Tôi sẽ không bàn về những khía cạnh đạo lý của sự có mặt ấy. Đơn giản tôi chỉ nêu lên những điều tai nghe mắt thấy trong những tuần lễ tôi đi cùng các đơn vị Mỹ ở miền Nam Việt Nam vào mùa hè năm 1967. Những điều tôi nghe và thấy – phần lớn liên quan đến sự huỷ diệt đang diễn ra ở miền Nam Việt Nam – đã giúp tôi phát hiện ra đặc điểm kỳ lạ của cuộc chiến tranh này. Theo thời gian, tôi hiểu ra đó chính là cách đối phó của quân đội Mỹ trước những thực tế đặc thù hết sức đa dạng của cuộc chiến: sự chênh lệch rất xa về quy mô và sức mạnh giữa hai đối thủ; thực tế là người Mỹ đang đánh nhau ở một nơi cách xa nước mình hàng chục nghìn dặm; thực tế là người Việt Nam là một dân tộc châu Á và sống ở một đất nước chưa công nghiệp hoá; thực tế là người Mỹ đang ném bom miền Bắc Việt Nam còn người Bắc Việt Nam lại không thể ném bom nước Mỹ; thực tế là người ta chỉ chống trả việc chúng ta ném bom ở miền Nam bằng vũ khí nhỏ; thực tế là binh sĩ Mỹ thường không thể phân biệt giữa thù với bạn hoặc dân thường; thực tế là tình trạng kém cỏi và thối nát của chính quyền Sài Gòn, là vai trò thứ yếu của Quân đội Nam Việt Nam – những kẻ đang nghĩ rằng chúng ta đến đây là để hỗ trợ họ; thực tế là đối phương đang tiến hành một cuộc chiến tranh du kích còn chúng ta thì đang tiến hành một cuộc chiến tranh cơ giới hoá; và cuối cùng, một thực tế bao trùm và kỳ quặc là: bề ngoài thì có vẻ như không cố tình, nhưng kỳ thực chính chúng ta đang tàn phá đất nước mà chúng ta cứ nghĩ là đang đến để bảo vệ nó. Như nhiều người Mỹ khác, tôi phản đối chính sách của Mỹ ở Việt Nam. Khi tôi nói chuyện với những lính Mỹ chiến đấu ở Việt Nam, tôi luôn cảm thấy đau buồn về những điều người ta ra lệnh cho họ làm và về những điều họ đã làm. Mặt khác, tôi không thể quên được sự thật là những người lính ấy cho rằng họ phải thực thi nhiệm vụ, rằng không có sự lựa chọn nào khác. Tôi cũng không quên được sự thật là họ đang phải sống trong trạng thái căng thẳng khủng khiếp, và cũng giống như mọi chiến binh trong mọi cuộc chiến, họ đang cố níu lấy sự sống và cố giữ cho tinh thần được tỉnh táo. Nếu như đất nước chúng ta sẩy chân sa vào cuộc chiến vì sai lầm, thì đó không phải là sai lầm của họ. Nếu như việc chúng ta tiếp tục leo thang chiến tranh là tội lỗi, thì tội lỗi đó chắc chắn không chỉ là của riêng mình họ. Nếu như thế thảm hoạ này đến thảm hoạ khác ập đến đầu nhân dân Việt Nam, thì những thảm hoạ đó chính là hậu quả tất yếu của cuộc can thiệp của chúng ta. Đã có hàng chục nghìn lính Mỹ thiệt mạng hoặc bị thương ở Việt Nam, có nhiều người trong số đó tin rằng họ đã chiến đấu vì chính nghĩa, và một số binh sĩ mà tôi vừa quen biết ở Việt Nam rồi cũng ngã xuống hoặc bị thương trong cùng một niềm tin như thế. Một số binh sĩ của chúng ta đã bị chiến tranh biến thành những kẻ tàn bạo. Tôi cũng có thể bị biến thành như thế nếu như tôi chiến đấu bên cạnh họ, cũng như những người thuộc bên này hoặc bên kia chiến tuyến trong mọi cuộc chiến tranh đã từng bị biến thành những kẻ tàn bạo. Tuy vậy, một số trong bọn họ đã thực thi nhiệm vụ nhưng không khỏi động lòng trắc ẩn đối với thường dân Việt Nam và ngay cả đối với kẻ thù trong chiến đấu. Trong cuốn sách này, tôi không chủ yếu viết về những người lính trong quân đội Mỹ. Tôi viết về một phần giới hạn của cuộc chiến, viết về sự huỷ diệt do quân đội Mỹ gây ra như tôi đã tận mắt nhìn thấy (phần lớn từ trên máy bayđối với một khu vực nông thôn của miền Nam Việt Nam. Tất cả người Mỹ chúng ta đều phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh này, chứ không phải chỉ các binh sĩ cầm súng. Tôi không có ý muốn phê phán những cá nhân người Mỹ chiến đấu ở Việt Nam. Tôi chỉ muốn ghi nhận những điều tôi chứng kiến, với hy vọng rằng điều đó sẽ giúp tất cả người Mỹ hiểu được tốt hơn điều chúng ta đang làm.