LỜI GIỚI THIỆU
Nuôi cá là một nghề cần ít vốn, hiệu quả nhanh, dễ cải thiện… người đời đã có câu: Thứ nhất canh trì, thứ nhì canh viên, thứ ba canh điền”. Ở nông thôn ta hiện nay, hầu hết mỗi gia đình đều có ao nuôi cá. Do tập quán nuôi cá kết hợp với thả bèo rau nuôi lợn, thả cá giống nhỏ, mật độ dày, nuôi chay… nên năng suất chưa cao. Từ năm 1994 đến 1999, đề tài nghiên cứu VAC của Viện Nghiên Cứu nuôi Trồng Thuỷ Sản I (Viện NCNTTSI) và Học Viện Công Nghệ Châu Á (AIT) đã thử nghiệm chuyển giao kỹ thuật nuôi cá ao trong hệ VAC tới 130 nông hộ ở 8 tỉnh đồng bằng sông Hồng. Những hộ tham gia thử nghiệm làm VAC theo chương trình dự án, đã nâng cao đời sống và tăng thu nhập trong gia đình một cách đáng kể. Hiện nay, phong trào nuôi cá ao đang phát triển mở rộng,chỉ tính riêng diện tích ao và hồ nhỏ có khả năng nuôi trồng thuỷ sản của từng miền thì” 11 tỉnh đồng bằng sông Hồng có 42.000 ha, 14 tỉnh trung du & miền núi phía bắc có 30.000 ha, 14 tỉnh khu 4 cũ & miền trung có 10.000ha… Nếu khai thác hết tiềm năng mặt nước nói trên, hàng năm có thể thu được 200.000 tấn cá. Để góp phần tham gia chương trình :”Phát triển nuôi trồng thuỷ sản bền vững phục vụ xoá đói giảm nghèo” của ngành Thuỷ sản, dựa trên kết quả thử nghiệm và tham khảo các quy trình nuôi cá của Viện NCNTTS I và AIT … chúng tôi biên soạn tài liệu này nhằm chuyển giao:”Kỹ thuật nuôi cá ao trong hệ VẠC ” tới các nông hộ có ao nuôi cá ở vùng đồng bằng. Trong quá trình biên soạn tài liệu, chúng tôi đã tổ chức thảo luận với một số đại diện chủ hộ VAC, một số cán bộ kỹ thuật của Viện NCNTTS I và thông qua hội nghị mở rộng VAC của 15 tỉnh phía bắc (họp ngày 23- 24/3/1999 tại Viện NCNTTS I ). Nhân dịp giới thiệu tài liệu này với bạn đọc, chúng tôi xin trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp xây dựng… để lần xuất bản sau, chất lượng sách được nâng cao hơn.
Tác giả