Kỹ Thuật Trồng Mãng Cầu

Kỹ Thuật Trồng Mãng Cầu

Tác giả:
Thể Loại: Nông - Lâm - Ngư
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com
PDFĐỌC ONLINE

NGUỒN GỐC

Mãng cầu thuộc họ Na (Mãng cầu) phát sinh rất sớm và được con người thuần hóa trước tiên ở các vùng nhiệt đới Châu Mỹ.

Từ thế kỷ 16, các cây họ Mãng cầu đã được nhập vào nhiều nước nhiệt đới và do tính thích nghi rộng được trồng phổ biến ở các vùng nhiệt đới và á nhiệt đới. Tuy nhiên do trái phức hợp, thường to, nhiều nước, khó vận chuyển, nên hiện nay mãng cầu vẫn thuộc loại trái cây chưa khai thác hết tiềm năng. Ở hội nghị trái cây nhiệt đới họp ở Băngladet tháng 7/1992, ngoài những trái đã trồng phổ biến như chuối, dưa, cam, quít, xoài, 5 loại trái cây sau đây được chú ý nhất : Mít, Táo gai, Măng cụt, Ổi, Mãng cầu.

Có hàng chục loại mãng cầu có trái ăn được nhưng trên thế giới chỉ có 2 loại được trồng phổ biến nhất đó là mãng cầu dai (Annona squamosa) và mãng cầu xiêm (Annona muricata). Ở Việt Nam cũng vậy, mãng cầu dai được trồng rộng rãi cả ngoài Bắc và trong Nam, còn mãng cầu xiêm chỉ trồng trong Nam; ở miền Bắc chi mới trồng thí nghiệm. Ngoài 2 loại này, còn 2 loại nữa có trái ăn được, nhưng mùi vị ít hấp dẫn, chất lượng thấp nhất là bình bát (A. glalora). Ở miền Nam bình bát mọc rất nhiều ở chỗ thấp, úng, nhiễm phèn và miền Bắc cũng có. Trái có vỏ nhẵn màu xanh, chuyển sang vàng tối khi chín.

Có thể bạn thích sách  Cây Cảnh, Hoa Việt Nam

Thịt màu trắng vàng, hạt màu nâu vàng. Người ta ghép cành mãng cầu xiêm lên gốc bình bát vì tiếp hợp tốt để trồng ở đất thấp nhiễm phèn vì trồng mãng cầu xiêm, chiết hay ươm từ hạt thì không được. Hạt bình bát cũng chứa một chất diệt sâu nên có thể dùng bột bình bát tán nhỏ làm thuốc trừ sâu.

Ở Việt Nam còn một loại mãng cầu nữa gọi là nê (na) tác giả đã gặp nhiều lần ở miền Bắc những năm 60 – trái rất giống bình bát tên khoa học là Annona reticulata – tên Pháp là Coeur de boeuf (tim bò). Tuy trái giống bình bát nhưng khi còn xanh màu đã hơi vàng khi chín màu vàng đỏ, vỏ trái cũng nhẵn, nhưng thịt trái màu vàng hồng. Hai khác biệt quan trọng nữa là lá nê dài, mỏng như mãng cầu dai, ưa đất cao hạn giống mãng cầu dai trong khi bình bát ưa đất thấp nhiều mùn nặng một chút và chịu úng tốt.