Ngay từ cái tên gọi Hộ sinh đàn nghe đã lạ tai, vì lịch sử nền kịch hát nước ta trước và sau Đào Tấn chưa có ai “bạo phổi” đến thế. Hộ sinh đàn có nghĩa là ca đỡ đẻ có thần linh phù hộ, tác giả phơi bày trực tiếp chuyện chửa đẻ trên sân khấu mà vẫn đẹp như mơ.
Đến kết thúc kịch bằng bài hát vĩ thanh nghe càng lạ giọng:
“Thế cuộc nan bình duy hữu hận
Tha hương tương khế khởi vô tình
Thiên sơn hảo tác tam hùng hội
Hải vũ tùng kim bát biểu thanh”
Tạm dịch:
Cuộc thế khó san bằng nỗi hận
Những người khác xứ kết tình thân
Non cao ba khách anh hùng hội
Biển thẳm hẹn ngày sóng gió yên
Cái giọng lạ ở chỗ: dưới thời Đào Tấn mà kết thúc kịch như vậy rất dễ bị dị ứng chính trị, ấy vậy mà vẫn “xuôi chèo mát mái” kể cũng may cho Đào công.
Theo như niên biểu Đào Tấn thì vở tuồng Hộ sinh đàn ông viết vào những năm 1898-1902 (Thành Thái thứ 10-14) tức là lúc ông được phong tặng Hiệp tá đại học sĩ, đang làm Tổng đốc Nam-Ngãi rồi cải lãnh Tổng đốc An-Tĩnh lần thứ hai. Ông vay mượn cốt chuyện trong tiểu thuyết Trung Quốc thời tàn Đường mà viết. Cũng tức cái thời cơ đồ nhà Đường sụp đổ đến tan tành. Vốn là hoàng hậu của nhà Đường, Võ Tắc Thiên (Võ Hậu) thừa cơ chiếm lấy đế vị lập nên nhà Châu, ra sức sát hại các công thần nhà Đường, tiêu biểu là dòng họ Tiết Nhơn Quý. Nói cách khác, đây là bối cảnh bọn gian nịnh đang thắng thế; kẻ trung lương đang lâm nạn.
Nhìn sang chuyện kịch, chúng ta thấy tác giả tập trung ngòi bút miêu tả số phận nhân vật trung tâm là Tiết Cương, cháu hai đời của Tiết Nhơn Quý đang bị binh triều do tướng Võ Tam Tư (cháu gọi Võ Tắc Thiên bằng cô ruột) chỉ huy, truy lùng ráo riết.
Trong tình thế ấy, lúc chạy lánh nạn Tiết Cương còn phải mang theo đứa cháu gọi bằng chú ruột là Tiết Giao, vừa mới sinh đã mất cha, mất mẹ. Tiết Cương lưu lạc đến ẩn lánh tại một vùng núi cao xa xăm gọi là Long sơn, rồi kết duyên với cô gái có tên là Trần Thị Lan Anh, nữ chúa của vùng này. Vợ chồng gây dựng được một căn cứ địa Long sơn trại. Họ chung sống một cuộc đời tự do, cuộc đời theo như lời Trần Thị Lan Anh tự hào rằng: “Không biết người ta phải tu đến mấy kiếp mới có được”: “Một động hoa đào, một cõi riêng”. Và Trần Thị Lan Anh đã mang thai…
Thế nhưng, yên vui làm sao được, ngày tảo mộ cho tổ tiên đã đến, mồ mả song thân lại nằm ở đất Kinh kỳ. Tiết Cương phải từ giã gia đình mang theo một vài bộ hạ lén về Kinh lo việc tảo mộ thì bọn binh triều đánh hơi phát hiện, chúng truy đuổi. Kịch bắt đầu.
(dịch):
“Kinh địa từ viếng mộ song thân
Triều binh phút bủa vây vạn đội.
Nhưng cũng may là…
Ơn Tần thị vợ chồng cứu giải
Khiến Tiết gia tánh mạng bảo toàn”.
Đó là lời độc bạch của Tiết Cương trên đường chạy giặc với tâm trạng:
“Hai vai thắt chặt tang hồ
Bớ Võ Hậu này! Tao nói thiệt…
Biển oan chưa lấp, mật thù càng ngon
Tiếng quân reo như gió gào núi sập
Giục vó lừa, chỉ dặm Long sơn”
Vài bộ hạ của Tiết Cương thoát được vòng vây trở về sơn trại, Trần Thị Lan Anh biết tin chồng lâm nạn, nàng cấp tốc kéo một bộ phận lâu la của Sơn trại đi tìm chồng:
“Bước anh hùng đã lỡ
Gan nhi nữ càng dày
Nếu chẳng liều sinh tử giữa chông gai
Thì… Ai còn kể ân tình trong nước lửa!”
Nhưng giữa núi rừng bao la biết đâu mà tìm. Lan Anh khóc:
(dịch)
“Cảnh ấy, tình này lòng quặn thắt
phu quân ôi!
Vào Nam, ra Bắc biết tìm đâu”
á thương hại…
Biển thẳm, núi sâu,
phu quân tôi…
Thân phận lạc loài ai đoái tưởng!
Trời cao, đất rộng,
Trăm lạy thiên địa quỷ thần! Ngàn lạy thiên địa quỷ thần cho tôi gặp được phu quân tôi kẻo mà tội lắm ma…
Hận sầu dằng dặc quá thương đau”.
Tuy gian lao đến vậy, cuối cùng Lan Anh cũng tìm cứu được chồng mình, đương nhiên là “sum vầy còn giữa buổi can qua”.
Ở Hộ sinh đàn lực lượng phản kháng triều đình không phải chỉ có căn cứ địa Long sơn do vợ chồng Tiết Cương là trại chủ mà còn một lực lượng nữa ở căn cứ địa Hùng sơn do Ngũ Hùng, Tần Hán làm trại chủ. Lực lượng căn cứ Long sơn đang là đối tượng chính của binh triều ra sức truy quét cho nên trong bài hát vĩ thanh có câu “non cao ba khách anh hùng hội”, ba vị khách anh hùng ấy là Tiết Cương, Ngũ Hùng và Tần Hán. Nếu không có lực lượng phản kháng ở căn cứ Hùng sơn cứu giúp thì lúc bị Tiết Nghĩa phản bội cuộc đời Tiết Cương đã kết thúc rồi.
Số là vừa cứu được chồng thoát nạn đưa về Sơn trại chưa cạn chén tẩy trần thì binh triều lại ập đến. Vợ chồng Tiết Cương lại bị thất lạc mỗi người một nẻo. Trên đường lánh giặc ngang qua đất Đăng Châu, Tiết Cương chợt nhớ có ông bạn là Tiết Nghĩa đang làm chức Tổng quản xứ này, bèn nảy ý ghé thăm:
“Trước thăm người tỏ nỗi tân thoan (chua cay)
Sau gửi dấu đặng lánh vòng hoạn nạn”
Bởi vì thuở trước vợ chồng Tiết Nghĩa “uổng thọ trọng hình” nhờ có Tiết Cương “lao mình cứu giải”.
“Giữa lộ đồ đà kết nghĩa kim lan”.
Tiết Nghĩa thoát chết ngày ấy mới có cuộc sống ngày này, tưởng là bạn vàng hóa ra là bạn bạc. Được tin Tiết Cương đến dinh Tổng quản hắn mừng như vớ được “miếng thịt chín”. Hắn lập kế phục rượu cho Tiết Cương say rồi bắt trói đem nạp cho binh triều hòng lãnh thưởng. Vợ hắn là Tú Hà hết lời can ngăn hắn vẫn không nghe:
“Chao ôi!
Vô cùng áo não!
sao mà phu quân tôi…
Dường ấy dối gian
Ơn dưới dao mà quyết đã phũ phàng
hèn chi… Lời bên gối không hề tin tưởng
ân nhân ôi!
Toan thoát nạn ai ngờ ngộ nạn
chừ tôi biết tính sao đây?…
Đã lâm quyền ta phải dụng quyền”
Và biện pháp “dụng quyền” ở đây là nàng quyết định viết thư báo tin cho hai tráng sĩ: Ngũ Hùng, Tần Hán ở căn cứ Hùng sơn đón đường Tiết Nghĩa giải tù về kinh mà đánh cứu Tiết Cương:
“Lòng bối rối, lòng bối rối!
Kế đã cùng, kế đã cùng!
Trả ơn xưa mà đến nỗi lụy chồng
Mích đạo cả sao rằng tiết gái”
Chúng ta hãy nghe lời Tú Hà, một người đàn bà trung hậu dường ấy mà đành phải vĩnh biệt cõi đời:
(dịch):
“Ngày trắng tàn lây lất
Gió buồn thổi hắt hiu
Chồng là tên bạc ác, ở đời làm sao được
Núi sông lay rụng hết, thà chết chịu lặng thinh
Nam: Mảnh gương phút đã tan tành
Màn xuân gió lạnh, thu đình trăng trong
Bước non sông, ngại ngùng chi xiết
Nợ phong trần trả hết từ đây!”
Vậy là Tú Hà, con người hiền thục không còn nữa! Chính Tiết Nghĩa một thằng chồng bạc ác đã gây nên cái chết của Tú Hà, vậy mà lúc hắn đến tận nơi nhìn cái chết của vợ chẳng những không chút động lòng mà còn bộc lộ tâm địa xấu xa: “Tùy nhi đâu! Bay coi có thằng nào cùng đi thắt cổ với nó không mà hình như có cái bóng đứng le lưỡi bên cạnh nó đấy”. Rồi hắn buông một câu vô trách nhiệm:
“Thi hài nọ sơn trung mai táng đi cho rảnh”
Tóm lại, nếu như cuộc chiến đấu hết cỡ gian truân của ba khách anh hùng ở hai căn cứ Long sơn và Hùng sơn, tiêu biểu là vợ chồng Tiết Cương là một bài ca phản kháng cực kỳ quyết liệt thì cái chết của Tú Hà là một bản án phản bội song hành với bài ca phản kháng ấy. Đó là cái lõi của hiệu quả nghệ thuật mà tác giả vở tuồng Hộ sinh đàn chỉ biết trông cậy vào các thế hệ mai sau lo liệu:
“Tiết giao! Con gắng lấy nghe!
Ngóng phương trời, gửi gánh non sông!”.
Vũ Ngọc Liễn