“Minh bạch – đó là sự lịch thiệp của nhà văn.” – Jules Renard “Kẻ giết người được giải Goncourt” của nhà thơ, nhà văn Pierre Gamarra là quyển sách lạ ở thể loại trinh thám, không anh hùng hiệp sĩ, không kinh điển hào nhoáng… nhẹ nhàng mà kịch tính. Một thành viên trong ban giám khảo giải thưởng văn học Goncourt đã nhận được 1 bản “Sự im lặng của Harpocrate” (Harpocrate – Thần Im Lặng. Tác phẩm được đánh máy và ký tên Paul Doubois ở dưới. Tác phẩm đoạt giải mà tác giả lại không xuất hiện tại buổi lễ. Ban giám khảo hàn lâm viện Pháp bị đưa vào tình thế khó xử, cánh báo chí thì bắt đầu giơ nanh vuốt ra. “Sự im lặng của Harpocrate” là một cuốn tiểu thuyết vượt hẳn tất cả những gì mà người ta có thể tưởng tượng được, ban giám khảo nói rằng đấy là một tuyệt tác và quyển sách đã gây cho họ một ấn tượng đặc biệt. Ở trên một trong những đường phố nhỏ mà thường là im ắng và vắng lặng có một người buôn sách cũ tên là Muet bị giết. Ông ta bị giết bởi ba phát súng lục. Tội ác do tác giả, nghĩa là kẻ đã kể lại chuyện này thực hiện. Nguyên nhân là sự căm ghét không thể giải thích được. Đó là nội dung cơ bản của cuốn tiểu thuyết. Gần 220 trang sách được dành cho việc giải thích rõ nguyên nhân thúc đẩy tác giả – kẻ giết người – gây tội lỗi. Tác giả đã giải thích rõ cái gì đã đẩy anh ta tới lòng thù hận như vậy. Nếu như một người đam mê đến mức mất cả lý trí và bản năng bảo tồn thì người đó có thể đi đến tội lỗi. Và tên giết người cũng xảy ra đúng như vậy. Hắn ta muốn đạt được vinh quang văn học, muốn cho tên mình xuất hiện trên tất cả các báo để tất cả phải ghen tỵ kêu lên khi gặp mình… Nhưng cho tới nay hắn ta hoàn toàn không gặp may. Cứ mỗi năm lại thêm một người đoạt giải còn hắn ta thì bị bỏ qua. Cuối cùng thì hắn ta phát điên lên và lập một kế hoạch thật kỹ lưỡng nhằm đoạt giải. Và kế hoạch đó suy tính một vụ giết người không tang chứng. Nguyên nhân thúc đẩy là giành cho được giải thưởng văn học Goncourt danh giá trong một hoàn cảnh thật không bình thường… trong sự huyên náo của báo chí… Ngoài ra còn là khát vọng không thể chối cãi được nhằm thách thức ban giám khảo và dư luận xã hội: Một khi các ngài không muốn trao vòng nguyệt quế mà tôi đã nhiều lần xứng đáng được hưởng, các ngài đã giành cho tôi cái vị trí xoàng xĩnh của một nhà văn không ai biết tới… Được rồi, tôi sẽ cho các ngài biết khả năng của tôi như thế nào, tôi sẽ chơi cho các ngài một vố đau… Tên giết người là một kẻ có đầu óc. Đầu tiên hắn ta phác thảo kế hoạch hành động chung: mô tả vụ giết người, trang điểm chuyện đó bằng những lý luận bên ngoài về văn chương, về tâm lý và phản triết học rồi sau đó thì thực hiện nó, thực hiện chính cái vụ giết người đã được vạch ra từ trước theo đúng nghĩa của từ đó. Một tội ác chỉ vì vinh quang văn học. Về bản chất, nó khá tiêu biểu cho thời đại của chúng ta… *** Pierre Gamarra (1919-2009Nhà giáo,nhà văn, nhà thơ kiêm phê bình văn học Pháp sinh tại Toulouse, gốc Basque. Ông từng làm chủ nhiệm tờ tạp chí Châu Âu ( Europe. Ông đặc biệt nổi tiếng với thơ và truyện viết cho trẻ em. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông có như: “Sát nhân” (L’assasin- 1963 đoạt giải Goncourt; “Những bí mật ở Toulouse” (Les mistères de Toulouse- 1967; “Hoa tử đinh hương ở Saint-Lazare” (Les lilas de Saint-Lazare- 1951 v.v…*** Và thấy trời hửng sáng, nàng Shêhêrêdađa ngừng câu chuyện của mình… Nghìn lẻ một đêm Mấy bức tường trong phòng làm việc khá chật hẹp của Simonie xếp dày sách. Giống như Montaigne, Gaston Simonie gọi phòng làm việc của mình là cửa hàng sách. Một sự bừa bãi kinh khủng trên các giá sách. Như chính ông chủ nói, chỉ mình ông ta mới có thể biết rõ chúng. Những cuốn sách cực kỳ sang trọng đặt xen lẫn với những cuốn sách nhỏ, những cuốn sách đóng bìa đắt tiền phô trương cạnh những cái gáy sờn rách mà các trang sách thì đã cuộn xoắn tít bẩn thỉu. Trên mặt lò sưởi cũng để mấy chồng sách. Bàn làm việc chất đầy tạp chí, hàng chồng giấy viết chi chít và hàng núi sách khác. Khắp nơi đầy những đồ vặt vãnh: mấy con thú bé xíu bằng thủy tinh, bằng sành sứ, bằng thiếc. Đó là một thú vui của Simonie. Mỗi tuần một lần, và đôi khi còn thường xuyên hơn, mà mọi người đều biết rõ chuyện ấy, ông ta sục sao khắp các cửa hiệu buôn đồ cổ để tìm những đồ mới lạ khác. Đó là những con khỉ hẳng ngà voi, mấy ông Phật mấy pho tượng người hút thuốc nhỏ xíu hay là lại một cục chặn giấy khác nữa. Vào tối hôm đó có rất nhiều khách có mặt ở phòng làm việc của Simonie. Đó là một hiện tượng cực kỳ đặc biệt. Thường thường Simonie không cho phép ai vào phòng làm việc của mình, thậm chí cả bà quét dọn nữa và không bao giờ ông ta tiếp ai ở đây cả. Hiện giờ trong phòng làm việc có mặt Joseph Robenne, dĩ nhiên cả Max Bary, Tổng biên tập “Paris-Nouvelles”, Rosie Sauvage, d’Arjean, Simonie, nhà văn Vollar, một chàng trai nhỏ con, đậm người với vẻ mặt chua chát và thêm hai viên thanh tra cảnh sát đã đến đây vì lý do đặc biệt. Joseph quay về phía Tên giết người. Hắn ta ngồi đó đầu gục xuống.