Hóa Kĩ thuật là một khoa học nghiên cứu các quá trình chế biến các vật liệu, mà trong đó diễn ra sự thay đổi sâu sắc thành phần hoá học của chúng. Hoá Kĩ thuật chia ra làm hai lĩnh vực chính: kĩ thuật sản xuất các hợp chất vô cơ và kĩ thuật sản xuất các hợp chất hữu cơ.
Hoá Kĩ thuật không chỉ nghiên cứu các quá trình tạo thành sản phẩm mà còn nghiên cứu cả vật liệu để chế tạo các máy móc thiết bị cần cho quá trình sản xuất.
Các ngành của công nghiệp hoá học có liên quan hữu cơ với nhau để tạo điều kiện cho nhau phát triển. Ví dụ để phát triển sản xuất thuỷ tinh, xà phòng, phân bón thì phải phát triển sản xuất các chất như xô đa, các axit vô cơ…
Hoá Kĩ thuật có nguồn gốc từ xa xưa và đã qua nhiều giai đoạn phát triển song song với sự phát triển của lịch sử loài người. Tốc độ phát triển mạnh mới chỉ bắt đầu từ thế kỉ XIX. Nửa đầu thế kỉ XX, Hoa Kĩ thuật chủ yếu nghiên cứu sản xuất và sử dụng các hợp chất vô cơ; nửa sau thế kỉ XX bắt đầu nghiên cứu và sản xuất các hợp chất hữu cơ. Học thuyết về cấu tạo các hợp chất hữu cơ đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển sản xuất các hợp chất hữu cơ.
Đầu thế kỉ XX, các ngành sản xuất thuốc nhuộm, thuốc chữa bệnh, thuốc nổ phát triển rất nhanh. Cũng trong thế kỉ này, công nghiệp sản xuất phân bón phát triển ở rất nhiều nước; người ta đi từ các nguồn nguyên liệu rẻ tiền như nước, không khí, than, khí tự nhiên, khí đồng hành của dầu mỏ để sản xuất phân đạm.
Một nét đáng chú ý trong thế kỉ XX là sự ra đời của các ngành sản xuất các hợp chất cao phân tử như tơ sợi tổng hợp và nhân tạo, chất dẻo, cao su tổng hợp. Người ta đã sản xuất được các vật liệu cao phân tử để thay thế kim loại.
Trong thế kỉ XIX, nếu sản xuất hoá học dựa chủ yếu vào nguồn nguyên liệu là than thì sang thế kỉ XX, nguồn nguyên liệu chủ yếu là dầu mỏ và khí thiên nhiên. Trong công nghệ chế biến dầu mỏ, người ta sử dụng các phương pháp mới hoàn thiện hơn như crackinh, xúc tác, rifominh, hiđrocrackinh,… để chế biến dầu mỏ đạt hiệu quả cao hơn.
Ngành công nghiệp hoá chất nước ta ra đời từ trước chiến tranh thế giới thứ hai với các nhà máy xà phòng, nhà máy diêm, nhà máy sơn, nhà máy xi măng, nhà máy rượu… của chủ Pháp hoặc các nhà tư sản dân tộc Việt Nam.
Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, do yêu cầu của quốc phòng, chúng ta xây dựng xưởng sản xuất axit sunfuric bằng phương pháp phòng chì, xưởng thuốc nổ nitroglixerin điều chế bằng axit nitric (từ phân dơi) và glixerin từ dầu thực vật.
Từ sau năm 1954 tới năm 1975, đất nước bị chia cắt thành hai miền. Mỗi miền xây dựng công nghiệp hoá chất với các mục tiêu phục vụ khác nhau. Công nghiệp hoá chất miền Bắc nhằm phục vụ nông nghiệp và sản xuất tư liệu sản xuất cho các ngành công nghiệp khác, trên cơ sở tận dụng các nguyên liệu trong nước. Công nghiệp hoá chất miền Nam thiên về sản xuất hàng tiêu dùng trên cơ sở nguyên liệu nhập ngoại. Vì vậy, tuy sản phẩm có cùng chủng loại nhưng khác nhau về số lượng và chất lượng. Sản phẩm của hai miền đều có xi măng, phân bón, thuốc trừ sâu, xút – clo, axit sunfuric, pin và acquy, xà phòng, sơn, que hàn điện, khí công nghiệp, cao su… Nói chung, cả hai nền công nghiệp hoá chất đều yếu kém và mất cân đối.
…
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com