Nhằm giúp các bậc cha mẹ hiểu và giúp con cái phát triển tốt hơn, những người làm giáo dục có thể nâng cao khả năng nắm bắt tâm lý và truyền đạt kiến thức tới học trò một cách hiệu quả hơn, bộ sách Sống có giá trị sẽ cung cấp cung cấp cho bạn đọc những kiến thức độc đáo và hữu dụng nhất qua 14 bài học được thực hiện trong 28 ngày. Đó là các bài học về ý chí, kỹ năng được phân tích theo góc nhìn khoa học, đó là những phút lắng lòng để hiểu hơn giá trị thiêng liêng của gia đình, hay đơn giản là những dòng hồi ký của một người từng trải qua lá thư viết vội… Với kinh nghiệm của một đơn vị đi đầu trong lĩnh vực huấn luyện kỹ năng thực hàng xã hội Trung tâm đào tạo ATY đã đưa vào bộ sách những thủ pháp và cách thức trình bày khác nhau để mỗi người đọc đều có thể cảm nhận được giá trị nhân văn trong từng nội dung bài học.
SỐNG CÓ GIÁ TRỊ
Tập 1 – HÃY SỐNG MẠNH MẼ
(Tái bản lần thứ hai)
Nguyễn Thành Nhân – Nguyễn Hoàng Sơn
Lương Dũng Nhân – Nguyễn Hoàng Minh Tân
Nguyễn Thị Diệu Hạnh – Nguyễn Vũ Nguyên
LỜI MỞ ĐẦU
Quý vị độc giả thân mến,
Cầm trên tay bộ sách này chắc hẳn mỗi người đang tìm kiếm một điều khác nhau: các bậc làm cha làm mẹ tìm kiếm những phương pháp để hiểu con mình hơn và giúp con phát triển tốt hơn, những người làm giáo dục tìm những điều có thể giúp mình nâng cao khả năng nắm bắt tâm lý và truyền đạt cho học trò, và các bạn thanh thiếu niên cũng mong muốn tìm một điều gì đó giúp mình trưởng thành và thành công hơn trong cuộc sống.
Một bộ sách nhỏ chắc chắn không thể nào đáp ứng hết tất cả những nhu cầu phong phú như vậy. Tuy nhiên, qua tiếp xúc, huấn luyện hàng trăm ngàn thanh thiếu niên trong thời gian 3 năm qua, chúng tôi có thể nhận biết và tìm ra những giải pháp điển hình cho các vấn đề của các bạn trẻ. Những giải pháp mà chúng tôi trình bày được lấy chất liệu ngay từ cuộc sống.
Với mong muốn cung cấp cho bạn đọc những kiến thức độc đáo và hữu dụng nhất, chúng tôi thấy rằng trong công tác giáo dục, việc chỉ tác động vào một đối tượng (cha mẹ hoặc con cái) là chưa đủ. Do đó, bộ sách này được xây dựng để cả gia đình có thể cùng nhau đọc, cùng thực hiện và cùng trải nghiệm những điều thật thú vị.
Với kinh nghiệm của một đơn vị đi đầu trong lĩnh vực huấn luyện kỹ năng thực hành xã hội, chúng tôi đã đưa vào bộ sách những thủ pháp và cách thức trình bày khác nhau để mỗi người khi đọc đều có thể cảm nhận được giá trị nhân văn trong từng nội dung. 28 ngày với 14 bài học, đôi khi đó là những bài học về ý chí, kỹ năng được phân tích theo góc nhìn khoa học, đôi khi đó là những phút lắng lòng để hiểu hơn giá trị thiêng liêng của gia đình, hay đơn giản là những dòng hồi kí của một người từng trải qua lá thư viết vội… Chúng tôi tin rằng, khi đọc bộ sách, quý vị độc giả sẽ bắt gặp một ai đó vừa lạ lẫm vừa thân thương, hình như vô tình ta thấy họ lướt qua trong cuộc sống đầy sắc màu này. Đâu đó có thể là chính chúng ta…
Hãy đọc sách giống như một du khách đang khám phá một chuyến đi thú vị, đầy màu sắc – sống với nó, trải nghiệm nó, tận hưởng nó, tin tưởng nó – chúng tôi tin sẽ có rất nhiều thay đổi trong bạn, và mỗi người trong chúng ta sẽ biết cách tạo ra những giá trị tuyệt vời nhất trong cuộc sống của mình.
NGUYỄN THÀNH NHÂN
(Ủy viên Đoàn chủ tịch Hội Đồng Đội Trung Ương – Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam – Phó Chủ tịch Hội đồng Huấn luyện Quốc gia – Tác giả các chương trình: Học Kì Quân Đội, Cai nghiện Game Online, Teen Leader, Học Làm Người Có ích, Sống Mạnh Mẽ…)
Cách đọc bộ sách Sống có giá trị
Trước khi bắt đầu, bạn hãy chú ý nhé, cuốn sách này có tác dụng rất tốt khi bạn đọc kỹ và thấu hiểu nó, nhưng sẽ còn hiệu quả hơn nữa nếu bạn đọc nó đúng cách (vì nó sẽ không giống những cuốn sách khác bạn từng đọc).
Đây là một cuốn sách thực hành, nên yêu cầu quan trọng đầu tiên: khi đọc, bạn cần thực hành ngay những điều bạn ghi nhận được, và quá trình đó được lặp đi lặp lại nhiều lần, theo một lịch trình lâu dài để tạo thành thói quen có ích.
Đây cũng là một cuốn sách tương tác: nếu để ý, bạn sẽ thấy cuốn sách có rất nhiều chỗ được để trống, nhóm tác giả chúng tôi chỉ đóng góp 50% vào quyển sách của bạn, 50% còn lại do tự bạn viết nên. Hãy viết chúng bằng chính cuộc sống của mình; khi bạn thực hành và trải nghiệm những bài học trong sách theo từng ngày, hoặc khi bạn quan sát thấy những điều tương ứng với những nhận thức bạn ngộ ra được, và bạn sẽ thấy cuộc đời mình là “quyển sách” hay nhất trên đời.
Cuốn sách được trình bày qua 14 nội dung, mỗi nội dung nằm trong hai ngày: ngày thứ nhất để bạn đọc thật kỹ và lên kế hoạch cho việc tự thực hành; ngày thứ hai; hãy cố gắng hết sức mình để trải nghiệm những gì mình đã đọc, ghi chép nó lại bằng bất cứ hình thức nào bạn thích (nhật ký, sơ đồ tư duy, lời nhận xét bạn nhận được, hình ảnh,…) vào trang trắng mà chúng tôi để sẵn. Sau hai ngày, bạn có thể tự tổng kết những thuận lợi, trở ngại lớn nhất khi cố gắng hoàn thiện mình, từ đó; bạn sẽ có những điều chỉnh cần thiết để tạo nên những thành công lớn sau này.
Và để khởi đầu, hãy lật sang trang sau để xác định thật rõ mục tiêu của bạn khi tìm đến bộ sách Sống có giá trị.
Mục tiêu
Mục tiêu của bạn khi đọc cuốn sách này là:
Tôi mong muốn sẽ trở thành một người: ………………
Đối với tôi, điều quan trọng nhất là:………………
Tôi cần hoàn thiện bản thân mình nhất ở khía cạnh: ………………
Tôi đọc cuốn sách này để: ………………
Hãy “ngắm” thật rõ và chính xác mục tiêu của bạn
(một nữ “chiến sĩ nhí” tham gia Học Kì Quân Đội 2010)
Bạn thân mến,
Sống trên đời, ai cũng mong muốn mình có tài năng; có những phẩm chất tuyệt vời, có thật nhiều kiến thức, để rồi mình sẽ thành công, sẽ hạnh phúc, sống thịnh vượng; rồi có những đứa con thật ngoan, thật giỏi, để làm rạng danh gia đình, dòng họ mình…
Mọi người thường nghĩ phải là một thiên tài mới có thể trở thành một “ngôi sao” như vậy. Nhưng khoa học đã chứng minh, giữa những thiên tài và người bình thường, xét về não bộ hầu như không hơn kém nhau bao nhiêu. Vậy để đạt được những thành quả trong cuộc sống, bạn cần có những yếu tố gì, về phía bạn, xung quanh bạn; hãy thử viết xuống một vài điều bạn nghĩ ra:
Bản thân phải có………………
Yếu tố bên ngoài………………
Có lẽ những từ thường xuất hiện nhất trong bảng này sẽ là: thông minh, may mắn, điều kiện gia đình, năng khiếu, có người nâng đỡ, tài sản thừa hưởng…
Chắc sẽ rất hiếm người ghi vào đó những điều như: khó khăn, thử thách, khắc nghiệt, đau đớn…
Bạn hãy suy ngẫm câu chuyện đầu tiên này nhé:
Cô bé chạy lại ôm chầm lấy bố, dù người bố đẫm mồ hôi và bụi bặm, cả hai cha con cùng mỉm cười thật ấm áp trong ánh chiều tà.
Nhà cô bé nghèo lắm, mẹ mất sớm, cả hai bố con đùm bọc nhau trong căn nhà thuê nhỏ xíu ở giữa một thành phố rộng lớn, rực rỡ. Người bố không được đi học, nên quanh đi quẩn lại cũng chỉ làm được những công việc lao động phổ thông, nhưng quyết tâm phải lo cho con gái ăn học, ít nhất cũng có một cái nghề khá hơn mình. Bố chọn một công việc nặng nhọc để không bao giờ thiếu việc, và có thể làm thêm ca, thêm giờ để tăng thu nhập: bốc vác tại cảng.
Năm tháng qua đi, cô bé học đến lớp 9 thì quyết định đi học nghề may. Học thành tài, cô quyết định dùng tiền để dành của mình mua vải và may cho bố một bộ Âu phục thật đàng hoàng, để mỗi dịp lễ, tết bố có đi đâu cũng có quần áo trang trọng để mặc, thay cho những bộ đồ cũ, bạc màu và sờn rách trong tủ.
Mất ba ngày thì may xong, nhưng có một điều rất lạ mà cô sẽ không bao giờ quên.
Tối hôm đó có lẽ là tối vui nhất của gia đình, khi ông bố mặc thử bộ đồ đầu tay đầy tình cảm của cô con gái. Hai bố con ôm nhau thật chặt, và cô gái thỏ thẻ nói:
– Bố ơi, may chiếc áo này cho bố là chiếc áo khó nhất từ khi con học đến giờ…
Ông bố nhẹ nhàng hỏi:
– Vì sao vậy, con gái yêu của bố?
Chợt cô gái bật khóc:
– Bố ơi, con thương bố quá, bố biết không, áo sơ mi của người ta, bao giờ hai vai cũng đều nhau, nhưng áo của bố… áo của bố, con phải may vai trái thấp, vai phải cao, lệch nhau như vậy, bố mặc mới vừa… Từ khi con sinh ra, bố đã làm bốc vác rồi, bao nhiêu năm cuộc đời con, là bấy nhiêu năm vai bố bị đè nặng… con chưa làm được gì cho bố cả…
– Con yêu, con chính là món quà quý nhất mà cuộc đời này dành tặng cho bố rồi. Ngày hôm nay, con đã trưởng thành, đã có một cái nghề, như vậy sau này, cuộc đời con sẽ không còn bị đè nặng như cuộc đời bố nữa. Chỉ cần như thế, dù có phải gánh nặng hơn bao nhiêu nữa, bao lâu nữa, bố cũng chịu được mà con…
(Sưu tầm)
Bạn có thể đoán ra vai bên nào của người bố là vai dùng để bốc hàng không???
Trong số đo của cô gái, vai bên trái của bố thấp hơn hẳn vai phải, có lẽ do nó bị đè nặng ư?
Hoàn toàn không phải bạn ạ! Thực tế, chính vai bên phải mới là bờ vai mà bao nhiêu năm qua người bố dùng để bốc vác, để nâng cả cuộc đời con gái mình lên. Bờ vai bị đè nặng, mới là bờ vai cao lên…
Con người cũng vậy, người xưa thường nói “thời thế tạo anh hùng”, nhưng thời thế nào mới tạo anh hùng, liệu đó có phải là thời của no đủ, xa hoa…, hay chỉ khi cuộc sống bình yên bị đe dọa, những anh hùng thực thụ mới xuất hiện?
Môi trường duy nhất mà một con người có thể phát triển, tạo dựng những phẩm chất cần thiết cho mình, tạo dựng cả tài năng và cơ hội cho chính mình, là một môi trường có khó khăn, thử thách, và có cả nỗi đau cho những người trải qua nó. Đó là một thực tế tất nhiên. Vì vậy, đọc cuốn sách này và làm theo nó, bạn đã chấp nhận thử thách cho chính mình, đưa mình đến những giới hạn của bản thân và vượt qua nó, để mình ngày hôm nay tốt hơn mình ngày hôm qua, và mình ngày mai sẽ tuyệt vời hơn hôm nay. Chúng tôi sẽ đưa những thay đổi, khó khăn, gian nan vào cuộc sống êm ả của bạn, để làm thành những cái “bơm cao áp” giúp bạn vọt lên cao, giúp bạn sống mạnh mẽ hơn như tựa đề tập 1 này. Bạn đã sẵn sàng cho điều đó chưa?
Nếu đã sẵn sàng, hãy bắt đầu bằng một tờ giấy A4 với sáu chữ “Quyết tâm Thay đổi thói quen” dán tại nơi bạn hay nhìn thấy nhất nhé.
Mục đích tối cao của bộ sách này là giúp bạn thay đổi một số thói quen để làm cho cuộc sống của bạn trở nên tốt hơn, giải quyết được các vấn đề mình đang gặp phải với gia đình, công việc, học tập…, dù bạn là phụ huynh, học sinh hay bất kỳ ai khác.
Tại sao phải thay đổi thói quen? Vì có một số thói quen tạo nên cuộc sống của bạn. Những thói quen của bố mẹ định hình tính cách và cách ứng xử của con cái. Những thói quen của học sinh quyết định cách bố mẹ đối xử với mình, quyết định kết quả học tập của mình… Đôi khi, chúng ta cứ mãi đi tìm nguyên nhân cho các vấn đề của mình ở bên ngoài, mà quên mất nguyên nhân cốt lõi nằm bên trong chúng ta: những thói quen tạo nên số phận.
Vậy hiện nay, người lớn đang dạy tuổi thiếu niên những gì? Có phải là “làm giàu” hay “lãnh đạo” thậm chí ngay cả việc học năng khiếu như âm nhạc, mỹ thuật, kịch nghệ…, tất cả những điều mà các bậc phụ huynh mong chờ sẽ làm cho con mình trở thành một tài năng, một người xuất chúng, tài giỏi? Liệu có ai đảm bảo những “thần đồng” những “ngôi sao” của chúng ta biết cách làm người đúng nghĩa?
Rất nhiều nơi đang dạy cho các bạn teen những kỹ năng cũng rất có ích như: kỹ năng lều trại, truyền tin mật mã, sinh tồn trong tự nhiên…; tuy nhiên, cơ hội để các bạn ứng dụng những kỹ năng này trong cuộc sống bình thường là rất ít.
Thực sự những gì các bạn được học là rất hữu ích và cần thiết; nhưng đó là “điều kiện đủ”, các bạn vẫn còn thiếu một “điều kiện cần”: thứ có thể giúp các bạn sống hàng ngày, “sinh tồn” hàng ngày trong chính xã hội hiện đại. Xã hội mà các bạn phải tiếp xúc với các công nghệ; kỹ thuật, tiếp xúc với những cộng đồng, xử lý các mối quan hệ, và xử lý một khối lượng lớn thông tin, cảm xúc, sự lựa chọn… mà những thế hệ trước chưa từng phải đối mặt. Những thói quen tạo nên số phận trong thời hiện đại phải rất thực tế và có tác dụng ngay trong cuộc sống thời @.
Chúng tôi – những người đang theo đuổi hành trình chinh phục tuổi teen Việt Nam – đã nhận ra và gọi chung những thói quen đó là kỹ năng thực hành xã hội, nó rất khác những kỹ năng sống tương đối rộng mà chúng ta thường nhắc đến.
Về định nghĩa, Kỹ năng thực hành xã hội là một phần của kỹ năng sống, kỹ năng mềm, nhưng chuyên biệt hơn. Nó không phải là dạng những kỹ năng chỉ nghe qua là hiểu và làm được. Nhóm Kỹ năng thực hành xã hội này luôn yêu cầu người học tự thực hành, rèn luyện rất nhiều, để chuyển nó thành thói quen phản xạ trong những môi trường xã hội cụ thể. Đạt được nó cần bỏ công như vậy, nên những kỹ năng này rất hữu ích cho những người mong muốn thành công một cách bền vững. Việc rèn luyện Kỹ năng thực hành xã hội phải xuất phát từ mong muốn, nhu cầu bên trong mỗi cá nhân mới đạt được hiệu quả cao nhất.
Để dễ hiểu cho bạn đọc, có thể so sánh như sau: cuộc đời là một sân bóng đá, xã hội là các cầu thủ. Ai cũng biết sút bóng là một kỹ năng cần thiết, nhưng từng vị trí cầu thủ khác nhau lại yêu cầu một vài cách sút bóng chuyên biệt nào đó: sút má trong, má ngoài…; như vậy, sút bóng là kỹ năng sống mà mọi người ai cũng biết là cần thiết, nhưng sút má trong để ghi bàn chính xác là kỹ năng thực hành xã hội mà một tiền đạo phải bỏ công sức rất nhiều để luyện tập được – đó chính là hình ảnh của kỹ năng thực hành xã hội.
Hệ thống Kỹ năng thực hành xã hội này bao gồm những điều có thể rất nhỏ nhặt, như cách nhìn một người nào đó, cách hắt hơi… cho đến những điều thiết yếu như kiềm chế cảm xúc, vượt qua khủng hoảng, kiên định… Tất cả chúng giúp tạo nên một con người vững vàng từ bên trong, hấp dẫn ở bên ngoài. Và con người đó biết cách sống, sinh tồn trong xã hội hiện đại; biết cách làm cho mình có ích – sống một cách có giá trị cho bản thân, gia đình và xã hội.
Điều quan trọng nhất là những kỹ năng này bắt buộc phải được thực hành, thực hành nhiều đến mức trở thành thói quen, thì chúng mới thay đổi được cuộc sống của bạn, và cả những người trong gia đình bạn, xung quanh bạn.
Như vậy, để tiếp tục, bạn vui lòng ghi một dòng chữ “Thực hành hàng ngày, hàng ngày” lên tờ giấy “Quyết tâm Thay đổi thói quen” mà bạn đã lập ra lúc nãy.
Bắt tay đúng cách cũng là một kỹ năng thực hành xã hội quan trọng, nhưng hầu hết mọi người đều chưa thực hiện chính xác kỹ năng này.
Điều cuối cùng, chúng tôi muốn nói với bạn về con số 28.
28 ngày – so với cuộc đời của một người là cực kỳ ngắn.
Nhưng 28 ngày cũng đủ dài để thay đổi cuộc sống và cả tương lai của không chỉ bạn, mà rất nhiều người nữa.
Các nhà khoa học đã chứng minh được rằng 28 ngày liên tục là thời gian cần thiết để một người từ bỏ hay bước đầu tạo lập một thói quen nào đó. Nếu bạn muốn tập cho mình dậy sớm, hãy cố gắng dậy sớm đúng giờ đó trong 28 ngày liên tục, đồng hồ sinh học của bạn sẽ được điều chỉnh…; và những thói quen khác cũng tương tự như thế.
Một trong những điều thú vị nhất mà con người có thể cảm nhận được là “giải thoát” mình khỏi những thói quen đang hạn chế mình – mà ta hay gọi là “thói quen tiêu cực” sau đó đánh thức năng lượng tiềm tàng trong bản thân bằng những thói quen tích cực mới và hữu ích. Tuy nhiên, thử thách lớn nhất cũng là việc làm thế nào để thay đổi những thói quen.
98% những người cố gắng thay đổi thói quen sẽ từ bỏ trong tháng đầu tiên.
Bạn có thấy điều này quen không? Tháng đầu tiên, chính là 28 ngày để thay đổi thói quen.
Vậy có một câu hỏi như sau: vì sao 98% những người đó, rất nhiều người giỏi, có năng lực, có ý chí, nhưng vẫn không vượt qua được chính mình?
Đó là một buổi sáng sương mù phủ kín, ngày 4 – 7- 1952 khi Florence Chadwick bước xuống nước bơi vượt eo biển từ đảo Catalina đến bờ biển California. Bơi đường trường không phải là một điều mới lạ đối với Florence bởi cô từng vượt biển Manche (giữa nước Anh và Pháp) ở cả hai chiều.
Buổi sáng hôm đó nước lạnh cóng, còn sương mù thì dày đến nỗi cô khó có thể nhìn thấy chiếc thuyền trong đoàn. Sau khi đã bơi hơn 15 tiếng, cô yêu cầu mọi người kéo cô lên thuyền. Huấn luyện viên của Florence ráng hết sức để động viên cô bởi họ đã rất gần bờ, nhưng cô chỉ nhìn thấy sương mù và sương mù. Vì thế cô bỏ cuộc, khi cách đích không tới nửa dặm.
Sau đó cô tâm sự: “Không phải tôi biện hộ cho mình, nhưng nếu tôi nhìn thấy bờ, tôi đã có thể bơi đến đích”. Không phải cái lạnh hay sự sợ hãi, hay sự kiệt sức đã khiến cho Florence Chadwick thất bại, mà chính là sương mù – thứ che giấu đích đến trước đôi mắt cô.
Hai tháng sau cũng chính tại eo biển đó, cũng là khoảng cách đó, chỉ khác là một ngày nắng đẹp, Florence Chadwick đã lập một kỷ lục mới chỉ với 13 tiẽng, bởi vì giờ đây cô có thể nhìn thấy đất liền.
(Sưu tầm)
Bạn thấy được gì qua câu chuyện đó nào?
Lần thất bại đầu tiên của Florence Chadwick – có phải vì năng lực cô ấy không bằng lần bơi sau? Khả năng và thành tích của một vận động viên trong thể thao không thể có bước nhảy vọt trong thời gian ngắn như vậy. Điều khác biệt cốt lõi ở đây là: một lần cô ấy thấy rõ đích đến, và một lần thì không.
Bạn có để ý rằng trong những chuyến đi đến nơi nào đó lần đầu tiên, thường thì bạn sẽ thấy chặng đường về dường như ngắn hơn lúc đi không? Đó cũng là vì khi đi trở về, bạn đã biết rõ con đường mình phải đi và đích đến nằm ở đâu.
Việc nhìn thấy đích đến một cách rõ ràng đôi khi quyết định chúng ta có đến được đó hay không.
Chính vì vậy, con số 28 ngày là đích đến, là chặng đường bạn phải vượt qua để chinh phục từng thói quen có ích cho cuộc sống của mình. Vượt qua 28 ngày này, cha mẹ sẽ hiểu con cái hơn, biết cách “hợp tác” và giáo dục con tâm lý hơn. Con cái cũng sẽ nhận thức rõ hơn về bản thân mình, gia đình mình, và có thể vận dụng tất cả nguồn lực mình đang có để đi đến tương lai tươi sáng nhất của cuộc đời.
28 ngày cũng là thời gian chúng tôi đồng hành với bạn qua bộ sách này, qua từng chuyên đề, nội dung, từng tình huống, câu chuyện ý nghĩa thu thập từ khắp nơi trên thế giới, cũng như từ kinh nghiệm trong quá trình giáo dục hàng trăm ngàn thanh thiếu niên Việt Nam của chúng tôi suốt các năm qua.
Vậy thì bạn đừng chần chờ gì nữa nhé, hãy viết thật to con số 28 lên tờ giấy của bạn, nhìn ngắm lại nó một lần nữa: đích đến, và đường đi của bạn, đã rõ ràng rồi đấy.
Và lúc này, cuộc đồng hành thú vị của chúng ta – cũng là hành trình hoàn thiện cuộc sống của chính bạn – chính thức bắt đầu. Hãy sống những ngày này thật mạnh mẽ nhé.
GIẤC MƠ ĐÊM HÔM TRƯỚC
Trên một đỉnh núi cao, có một chiếc tổ đại bàng với những quả trứng đang chờ ngày cho ra đời những chú đại bàng dũng mãnh.
Chợt một hôm, mặt đất rung chuyển, cơn động đất làm ngọn núi cũng chuyển mình, và một quả trứng đại bàng không may bị rơi khỏi tổ. Nó lăn xuống triền dốc đất mềm, và tình cờ rơi đúng vào ổ gà nằm ngay dưới chân núi. Gà mẹ vừa đi kiếm ăn về, liền nhảy vào ổ tiếp tục ấp, không nhận thấy một quả trứng rất lạ đang nắm dưới bụng mình.
Một thời gian sau, từ trong ổ, những chú gà con dễ thương lần lượt chui ra; và trong đàn xuất hiện một “chú gà” rất lạ, to lớn hơn hẳn những đồng loại của mình, nhưng cũng rất dễ thương.
Ngày ngày, đàn gà con theo gà mẹ học cách kiếm ăn bên bờ ao. Chú “gà lạ” cũng nhanh chóng thành thục những kỹ thuật đào giun.
Một ngày nọ, chợt chú “gà lạ” ngước nhìn lên trời, và thấy tít trên cao, có những cánh chim to lớn và hùng dũng bay lượn – đó là những cánh chim đại bàng. Đến đây “giấc mơ” của chúng ta xuất hiện nhiều kịch bản khác nhau:
Kịch bản 1:
Chú “gà lạ” nhìn lại mình, chợt ước ao mình cũng có thể dũng mãnh tung bay như thế.
Chú thử leo lên một gò đất cao và võ cánh nhảy xuống, lần thứ nhất, lần thứ hai, lãn thứ ba… mỗi lần như vậy, chú lại té xuống, và cứ thêm một lần, cú ngã lại đau hơn…
Sau một thời gian cố gắng, chú “gà lạ” tự cảm thấy rằng mình không thể bay được, chú chỉ là một con gà mà thôi.
Thế là chú sống trọn vẹn một kiếp gà, và chết đi yên bình như một con gà thực thụ.
Kịch bản 2:
Chú “gà lạ” chợt thắc mắc “Sao mình lại giống những con đại bàng kia thế nhỉ?”
Chú thử đập đập đôi cánh, và cảm thấy người mình cũng nhẹ bẫng lên…
Hàng đêm, hình ảnh mình tung bay dũng mãnh, lướt trên những tầng mây cùng những cánh đại bàng khác luôn hiện ra, ngày càng sâu đậm hơn trong tâm trí “gà đại bàng”.
Nhưng thực tế thì luôn luôn ngược lại: chú tập chạy lấy đà, tập đập cánh nâng mình lên, tập nhảy xuống từ những mô đất cao… Tất cả chỉ đổi lại những vết thương, những cơn đau đớn…
Gà mẹ nhìn đứa con kỳ lạ nhất trong bầy con của mình làm như vậy, cũng rất lo cho con, nên luôn tìm cách dừng sự cố gắng vô vọng này lại. Vì đơn giản đối với gà mẹ, con của mình cũng chỉ là một con gà, ngoại hình có thể hơi lạ một chút, nhưng làm sao có thể bay như đại bàng được.
Thế là gà mẹ tập trung dạy cho con cách chạy, cách tìm mồi,… nhằm giúp con mình trở lại là một con gà thực thụ.
“Gà đại bàng” cũng từ từ xuôi theo mẹ, ít cố gắng dần, những giấc mơ cũng không xuất hiện nữa. Chú dần thực sự tin rằng mình là một con gà có ngoại hình khác biệt chứ không phải một con đại bàng.
Đôi cánh không được vùng vẫy trong không trung đã dần teo nhỏ lại.
Và chú đã sống tốt cuộc đời của một con gà.
…
(Sưu tầm)
Theo bạn, kịch bản nào là phù hợp hơn cho Gà Đại Bàng?
Bạn có nghĩ ra kịch bản nào tốt hơn cho nó không?
Bạn có tìm thấy kịch bản của mình trong đó?
Bạn có chắc chắn mình đã biết rõ khả năng của bản thân: mình có thể làm gì, và không thể làm gì chưa?
Các bậc bố mẹ có đảm bảo mình hiểu rõ khả năng của con và hướng con đi theo con đường phù hợp nhất với nó chưa?
Đừng quá lo lắng, đó chỉ là một giấc mơ thôi, một giấc mơ gợi lên nhiều điều suy ngẫm để bạn bước vào ngày thứ nhất của sự thay đổi kỳ diệu…
Mời các bạn đón đọc Hãy Sống Mạnh Mẽ của tác giả Nhiều Tác Giả.
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn