Kẻ trăn trở là cuốn sách được tập hợp từ rất nhiều bài viết đã được đăng trên các trang báo điện tử: VNExpress, Thanh niên, Tuổi trẻ, Giáo dục, báo Điện tử Chính phủ, VTC News… Cuốn sách đề cập tới nhiều đề tài mang đậm tính thời sự nóng hổi như giáo dục, hàng không, giao thông, xã hội… Từ giáo dục cho tới hàng không, từ câu chuyện về đất nước Việt Nam nhỏ hay không nhỏ cho tới câu chuyện về kinh tế – xã hội, kinh doanh bất động sản, nợ công, đường sắt, thương hiệu, công nghiệp ô tô ở Việt Nam… đều là những đề tài được khai thác rất nhiều trên các phương tiện truyền thông. Nhưng bằng góc nhìn mới với những đề tài tưởng chừng đã cũ, tác giả cuốn sách đã thể hiện tư duy nhạy bén với những vấn đề đang hàng ngày hàng giờ diễn ra trong đời sống xã hội. Đọc những bài viết về đề tài giáo dục, có thể nhận thấy ngay tư duy của một doanh nhân hàng ngày phải vật lộn với sự khốc liệt của môi trường cạnh tranh, nhưng vẫn luôn quan tâm, trăn trở tới vấn đề giáo dục quốc gia. Trong nhiều bài viết như Người Việt có quan tâm đến “giáo dục thật” hay Gửi Bộ trưởng: Một lá thư ngỏ bàn về giáo dục…, tác giả đã đưa ra những phân tích, đánh giá thấu đáo khi dựa trên những số liệu, tư liệu mang tính đối chiếu, so sánh giữa giáo dục Việt Nam với nền giáo dục các quốc gia tiên tiến trên thế giới: Mỹ, Anh, Singapore… Xoay quanh câu chuyện giáo dục, có một bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo mọi người, đó là Từ lũy tre làng ra biển lớn và Nhận thức về Tây học. Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng đặc biệt yêu thích bài viết này và dành những lời tâm huyết khi nói về vấn đề giáo dục: “Trong câu chuyện giáo dục, câu hỏi anh (hay tôithuộc về lũy tre làng hay thuộc về biển lớn thực ra không quan trọng lắm. Câu hỏi quan trọng là anh có muốn con anh sống với thế giới rộng lớn hơn thế giới của chính bản thân anh hay không? Nếu chúng ta đã thực sự rành mạch với bản thân mình rồi thì câu hỏi chọn mô hình nào cho giáo dục Việt Nam sẽ không cần phải bàn cãi nhiều nữa”. Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng tin tưởng vào những gì tác giả cuốn sách trăn trở có thể giúp “thai nghén những vận động tích cực” trong xã hội: “Tôi tin rằng những trăn trở của anh sẽ gặp gỡ, cộng hưởng với nhiều trăn trở của những người khác để thai nghén những vận động tích cực của xã hội”. Ngoài đề tài giáo dục, ngòi bút của tác giả tiếp tục khai thác những đề tài nóng hổi khác của đời sống xã hội. Với kinh nghiệm nhiều năm công tác trong lĩnh vực hàng không, cộng với những trải nghiệm khi có điều kiện đi nhiều, hiểu nhiều, chính những điều đó đã trở thành cơ sở vững chắc để tác giả trải lòng trên từng trang viết. Từ câu chuyện an toàn cho các chuyến bay, đến những chuyện thuộc bí mật nghề nghiệp trong ngành hàng không đều được tác giả chia sẻ để độc giả có thể hiểu hơn về hoạt động tìm kiếm cứu nạn hàng không; từ câu chuyện làm sao để giảm những chuyến bay chậm tới chuyện xây sân bay Long Thành mà thời gian gần đây đang là chủ đề nóng trên các diễn đàn, báo mạng và truyền hình, cũng được tác giả đưa ra nhiều dẫn chứng để phân tích, chứng minh. Viết về các vấn đề xã hội, tác giả đã khai thác nhiều đề tài cũ bằng góc nhìn mới. Là một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không, nhưng tác giả luôn đau đáu với những vấn đề liên quan đến sự phát triển hay những mặt còn tồn tại trong đời sống văn hóa của đất nước. Từ văn hóa xếp hàng tới tư duy mạng nhện, từ văn hóa khi tham gia giao thông tới việc quảng bá du lịch nước nhà đều được tác giả dựa trên những quan sát, trải nghiệm, so sánh giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới… Có thể lấy lời nhận xét của nhà báo Trần Đăng Tuấn, Tổng giám đốc Đài truyền hình An Viên để có được một hình dung rõ ràng hơn về cuốn sách: “Đọc cuốn sách này, sẽ thấy một Lương Hoài Nam – nhà báo chuyên nghiệp. Một trong các phẩm chất của nhà báo chuyên nghiệp là không từ chối các đề tài, một khi nó đến từ cuộc sống. Không phải nhà báo chọn đề tài, mà cuộc sống “bắt” nhà báo phải viết về cái gì. Mức độ phong phú của các lĩnh vực đề tài tác giả viết khiến bất cứ nhà báo chuyên nghiệp nào cũng có thể phải ghen tỵ: đường sắt, hàng không, xe máy, an toàn giao thông, nợ xấu, thương hiệu, mạng nhện dây diện, thị trường bất động sản, công nghiệp ô tô ở Việt Nam, và nhiều nhất là giáo dục.”