần, bất kể khi nắng còn hay tắt
Để rồi đêm nay
Em cay đắng quay về khi Anh đẩy em bằng mắt!
Ánh mắt Anh – không – bay – được
Lòng em vỡ
Vỡ vào đêm chỉ thiếu một tháng trăng em tròn 19 tuổi
Sự khắc khoải, cô đơn ấy có khi lại ở ngay trong căn nhà vốn vẫn được coi là tổ ấm của chính mình:
Bố
Mặt trời nóng nực và ổn đ
Con muốn gần …lại sợ …tan ra…
Mẹ
Mặt trăng xa
Con ngần ngại cận kề
Con
Vì sao lạc giữa
Lớn lên và sáng bằng nước mắt…
Và ngoài kia, cũng vẫn là một thế giới rộng lớn và luôn bất an
Trái đất- cái cối xay rất cũ
Vòng vòng quay nặng nề mệt mỏi
Nóng dần lên, nước biển
Thức dậy những núi lửa
Những cánh rừng trơ cuống họng
Những người đàn bà teo tóp ôm con, không bật nổi tiếng khóc
…Nhiều vàng và kim cương, vẫn đói nghèo
…Tôi căm ghét ngày 15 tháng 7 năm 1996, cả loài người kinh ngạc khi cừu Dolly ra đời
Gă Wilmut người Scotland chẳng có gì phải tự hào vì công trình của mình đến thế Không ai ngăn cản ý đồ sinh sản vô tính là thành tựu của tiến hoá
Hàng triệu người điện lên theo mãnh lực phần mềm Microsoft
Những tâm hồn đang được mã hoá với nhịp điệu sống lập trình
Ngày đêm, nơron thần kinh căng cứng cập nhật dữ liệu
Con người không ngây thơ, không nhiều ước mơ và mất dần lãng mạn
Màu dollar sắp nhuộm cả da trời….
Thơ Vi Thuỳ Linh là thế. Ngổn ngang và rậm rạp trong những nghĩ suy trăn trở của ngày hôm nay. Tôi cũng đã từng nói ở đâu đó rằng, một người khi ngồi vào bàn trang điểm thì dù ít, dù nhiều cũng đã tự thú nhận về sự khiếm khuyết của nhan sắc minh. Vi Thuỳ Linh không cần phải trang điểm. Cũng như nhiều thi sĩ hiện đại, chị vứt hết mọi son phấn loè loẹt của từng con chữ. Chị bỏ vần điệu, thậm chí bỏ kể cả nhạc điệu, là cái tối thiểu cần phải có trong thơ. Nghĩa là chị tước hết mọi “trang bị”, đến nỗi dường như không còn gì để nương tựa, bấu víu. Phải nói Vi Thuỳ Linh là người dũng cảm và tự tin. Thơ chị có nội lực. Chị vịn vào nội lực ấy mà đứng dậy trên hai chân của mình và sáng bằng nước mắt. Đọc chị, ta luôn có cảm giác rợn ngợp như đang đứng trước một ngọn núi lửa vừa mới tuôn trào với một sức mạnh không thể ngăn cản nổi. Lẫn trong ngổn ngang đất đá, nham thạch là không ít những thỏi quặng quý. Có thể gọi Vi Thuỳ Linh là thi sĩ của tình yêu. Ai cũng có thể yêu. Nhưng yêu được đến như Linh, có lẽ cũng chẳng có đến mấy người:
Hình như tôi cũng đã lớn lên cùng tình yêu dành cho Anh, từ khi bắt đầu là bào thai con gái trong bụng mẹ
Tôi nghĩ thế, bằng giác quan thứ bảy Cây thánh giá kết tạo từ linh giác
Tôi đã mang nó
Đi qua thời gian
Đi qua không gian
Phủ phục trước Anh
Hiến dâng trong hạnh phúc tuyệt đích của nô lệ tình yêu không muốn được giải phóng.
Có người nói: “Cái đẹp cứu thế giới”. Nhưng với Vi Thuỳ Linh, thì chỉ có tình yêu mới cứu được thế giới này:
Khi yêu nhau, chứng minh đã thoát khỏi thế giới hỗn mang này, kiến tạo một thế giới khác, chỉ có Anh và em, chỉ có Anh và em
Một thế giới hoà hợp và hứng khởi, bởi sự khám phá không ngừng, bắt đầu từ khi mình biết vượt qua bức tường rêu kiên cố
Đó là ý nghĩa ngày mai được đón đợi
Ở thế kỷ 21, một bé trai hỏi mẹ:
– Mẹ ơi, Trái đất rộng lớn chừng nào?
– Bằng ước mơ của mẹ về con
– Còn Cha của con?
– Người là một Thế giới
Thơ Vi Thuỳ Linh trong sáng và lành mạnh. Chị làm ta cảm động vì những ước mơ rất thành thật. ước mơ được làm mẹ. Ta hãy nghe chị tâm sự với đứa con vẫn còn ở trong nỗi khát vọng của mình:
Ngày xưa
Khi còn bé
Mẹ chỉ thích chơi trò “em bé”
Mẹ ôm búp bê, cho búp bê “bủ tị”
…Mẹ đã chở cha con xuất hiện suốt cả thời thiếu nữ
Mẹ chờ con, hiện thân của tình yêu mẹ với người đàn ông duy nhất ngự trị trái tim và tâm hồn mẹ
Con, con di…
Không biết bao lần mẹ đặt tay lên bụng, gọi con
Mẹ khao khát mang con, mặt trời đang phôi thai trong mẹ
Mẹ muốn có thật nhiều mặt trời
Con ơi! con ơi!
Con đang bay ở đâu? Con đang bay ở đâu?
Hãy theo tình yêu của cha, đậu vào lòng mẹ…
Nhà thơ Xuân Diệu có lần nói rằng: “Một bài thơ sống được đến 50 năm, đã có thể xem là vĩnh cửu, bởi nó có khả năng thoát được nạn ô xi hoá của thời gian”. Tất nhiên, đó là cách tính của Xuân Diệu ở thời đại của ông. Bây giờ, những giá trị giả tàn lụi nhanh lắm. Một bài thơ “sống” được 5 năm, đã có thể xem là điều đáng mừng, bởi nó đã có dấu hiệu trụ được với thời gian. Tập thơ của Vi Thuỳ Linh ra đời cách đây đã bảy năm, bây giờ đọc lại, ta vẫn không thấy cũ. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp rất có lý khi anh xếp Vi Thuỷ Linh là cây bút tiêu biểu nhất, đáng kể nhất trên thi đàn thơ trẻ hiện nay.
Tôi cũng rất yêu cái cảnh sắc thần tiên rất đỗi thanh tạo này:
Tên Anh thành tượng thanh của tín niệm
Trong cơn mơ chập chờn, em thấy Anh vừa tắm nước sông Hằng tinh khiết, đến nâng em đi về phía dòng sông ngọc bích hắt sáng đến chân trời nơi đầy hoa Thuỳ Linh nở
Ở bên Anh, cả khi Anh không còn đủ sức nâng em trên cánh tay mình, em sẽ Anh để mái tóc em chảy lấp lánh nếp nhăn trên khuôn mặt Anh, phủ kín tóc bạc của Anh trong sự run rẩy vỗ về của ngón tay mềm ẩm
Anh lại ru em những lời linh thiêng…
Hà Nội 1-1-2007
T.D.K