Ngày nay, tại mỗi quốc gia, nhất là các quốc gia chậm tiến, giới lãnh đạo đều cố gắng tìm mọi phương cách để phát triển kỹ-nghệ. Đối với quần chúng, chương trình kỹ-nghệ hóa là tượng trưng cho uy tín của giới lãnh đạo, là niềm hãnh diện của quần chúng về nền độc lập, là phương thức hữu hiệu nhất để nâng cao mức sống nhân dân và tránh lệ thuộc ngoại bang. Cho nên, từ sau Thế Chiến II, ý chí kỹ-nghệ hóa đã trở thành vấn đề chính trong khuôn khổ phát triển kinh tế toàn diện. Kỹ nghệ hóa trở thành thước đo giá trị tiến bộ kinh tế xã hội, nền độc lập chính trị kinh tế của mỗi quốc gia. Từ ý chí tạo lập và phát triển một nền kỹ nghệ quốc gia đó mà các giới lãnh đạo quốc gia, nếu muốn có uy tín với quốc dân đều phải cố gắng thúc đẩy công cuộc kỹ nghệ hóa.
Với nhận định trên, từ ngày chính thức dành lại được độc lập đến nay, Chính Phủ Việt-Nam đều chú trọng đến việc xây dựng kỹ nghệ nhằm :
– Hỗ trợ nông nghiệp như sản xuất phân bón, biến chế nông phẩm…
– Sản xuất nhu yếu phẩm để tránh lệ thuộc ngoại bang về kinh tế, sau đó là chính trị.
– Khai thác những tài nguyên sẵn có như cát trắng Ba-Ngòi, than Nông-Sơn, thủy điện…
– Giải quyết vấn đề áp lực nhân khẩu, nhất là ở nông thôn do dân số gia tăng và nâng cao mức sống của dân chúng.
Nền kỹ nghệ Việt-Nam đã trải qua hai thời kỳ rõ rệt :
– Thời kỳ kinh tế được hoạch định : 1954-1963.
– Thời kỳ tự do kinh doanh : từ 1963 đến nay.
Trong giai đoạn đầu, Chính Phủ đã hoạch định hai kế hoạch ngũ niên để hướng dẫn công cuộc kỹ nghệ hóa. Vì giới tư nhân không đủ khả năng về cả hai phương diện tài chánh và kỹ-nghệ nên Chính Phủ đã xuất ra một ngân khoản lớn thành lập một số xí nghiệp quốc doanh và hợp doanh để đầu tư vào các ngành kỹ nghệ quan trọng như : Công Ty Đường Việt-Nam, Công Ty Thủy-Tinh Việt-Nam, Cogido, nhà máy xi-măng Hà-Tiên… Trước thành quả tốt đẹp của các công ty quốc doanh và được Chính Phủ tích cực giúp đỡ, giới tư nhân đã hăng hái xuất vốn đầu tư vào nhiều ngành kỹ nghệ như : chế tạo dược phẩm (Tenamyd, Roussel…), hóa chất căn bản (Vicaco, Namyco…), nhựa dẻo (Ufiplastic), fibro xi-măng (Eternit)…
Trái lại, trong thời kỳ tự do kinh doanh từ sau năm 1963, giới tư nhân chỉ đầu tư vào các ngành có lời mau và dễ thực hiện. Sau 1963, chiến tranh bùng nổ khốc liệt làm đình trệ công cuộc phát triển kỹ nghệ vì mọi năng lực của quốc gia đều phải dành ưu tiên cho cuộc chiến và giữ vững mức sinh hoạt của dân chúng. Vì vậy nền kỹ nghệ đã phát triển lúc thăng lúc trầm tùy theo tình hình chính trị, tài chánh và quân sự, theo chính sách nhập cảng vá víu của Bộ Kinh Tế. Cũng vì tình hình bất ổn mà nhiều khu kỹ nghệ qui mô như khu An-Hòa làm phân bón hóa học, nhà máy lọc dầu Cam-Ranh, nhà máy chế tạo tơ bóng và làm acide sulfurique Biên-Hòa, v.v… dù đã sẵn dự án và tiền vốn và riêng nhà máy làm phân bón An Hòa thì máy móc về tới Sàigòn rồi mà cũng chưa thực hiện được. Trái lại, tình trạng bất an làm phát triển mạnh những kỹ nghệ biến chế ít vốn lời nhiều, cơ sở nhỏ, kỹ thuật đã phổ thông, thiết lập được ở ngoại ô các châu thành có an ninh… thí dụ như ngành chế tạo dược phẩm, thực phẩm, điện khí, ngành dệt… và các loại kỹ nghệ này đều lệ thuộc vào nguyên liệu bán tiền chế nhập cảng : dược liệu, hóa phẩm, đường mía, sợi bông… Những xí nghiệp này thuộc loại biến chế không có giá trị kinh tế lớn lại lệ thuộc hoàn toàn vào sự cung cấp nguyên liệu ngoại quốc làm hao hụt ngoại tệ sở hữu. Thực sự, đường lối tự do kinh doanh đã thất bại nặng nề vì thiếu một chương trình xây dựng thực tế, không tận dụng tài nguyên quốc nội và không đầu tư vào các ngành kỹ nghệ căn bản nhằm bổ sung cho nông nghiệp và ngư nghiệp là hai ngành cần phát triển song song với kỹ nghệ. Trong thời kỳ này, vì thiếu một kế hoạch xây dựng một cơ cấu kinh tế thiết thực nên tư nhân hoạt động thiên về thương mại hơn là kỹ nghệ, theo thị hiếu và tư lợi cá nhân để rồi sau cùng không còn nhận thức được nhiệm vụ quan trọng của họ trong cuộc xây dựng một nền kinh tế vững bền cho đất nước.
Tóm lại, trong giai đoạn đầu của nền kỹ nghệ, vì tình trạng chiến tranh và lệ thuộc ngoại viện nên những cơ sở kỹ nghệ căn bản như lọc dầu, đúc thép, nấu gang hoặc kỹ nghệ hỗ trợ cho nông nghiệp (chế tạo phân bón, nông cơ…) vẫn chưa có và chỉ có nền kỹ nghệ biến chế ít vốn nhiều lời là phát triển được.
Để có một nhận định rõ rệt về nền kỹ nghệ Việt Nam, chúng ta hãy phân tích diễn biến của nền kỹ nghệ và cơ cấu kỹ nghệ hiện tại.