Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nghề nuôi tôm ở nước ta từng bước có những chuyển hướng mạnh mẽ từ nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến sang hình thức nuôi bán thâm canh và thâm canh. Năng suất và sản lượng tôm nuôi đã góp phần đáng kể vào việc cung cấp nguyên liệu cho xuất khẩu. Năm 1997 sản lượng tôm xuất khẩu đạt 72.800 tấn, chiếm 39% tổng sản lượng thủy sản xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu đạt 431 triệu USD chiếm 55% tổng kim ngạch xuất khẩu. Theo chương trình xuất khẩu thủy sản đến năm 2000, tỷ lệ tôm nuôi trong sản lượng tôm xuất khẩu là 65% và năm 2005 là 80%. Trong nuôi tôm bán thâm canh và thâm canh, cùng với việc tăng mật độ tôm nuôi, lượng thức ăn sử dụng cũng tăng lên. Chất thải của tôm, thức ăn dư thừa và các yếu tố môi trường khác xảy ra trong ao nuôi là những nguyên nhân gây ảnh hưởng xấu đến khả năng sống, tăng trưởng… từ đó ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng và chất lượng tôm nuôi.
Hiểu biết những vấn đề liên quan đến môi trường, bệnh và từ đó chọn giải pháp phù hợp giúp cho việc nuôi tôm đạt hiệu quả, bảo vệ môi trường bền vững. Trên cơ sở tài liệu tham khảo của các nước có nghề nuôi tôm phát triển, từ kết quả nghiên cứu của mình, của các bạn đồng nghiệp và từ thực tiễn nghề nuôi tôm của Việt Nam, PTS Đỗ Thị Hòa cùng Trung tâm Khuyến ngư tỉnh Khánh Hòa đã tóm tắt những vấn đề nổi cộm cần quan tâm về môi trường và bệnh tôm trong ao nuôi dưới dạng các câu hỏi và trả lời. Khuyến ngư – Bộ Thủy sản xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc cuốn sách “Hỏi-đáp về môi trường và bệnh tôm nuôi”.
Với thực tiễn nghề nuôi tôm phong phú, nội dung của cuốn sách trên chắc chắn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục hoàn chỉnh và bổ sung, mong đông đảo bạn đọc góp ý để lần xuất bản sau cuốn sách đáp ứng đầy đủ hơn sự quan tâm của người nuôi tôm.