Trong thời đại thông tin bùng nổ hiện nay, có thể nói mọi kiến thức của nhân loại đều có ở trên mạng thông tin toàn cầu. Hàng ngày hàng giờ kho tàng kiến thức đó luôn luôn được bổ sung và cập nhật. Mọi người, nhất là lớp trẻ như sinh viên, đều có thể dễ dàng tiếp cận kho tàng kiến thức đó.
Vì thế, một cuốn sách giáo khoa hiện nay sẽ không giống như trước đây chỉ nhằm mục đích cung cấp kiến thức cho sinh viên, mà phải chắt lọc những kiến thức thật cốt lõi và cần thiết từ cái kho tri thức đồ sộ đó theo yêu cầu của môn học, làm nguyên liệu để rèn luyện cho sinh viên phương pháp tư duy và biết cách tự học. Theo chúng tôi, đó là tiêu chí của một cuốn sách giáo khoa ngày nay.
Cuốn “Hóa học Đại cương” này đã cố gắng tuân theo tiêu chí trên, đồng thời bám sát chương trình khung do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cho môn học “Hóa học đại cương” hay “Cơ sở lý thuyết hóa học” dành cho sinh viên các ngành kỹ thuật công nghệ thuộc các trường khối A, trong đó có Trường Đại học Bách khoa.
Để thực hiện điều đó, ngoài những nội dung truyền thống, cuốn sách này có những điểm mới so với các giáo trình trước đây như:
– Khi trình bày một vấn đề, chúng tôi cố gắng dẫn dắt sinh viên đi theo một tư duy logic, tránh áp đặt một cách thô thiển, mà logic chính xác, ngắn gọn, dễ hiểu nhất là logic dựa trên phương pháp toán học nếu có thể được. Tư duy logic đó là: đặt vấn đề, cách giải quyết vấn đề, kết quả và kết luận, áp dụng thực tiễn.
– Dùng nhiều hình vẽ và ảnh minh họa để cuốn sách thêm sinh động, giúp cho sinh viên hiểu một cách trực quan những khái niệm trừu tượng như orbital nguyên tử, orbital phân tử, spin. cấu trúc tinh thể, hình ảnh vi mô của dung dịch… Đặc biệt, đã đưa vào hình ảnh một số nhà bác học lớn liên quan đến những phát minh đang học để tăng thêm tính nhân văn của cuốn sách.
– Trong phần liên kết hóa học (Chương 3), so với các giáo trình trước đã trình bày thêm: thuyết cộng hưởng, diện tích hình thức, thuyết VSEPR của Gillespie, thuyết Hückel cho liên kết 7 không định xứ, là những vấn đề luôn được chú trọng trong các giáo trình hóa đại cương hiện đại ở các nước Âu Mỹ. Tuy vậy, nhờ cách trình bày ngắn gọn nên không làm tăng kích thước của cuốn sách.
– Các vấn đề như thuyết vùng năng lượng, liên kết hydro, liên kết Van der Waals không để trong Chương 3 (Liên kết hóa học) như các sách trước đây mà ở Chương 4 (Các trạng thái tập hợp của vật chất), bởi các hiện tượng này chỉ xuất hiện trong các trạng thái tập hợp lớn của các nguyên tử, phân tử hoặc ion. Ở đây có trình bày cách tính hằng số Madelung và ý nghĩa của nó, mà các giáo trình trước không trình bày, giúp cho sinh viên hiểu rõ hơn về cấu trúc tinh thể ion.
– Trong phần nhiệt động học đã đưa thêm một số khái niệm mới như entropi nội sinh, entropi trao đổi để trình bày nguyên lý hai một cách tổng quát và logic hơn. Trong phần cân bằng hóa học đã đưa thêm khái niệm ái lực hóa học để thuận tiện hơn khi xét tiêu chuẩn tự diễn biến, cân bằng và chuyển dịch cân bằng của một phản ứng hóa học.