Tôi vừa từ Nhật Bản trở về sau một tháng lang thang một mình qua bao miền của xứ Mặt trời mọc. Có hai việc liên quan đến chuyến đi này. Thứ nhất, là nhà Quốc tế ngữ Việt Nam, là Ủy viên Ủy ban phong trào Quốc tế ngữ Châu Á của Hội Quốc tế ngữ thế giới, tôi được các bạn Nhật Bản mời tham gia Đại hội Quốc tế ngữ lần thứ 89 của Nhật Bản. Thứ hai, với tư cách là một họa sĩ, các bạn Nhật mời tôi tham gia vào mấy dự án nhân đạo giúp đỡ Việt Nam. Đó là xây dựng thư viện chữ nổi cho người mù Việt Nam và dự án xây dựng nhà máy sản xuất giấy từ thân cây chuối, sau khi đã thu hoạch quả. Nhiệm vụ của tôi là tuyên truyền rộng rãi về hai dự án trên tại những nơi mà tôi tới thăm, để càng nhiều người Nhật biết về chúng càng tốt. Ngoài ra những bức ký họa chân dung của tôi vẽ tại Nhật được bán đi, lấy tiền góp vào quỹ xây dựng thư viện chữ nổi đó.
Thế là với chiếc ba lô sau lưng, với giấy bút và hộp màu nước mang theo, tôi lên đường sang thăm nước Nhật. Đúng như hình ảnh những “Tây ba-lô” sang Việt Nam du lịch mà chúng ta thường gặp. Có khác chăng, đây là “Ta ba-lô” đi thăm nước Nhật mà thôi!
Các bạn Nhật khuyên tôi nên thăm nước Nhật vào mùa thu bởi vì mùa thu của nước Nhật nhiều màu sắc nhất. Và các bạn Nhật sắp xếp cho tôi một chương trình đầy ắp những chuyến thăm viếng, gặp gỡ hết sức thú vị. Trong vòng một tháng đó, tôi đã đi qua hàng ngàn cây số trên đất nước Phù Tang, đã đi qua hàng chục thành phố lớn nhất nước Nhật. Tôi đã tới thăm những khu công nghiệp khổng lồ ở Yôkôhama và Chiba, đã ngủ trong những căn nhà gỗ của nông dân giữa rừng sâu Matizuki, tắm suối nước nóng của vùng núi lửa Phukushima, chiêm ngưỡng những ngôi chùa cổ trên ngàn năm tuổi tại các cố đô Nara và Kyôtô. Trong suốt thời gian ở thăm đất nước tươi đẹp này, chỉ trừ một đêm duy nhất ở đảo Hokkaiđô tôi được bố trí nghỉ trong một khách sạn 5 sao, thời gian còn lại tôi sống cùng các gia đình. Tôi đã trao đổi tâm tình về mọi chuyện trên đời một cách thoải mái, tự nhiên và rất mực chân tình. Tại nhà Quốc tế ngữ Nhật Bản nằm tại vùng núi Iatugatake, tôi đã sống chung với các nhà Quốc tế ngữ Nhật Bản trong một căn nhà tập thể. Ở đó tôi đã giới thiệu với các bạn Nhật về đất nước và con người Việt Nam, các bạn Nhật cũng giới thiệu với tôi về đất nước của họ. Tôi đã gặp ở đây các giáo sư đại học và các nhà nội trợ, các chị hộ lý và các sinh viên.
Chúng tôi cùng thăm viếng các danh lam thắng cảnh, đọc thơ và đàn hát với nhau tới đêm khuya.
Tôi đã dành dụm số thời gian ít ỏi của mình để tới thăm Viện bảo tàng nghệ thuật ở Tokyo, Chiba, Toyota, thăm bảo tàng nhân chủng học lớn nhất nước Nhật tại Osaka, tìm hiểu nghệ thuật cắm hoa nổi tiếng của người Nhật – nghệ thuật Ikebana, tìm hiểu lịch sử đồ gốm sứ của Nhật Bản mà từ lâu đã được khâm phục trên toàn thế giới. Tới đất Nhật vào mùa thu, lúa trên đồng chín vàng rực, tôi đã về vùng nông thôn để xem bà con nông dân thu hoạch lúa, cày ải và gieo mầm, chuẩn bị cho vụ đông xuân. Tại cao nguyên Shihoro, phía Nam đảo Hokkaiđô giá rét, tôi đã ngắm những con bò sữa béo mộng đang nhẩn nha gặm cỏ trong nắng quái chiều, một khung cảnh thanh bình và đầy thơ mộng của vùng nông thôn Nhật Bản. Trong ba mươi ngày “lang thang” trên đất Nhật tôi đã có được một khái niệm cơ bản về cách ăn, ở, đi lại, cách cư xử của người Nhật với nhau, với bạn bè, những truyền thống đẹp đẽ đã có từ ngàn năm và cả những lối sống mới, hay có, dở có của người dân xứ này. Tôi đã ký họa được hàng trăm bức, đã ghi chép đầy mấy cuốn sổ tay. Giờ đây tôi muốn gạn lọc, kể lại một số điều tai nghe, mắt thấy về nước Nhật. Trước hết là để góp vào việc tìm hiểu về con người và đất nước kỳ diệu này. Sau đó là để tỏ lòng biết ơn những người bạn Nhật đã giúp tôi thực hiện một chuyến đi dài ngày đầy thú vị và bổ ích trên “đất nước Mặt trời mọc”, quê hương núi Phú Sĩ và sông Shinano.
Tôi xin thành tâm cám ơn bạn đọc đóng góp ý kiến cho những điều sai sót và nhầm lẫn của tôi trong ghi chép vội vã này, nếu có.
Tác giả