Mục đích chính của cuốn sách này, tập III và là tập cuối cùng cuốn LỊCH SỬ NHẬT BẢN, là trình bày về sự phát triển chính trị và xã hội của nước Nhật kể từ thời Ieyasu, đại nguyên soái đầu tiên của dòng họ Tokugawa.
Ieyasu là một nhà quân sự và người cai trị thiên tài. Ông mất năm 1616, sau khi giữ chức đại nguyên soái chưa đầy một thập kỷ và sự nghiệp của ông đã để lại dấu ấn không phai mờ trong lịch sử của đất nước, suốt thời kỳ dài 250 năm.
Hệ thống kiểm tra, kiểm soát và tài cầm cân nẩy mực mà ông và những người kế nghiệp ông (đặc biệt là Iemitsu) áp đặt với tầng lớp lãnh chúa phong kiến lớn dưới quyền là một thắng lợi chính trị diệu kỳ, kết hợp được cả sức mạnh lẫn tài kinh bang tế thế, có thể sánh với những nhân vật dũng mãnh và kiên định nổi tiếng ở châu u trong thế kỷ thứ XVII mà không một thế lực nào dám nghĩ đến chuyện chống lại. Nét nổi bật trong chính sách cai trị của các đại nguyên soái dòng họ Tokugawa là sự kiên quyết giữ vững hòa bình. Sáu cuộc nổi dậy ở Shimabara năm 1637-38, đất nước chấm dứt hẳn nội chiến. Mọi tâm lực được tập trung vào việc phát triển nền kinh tế hàng hóa trong nông nghiệp, công nghiệp và khai khoáng.
Chính quyền thời kỳ này quan tâm nhiều đến việc tạo công ăn việc làm cho giới quân nhân thất nghiệp hơn là đẩy họ vào việc quân sự.
Những sắc lệnh liên quan đến tầng lớp quân nhân (Buke-Sho-Hatto) công bố lần đầu tiên năm 1615, liền ngay sau khi thành Osaka thất thủ, đã hướng giới quân nhân vào việc trau giồi phẩm chất cả về quân sự lẫn dân sự bởi vì không phải tất cả đều tiếp tục công việc binh nghiệp. Cũng may là rất nhiều quân nhân đều có công ăn việc làm trong bộ máy dân sự, chủ yếu trong các cơ quan hành chính, do họ đều ít nhiều có học, một điều kiện để được sử dụng mà nhiều tầng lớp khác không có, trừ giới tăng lữ. Nhiều người đã chuyển hướng từ thời chiến sang thời bình một cách dễ dàng thoải mái. Họ được bố trí giữ những chức vụ ở các cơ quan chính quyền của trung ương và địa phương hoặc trong các thành phố pháo đài dưới quyền các lãnh chúa thuộc tưởng của đại nguyên soái.
Như vậy, nói chung đất nước được quản lý tốt. Một số nhà quý tộc được hưởng quyền tự trị, tự giác đặt mình dưới sự kiểm soát chặt chẽ của các viên giám quan do chính quyền trung ương ở Yedo bổ nhiệm. Để giữ yên đất nước, năm 1639 chính quyền Bakufu đã để ý tới một số lãnh đạo chúa phong kiến miền duyên hải. Số này có những mối quan hệ với đại diện một số lực lượng phương tây, nhờ đó mà họ mua được những vũ khí mạnh.
Như ta thấy, đất nước được cai trị có kỷ cương. Nhờ có như vậy nên gần suốt hai thế kỷ, chẳng những không có nạn ngoại xâm mà mức sống tăng. Đành rằng thường xuyên đất nước có thiên tại đây đó, còn nạn đói và dịch bệnh, nhưng nói chung là phồn vinh, có những tiến bộ rõ rệt về vật chất.
Có mặt khó đánh giá hơn là điều kiện đạo đức của các tầng lớp xã hội, từ giới võ sĩ đạo đến người nông dân, người thợ thủ công và tầng lớp thấp nhất là giới thương nhân. Trong phần lớn các tác phẩm văn học nghiêm túc của thời kỳ Yedo, đề cập tới những vấn đề xã hội học, như ngày nay ta thường gọi. Có điều lý thú là trong thời kỳ đó chính quyền Bakufu không áp dụng một chế độ kiểm duyệt chặt chẽ đối với các luận văn chính trị. Nhiều nhà học giả với tư cách cá nhân được tự do phê bình chính quyền, nhưng bất kỳ một ý đồ nào muốn hình thành một trường phái chính trị biệt lập thường bị đẹp. Trong những hoàn cảnh như vậy lẽ tự nhiên người ta phải tỏ sự không bằng lòng bằng cách châm biếm và văn học thời kỳ này giàu tính trào lộng, rất trí tuệ nhằm cả vào những chuyện cung đình là điều mà xưa nay cấm kỵ không được đem ra đùa cợt.
Từ tình hình này đã thấy không dễ gì có được cảm tưởng tốt đẹp về bản chất cuộc sống ở Nhật Bản thời Tokugawa. Viết về đầu thế kỷ thứ XVII, Fujiwara Seika, cũng không phải là một nhà thơ nổi tiếng lắm, đã có điều than phiền trong bài thơ có nhan đề “Thế kỷ đáng sợ”. Hai thế kỷ sau, khoảng năm 1800, một bản luận thuyết nổi tiếng về đạo lý đương thời cũng phải có nhận xét bi quan. “Người cầm quyền là ích kỷ” “Những quan chức cao cấp đều ích kỷ. Đẳng cấp quân nhân không còn ý thức gì về nghĩa vụ. Con người không còn biết hy sinh thân mình và gia đình mình vì chủ như trước… Tục ngữ có câu đời nay bói không ra những người trong các gia đình quân nhân không ăn cắp mà lại “giàu có”.
Những nhận xét đó có phần hơi quá song nó cũng phản ánh được phần nào cảnh sống thành thị cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Thời kỳ này được mệnh danh là kỷ nguyên Genroku, có đặc trưng về mốt thời trang với những bộ trang phục sặc sỡ của người dân thành thị, lòng ham mê vui chơi và ý thích các tác phẩm văn học và nghệ thuật tạo hình của họ. Có thể đây là đỉnh cao của cuộc sống chính trị và văn hóa dưới thời các đại nguyên soái dòng họ Tokugawa. Chính quyền Bakufu có uy tín lớn đặc biệt là dưới thời đại nguyên soái Yoshimune từ năm 1716 đến 1745. Sau đó bắt đầu thời kỳ suy tàn do thiếu người cai trị giỏi hơn là vì những khó khăn mà những người cầm quyền đã gặp phải. Có một yếu tố mới dẫn tới tình hình nghiêm trọng là hậu quả của chính sách tự cô lập trước tình hình có nhiều tàu buôn nước ngoài đến vùng biển Nhật Bản. Đầu tiên là những tàu của người Nga năm 1792 đưa một phái bộ do Laxman dẫn đầu đến cảng Nemuro ở Yezo rồi đến Hakodate. Những năm cuối thế kỷ nhà cầm quyền Nhật Bản tích cực bảo vệ quyền lợi của Nhật Bản ở Xakhalin và các đảo miền Nam Kurin. Sau đó chính quyền Bakufu cố ngăn không cho tàu nước ngoài vào các hải cảng của Nhật Bản. Năm 1825 chính quyền địa phương ra lệnh trục xuất người nước ngoài, song trên thực tế lệnh này không có hiệu lực bao nhiêu. Trước sức ép của các thế lực phương Tây, cao điểm là cuộc viễn chinh đường biển của đô đốc Perry năm 1853. Nhật Bản buộc phải từ bỏ chính sách bài ngoại và đương đầu với những hiểm nguy từ cộng đồng quốc tế.
Sau đó Nhật Bản là một quốc gia có kỷ cương, kế thừa được kinh nghiệm của quá khứ để có bước đi vững chắc. Lịch sử của kỷ nguyên Yedo đã chứng tỏ có sự phát triển đáng kể trên mọi lĩnh vực của đời sống đất nước. Đó là một thành tựu vĩ đại.
GEORGE SANSOM