Lần đầu tiên, Nhà xuất bản Văn học tuyển chọn để xuất bản một lúc mười sáu cuốn tiểu thuyết và truyện về đề tài lịch sử của một tác giả. Đó là mười sáu tác phẩm của nhà văn Hoài Anh.
Hoài Anh là nhà văn đa tài, tự học mà có nguồn tri thức uyên thâm, cả đời lặng lẽ sống và viết. Ông viết nhiều thể loại: thơ, kịch, truyện ngắn, tiểu thuyết, khảo cứu, phê bình văn học… Ở thể loại nào ông cũng có những thành tựu. Tên khai sinh là Trần Trung Phương, ông sinh ngày 8-7-1938, tại Bình Lục, Hà Nam. Ông là con trai trưởng trong một gia đình có truyền thống hiếu học và yêu nước. Lên tám tuổi, cha mẹ xích mích, cha đi làm Việt Minh, dắt ông theo. Bởi thế ông giúp việc cho cách mạng từ khi còn nhỏ, có lẽ là sớm nhất trong các nhà văn là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam! Kháng chiến chống Pháp, ông làm việc tại Văn phòng huyện đội Bình Lục, rồi Ban Chính trị Tỉnh đội Hà Nam, Ban Địch vận trung đoàn 254 thuộc Bộ tư lệnh Liên khu 3. Hòa bình lập lại, ông về tiếp quản Hà Nội, mới mười sáu tuổi! Ông công tác tại Phòng Văn nghệ và Nhà sáng tác Sở Văn hóa Hà Nội, biên tập viên Hội Văn nghệ Hà Nội.
Hoài Anh được học chữ Hán và tiếng Pháp từ rất nhỏ. Tại Hà Nội, ông tiếp tục tự học để hoàn thiện Hán văn, nâng cao tiếng Pháp và tiếng Anh. Cũng trong thời gian này ông viết nhiều thơ, kịch, truyện. Ông có nhiều bài thơ hay được tuyển vào các tuyển tập. Ông viết nhiều vở kịch, nhưng phần lớn phải ký tên người khác mới được dựng (thời ấy mới có chuyện kỳ cục như thế!). Đất nước hòa bình thống nhất, ba mươi tám tuổi đời, ông bôn ba vào sống ở Sài Gòn với quyết tâm viết cho được những tiểu thuyết và truyện lịch sử về những danh nhân quê gốc Nam Bộ. Ông làm biên tập ở Xưởng phim Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, rồi Biên tập viên tuần báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1978, Hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Cả đời lao động sáng tạo nghệ thuật không mệt mỏi, ông chỉ đi bộ, và đặc biệt là ông chưa bao giờ được nhận một chức sắc nào trong guồng máy Nhà nước!
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com