Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí Tập Một

Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí Tập Một

Tác giả:
Thể Loại: Lịch Sử - Chính Trị
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com
PDFĐỌC ONLINE

Khoa học xã hội Việt Nam cũng như khoa học tự nhiên Việt Nam bắt đầu ở thời kỳ phát triển. Riêng về khoa học xã hội, các khoa học này chỉ có thể tiến lên, khi chúng ta có các tài liệu cần thiết làm cơ sở cho công tác nghiên cứu tìm tòi. Nhận thấy mối quan hệ ấy, Ban Nghiên cứu Văn Sử Địa trước kia và Viện Sử học Việt Nam bây giờ đã cho phiên dịch và ấn hành bộ Việt sử thông giám cương mục tức Khâm định Việt sử thông giám cương mục do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn ra hồi thế kỷ XIX. Việt sử thông giám cương mục tuy là bộ sách khá phong phú về tài liệu, nhưng phần lớn các tài liệu này lại chỉ là tài liệu lịch sử mà thôi, còn các tài liệu về chính trị kinh tế học, về địa lý học, về luật học, về văn học, về ngoại giao, về quân sự, về chế độ quan liêu, về các nhân vật lịch sử thì lại không có hoặc chỉ có rất ít. Nhưng công tác khoa học xã hội của chúng ta hiện nay chỉ có thể phát triển khi có một nguồn tài liệu cần thiết tương đối đầy đủ. Các tài liệu cần thiết ấy hiện nay rải rác ở trong nhiều thư tịch Việt Nam do tổ tiên chúng ta để lại. Trong số các thư tịch này có bộ Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú là bộ sách lớn của Việt Nam. Trong kho tàng thư tịch Việt Nam, nếu trước kia có bách khoa toàn thư, thì phải nhận rằng Lịch triều hiến chương loại chi là bộ bách khoa toàn thư đầu tiên của Việt Nam. Lịch triều hiến chương loại chi là cả một kho tài liệu cần thiết cho công tác nghiên cứu và xây dựng các khoa học xã hội. Lịch triều hiến chương loại chí gồm có 49 quyển, chia ra làm 10 bộ môn nghiên cứu tức 10 loại chỉ sau này :
1. Dư địa chí chuyên chủ nói về tình hình địa lý và lịch sử địa lý của nước Việt Nam.
2. Nhân vật chí nói về tiểu sử các vua chúa, các quan lại, các nho sĩ, các tướng sĩ, các người có tiết nghĩa, có tên tuổi trong lịch sử Việt Nam.
3. Quan chức chí nói về lịch sử chế độ quan liêu Việt Nam trong lịch sử.
4. Lễ nghi chí nói về nghi vệ, phẩm phục vua chúa, quan lại, các lễ của triều đình.
5. Khoa mục chí nói về chế độ khoa cử và những người thi đỗ từ tiến sĩ trở lên từ triều Lê trở về trước.
6. Quốc dụng chí nói về chế độ thuế khóa và chế độ tài chính của các triều đại trong lịch sử.
7. Hình luật chi nói về tình hình pháp luật của các triều đại và nhất là tình hình pháp luật của triều Lê.
8. Binh chế chi nói về các tổ chức quân sự của nước Việt Nam qua các triều đại từ triều Lê trở về trước.
9. Văn tịch chi nói về các sách bằng chữ nôm hay chữ Hán của Việt Nam từ triều Lê trở về trước.
10. Bang giao chi nói về chính sách ngoại giao, nghi lễ ngoại giao, lịch sử ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Trong tất cả các bộ môn nghiên cứu kể trên, Phan Huy Chú chỉ nghiên cứu các sự kiện từ triều Lê trở về trước, và thường chú trọng nghiên cứu đặc biệt về triều Lê, còn triều Nguyễn thì ông không nói đến (có lẽ để tránh các sự lôi thôi làm phiền lụy cho mình).
Các bộ môn nghiên cứu của Lịch triều hiến chương loại chi là những bộ môn đã được phân loại và hệ thống hóa khá rành mạch. Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn cũng là bộ sách được phân loại và hệ thống hóa, nhưng so với Lịch triều hiến chương loại chí, thì Vân đài loại ngữ không phân minh về mặt phân loại cũng như về mặt hệ thống hóa. Như vậy là giá trị của Lịch triều hiến chương loại chí trước hết là giá trị khoa học.
Các tài liệu của Lịch triều hiến chương loại chi không những phong phú và đã được phân loại, hệ thống hóa theo phương pháp khoa học, mà nói chung còn chính xác nữa. Đó là giá trị khoa học thứ hai của bộ sách vĩ đại của nhà học giả họ Phan.
Lịch triều hiến chương loại chí không chỉ là bộ sách có giá trị khoa học. Điều đáng đặc biệt chú ý là Lịch triều hiến chương loại chí lại là bộ sách tiến bộ về mặt tư tưởng nữa. Tính chất tiến bộ của bộ sách biểu hiện ở nhiều phương diện, nhưng có lẽ cụ thể và lý thú nhất là ở phương diện chế độ ruộng đất nước Việt Nam. Ta hãy xét vài đoạn về chế độ ruộng đất trong bộ sách lớn của họ Phan.
“Chính sách nuôi dân không gì bằng làm cho dân có tài sản, mà muốn cho dân có tài sản, chủ yếu là việc quân điền. Bởi vì tai họa trong một nước, do chỗ ruộng đất không quân bình. Nếu tài sản của mọi người dân đều được bình thường, thì nhân dân tất nhiên đều được đầy đủ… Chế độ ruộng đất ở Bắc Hà từ trước đến nay, sổ sách thiếu sót không thể kê cứu được. Nhưng đại thể ruộng đất của dân, để mặc cho bọn cường hào chiếm đoạt. Hơn một ngàn năm nay, những người làm vua làm chúa trong nước không ai khôi phục lại chế độ ruộng đất của đời cổ để trừ bỏ cái tai vạ cho dân”.
“Mục đích việc quân điền này là cốt làm thế nào cho một tấc đất đều khai khẩn, mọi người dân đều có ruộng làm, chữa khỏi các bệnh đói khổ của người nghèo, dập tắt được cái tệ chiếm đoạt của bọn bóc lột ; dân đã có tài sản bình thường để cải thiện đời sống, tất nhiên họ ra công cày cấy, làng xã được yên vui, tiến lên làm việc dạy dân chúng, xây dựng phong tục.
Ở những câu trên, thái độ của tác giả Lịch triều hiến chương loại chỉ rõ ràng là thái độ của một nhân vật tiến bộ đã đứng về phía lợi ích nhân dân, lợi ích người nghèo mà xét đến vấn đề ruộng đất.
Đương nhiên là Lịch triều hiến chương loại chí có khuyết điểm này hay khuyết điểm khác, nhưng phần lớn các khuyết điểm ấy đều do điều kiện lịch sử mà ra. Hoàn cảnh lịch sử của nước Việt Nam hồi đầu thế kỷ XIX đã hạn chế tầm quan sát của tác giả Phan Huy Chú, khiến tác giả không thể có cách nhìn nhận, phán đoán, nghiên cứu chính xác hơn, đúng đắn hơn, tiến bộ hơn, khoa học hơn.
Lịch triều hiến chương loại chí tuy là bộ sách lớn, nhưng bản chính của tác giả có lẽ hiện nay cũng không còn nữa. Hiện nay chỉ có một số sách chép tay hoặc của riêng thư viện Viện Sử học, hoặc của thư viện Khoa học trung ương. Các bản sách chép tay này tất nhiên khó mà tránh khỏi cái nạn “tam sao thất bản” (ba lần sao chép lại thì mất nguyên bản) như thường xảy ra đối với các sách chép tay.
Lịch triều hiến chương loại chi là bộ sách viết theo thể văn nhiều điển tích, trong số các điển tích này có điển tích có thể tra cứu được, có điển tích chưa thể tra cứu được. Lịch triều hiến chương loại chi có một số từ ngữ không những không thấy có ở các sách sử thường, mà đến cả các từ điển như Từ hải, Từ nguyên cũng không có nữa ; do đó hiện giờ chưa có cách nào để có thể hiểu được nghĩa các từ ngữ ấy. Ngoài ra lại có một số chữ nôm như gạo biển, tiểu chiêm, tiểu bể v.v… cũng chưa dựa vào đâu mà tra cứu được nghĩa.
Trong quá trình phiên dịch Lịch triều hiến chương loại chí ra ngữ ngôn dân tộc, các nhà làm công tác phiên dịch đã cố gắng tra cứu, so sánh, tìm tòi, hội ý để cố tránh khuyết điểm được phần nào hay phần ấy. Nhưng năng lực các nhà làm công tác phiên dịch lại có hạn, mà phạm vi bộ sách lại bao la, các khó khăn có rất nhiều, do đó các khuyết điểm trong công tác phiên dịch hẳn là có nhiều, chúng tôi chờ các bạn xa gần chỉ bảo cho.
Sau bao nhiêu lâu công phu và cố gắng, nay Lịch triều hiến chương loại chí đã được phiên dịch và ấn hành, chúng tôi mong rằng nó sẽ phục vụ được nhiều các nhà làm công tác nghiên cứu và xây dựng các khoa học xã hội Việt Nam.

Có thể bạn thích sách  Điện Biên Phủ

Hà Nội, tháng 1–1960
VIỆN SỬ HỌC VIỆT NAM