Hóa học đại cương 3: thực hành trong phòng thí nghiệm

Hóa học đại cương 3: thực hành trong phòng thí nghiệm

Tác giả:
Thể Loại: Tài Liệu Học Tập
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com
PDFĐỌC ONLINE

Cho đến nay, Hoá học vẫn là một môn học thực nghiệm, mặc dù trong vài thập kỉ gần đây, hoá học lí thuyết đã có những bước tiến vượt bậc nhờ sự trợ giúp của tin học và máy tính điện tử. Thí nghiệm hoa học giúp sinh viên kiểm nghiệm những vấn đề đã được hình thành trong quá trình tiếp thu bài giảng trên lớp, do đó củng cố được kiến thức, khắc sâu nhiều khái niệm hoá học. Thí nghiệm hoá học còn giúp sinh viên rèn luyện óc quan sát, giải thích hiện tượng dựa vào kiến thức đã học. Bằng cách tiến hành thí nghiệm, sinh viên được rèn luyện và nâng cao kĩ năng thao tác thực nghiệm, biết cách xử lí kết quả đo đạc như tính toán, tính sai số, vẽ đồ thị…
Với thời lượng quy định là 2 đơn vị học trình tương đương với 60 tiết thực nghiệm chỉ có thể thiết kế được khoảng 15 bài thí nghiệm, bao gồm một số vấn đề cơ bản nhất của chương trình Hoá học đại cương. Song, do tình trạng thiết bị, cơ sở vật chất phòng thí nghiệm của các trường Cao đẳng Sư phạm không đồng đều nên để lựa chọn các bài thực hành phù hợp với thiết bị của trường sở tại, chúng tôi mở rộng số bài thực hành lên 24 bài với nội dung định tính, định lượng khác nhau. Những bài thực hành với mức độ dựa vào sự quan sát và giải thích hiện tượng là chủ yếu (đánh dấu *) thường dành cho các đối tượng sinh viên Cao đẳng sư phạm mà Hoá học là chuyên môn 2.
Phần lớn các bài thực hành được biên soạn với hai mức độ: định tinh (quan sát hiện tượng rồi giải thích) và định lượng (đo thực nghiệm, xử lí kết quả đo bằng phương pháp giải tích và đồ thị). Thời gian tiến hành thí nghiệm tối đa là 3 giờ/buổi. Có hai phương án tổ chức các buổi thực hành. Hoặc các nhóm 2 – 3 sinh viên đều làm cùng một bài thực hành và điều này đòi hỏi số lượng thiết bị dụng cụ phải phong phú; hoặc mỗi nhóm 2 – 3 sinh viên làm một bài khác nhau rồi quay vòng, cách này tiết kiệm được thiết bị, hoá chất và trợ lí phòng thí nghiệm cũng đỡ vất vả. Việc chọn phương án nào là tuỳ thuộc tình trạng và điều kiện trang thiết bị của từng trường. Dù tiến hành theo phương án nào thì sinh viên cũng phải chuẩn bị và đọc tài liệu trước khi đến phòng thí nghiệm, nhất là đối với các bài thực hành mang tính định lượng vì nếu không, kết quả đo có thể sai lệch và không đủ thời gian làm thí nghiệm.
Mỗi thí nghiệm được xây dựng với ba mục: Lí thuyết, Thực hành (dụng cụ hoá chất – cách tiến hành – xử lí kết quả) và Câu hỏi. Phần lí thuyết tóm tắt nội dung, công thức có liên quan đến bài thực hành. Phần thực hành chủ yếu hướng dẫn cách làm thí nghiệm, cách xử lí tính toán hoặc vẽ đồ thị. Phần câu hỏi và bài tập yêu cầu sinh viên phải trả lời khi làm tường trình thí nghiệm.
Tập “Hoá học Đại cương 3 – Thực hành trong phòng thí nghiệm” này là kết quả của sự chỉnh lí và bổ sung cho cuốn “Thực hành Hoá học đại cương” của tác giả Hà Thị Ngọc Loan in tại Nhà xuất bản Giáo dục năm 2002. Sự bổ sung và chỉnh lí này do Tiến sĩ Trần Hiệp Hải đảm nhiệm, là việc làm cần thiết do những yêu cầu mới về nội dung của chương trình và phương pháp thể hiện, do Dự án Đào tạo giáo viên THCS đặt ra.
Thí nghiệm hoá học là một khâu không thể thiếu trong quy trình đào tạo của bất kì một trường Đại học hay Cao đẳng nào; nó thể hiện một phần phương châm giáo dục là học gắn liền với hành, lí thuyết gắn với thực tiễn. Vấn đề này được thể hiện đến đâu là nhờ sự đóng góp những ý kiến phê bình có tính xây dựng của đông đảo các thày cô giáo, các bạn sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm. Các tác giả ghi nhận và chân thành cảm ơn mọi ý kiến đóng góp để cuốn sách được hoàn thiện và giúp ích nhiều hơn cho người học.