Hảo Nữ Trung Hoa

Hảo Nữ Trung Hoa

Tác giả:
Thể Loại: Tâm Lý - Kỹ Năng Sống
Nguồn: https://thuviensach.vn
PDFĐỌC ONLINE

Khinh Phong Dạ Thoại như ngọn gió được đêm đen ôm ấp, chỉ khi thân phận được che giấu và được lắng nghe thật sự, những người phụ nữ Trung Hoa mới dám cất tiếng nói nhỏ nhoi yếu ớt đã bị đè nén suốt cả trăm năm ròng, tiết lộ thế giới bí mật mang đầy những đau thương và tủi nhục. Trong cái thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa đen tối và hỗn loạn của lịch sử Trung Quốc, không chỉ một mà có cả trăm, nghìn, thậm chí cả triệu người phụ nữ bị đã chà đạp, lăng nhục, và hủy hoại. Những câu chuyện đau lòng đã được kể trong Hảo Nữ Trung Hoa sẽ ám ảnh và làm day dứt tâm hồn của cả những con người cứng rắn nhất. Những người con gái, những người vợ, những người mẹ, đặt trong mối quan hệ giữa những người đàn ông và xã hội đã phải gánh chịu quá nhiều bất công đàn áp. Những cô gái bị cưỡng hiếp, bạo hành đến mức tâm thần không còn ổn định, những người vợ bị đối xử như một công cụ thỏa mãn sinh dục và những cái máy đẻ rệu rã, những người con gái bị tước đoạt tình yêu, những người mẹ phải tận mắt nhìn con mình lìa bỏ cuộc đời… Khi đàn ông là những kẻ vũ phu bội bạc, những tên cuồng dâm, những tên đội lốt Cách Mạng để làm những việc dơ bẩn, đớn hèn thì phụ nữ vẫn phải lặng im chịu đựng. Vì họ không có cách bảo vệ chính mình, và cũng không ai bảo vệ họ. Hàng nghìn số phận phụ nữ bị vùi dập và nhấn chìm dưới những quy định cổ hủ và tàn nhẫn của xã hội, trong những biến động lịch sử dữ dội của đất nước Trung Hoa, trong sự thờ ơ và bàng quan của nhân loại. Hân Nhiên đã đem nỗi đau của chính bản thân bà, và nỗi đau của những người phụ nữ khác, giãi bày qua từng trang giấy. Chính sự thật quá phũ phàng mới làm lòng người lay động mạnh mẽ vô cùng khi đọc Hảo Nữ Trung Hoa. Nhưng không chỉ có nỗi đau và niềm uất ức, Hảo Nữ Trung Hoa còn là bức tranh ghép đa màu về những khát khao tình yêu, quan niệm hạnh phúc và nhân sinh quan của phụ nữ, những đức tính tốt đẹp vô cùng của họ. Những trang sách đẹp nhất của Hảo Nữ Trung Hoa là những trang viết về những người mẹ. Người mẹ với một tình cảm mẫu tử thiêng liêng cao cả có thể làm tất cả chỉ mong cho con mình hạnh phúc. Người mẹ với kí ức đau thương sẽ không bao giờ phai mờ về đứa con đã mất. Những khổ đau lớp lớp của phụ nữ Trung Quốc qua lối kể mộc mạc và chân thực của Hân Nhiên gợi lên trong lòng người đọc một mỹ cảm vô cùng về vẻ đẹp trong tâm hồn mỗi người phụ nữ. Như chính bà đã từng phát biểu: Phụ nữ là lực lượng sáng tạo trong vũ trụ này. Họ đem đến cho cuộc sống cái đẹp, cảm xúc và sự nhạy cảm. Họ tinh khiết và trong sạch. Phụ nữ là những tạo vật tuyệt vời nhất… Hãy thật can đảm khi đọc Hảo Nữ Trung Hoa, vì trái tim bạn sẽ run rẩy và bị bóp nghẹt bởi sự thật phũ phàng và những đau đớn nghẹn ngào ẩn trong trang sách. Một bức tranh đa chiều được viết nên bằng máu và nước mắt, sẽ mãi khắc sâu ấn tượng với bất kì ai đã từng chiêm ngưỡng nó. Hảo Nữ Trung Hoa đã vẽ lại hình ảnh một đất nước Trung Quốc khác, không phải đất nước vĩ đại với hàng ngàn năm văn hiến, cũng không phải đất nước với những kỳ quan kỳ vĩ khiến thế giới ngưỡng mộ. Trung Quốc của Hân Nhiên đầy rẫy những mảnh đời bị bỏ quên, những Hảo Nữ vẫn đang sống từng ngày trong đau thương. Hân Nhiên (Xinransinh năm 1958 tại Bắc Kinh. Bà là nhà báo, người dẫn chương trình Khinh Phong Dạ Thoại của Đài phát thanh Nam Kinh. Khi làm chương trình, bà được lắng nghe những cuộc gọi đến của rất nhiều thính giả cũng như chia sẻ về câu chuyện cuộc đời họ. Hân Nhiên không chỉ trò chuyện mà còn gặp gỡ, thu thập tư liệu từ hàng ngàn phụ nữ bà đã phỏng vấn. Chương trình này đã đưa Hân Nhiên trở thành một trong những nhà báo thành công nhất của Trung Quốc. Năm 1997, bà tới Luân Đôn cùng con trai. Chính tại nơi đây, Hân Nhiên mới có thể viết lại những câu chuyện thành một pho sách gây nhức nhối và đầy ám ảnh. Đã từng nghe, phỏng vấn hơn 200 phụ nữ. Bà đã gom góp những cuốn sách bí mật trong từng gia đình, những nỗi đau riêng tư, những cam chịu đè nén trong đau thương và uất hận, những bi kịch thầm kín, từng chứng kiến trong 8 năm làm việc tại Trung Quốc. Tháng 7 năm 2002, lần đầu tiên những câu chuyện này xuất hiện tại Anh trong cuốn sách có tên Hảo Nữ Trung Hoa (The good women of China: Hidden Voices. Hiện nay, Hảo Nữ Trung Hoa đã đến tay bạn đọc trên toàn thế giới và được dịch ra trên 30 thứ tiếng. Hảo Nữ Trung Hoa là tập hồi ký mà nhà báo Hân Nhiên đã thay những người phụ nữ vô danh ở khắp nơi trên đất nước Trung Quốc rộng lớn kể lại cuộc đời họ với mọi đau đớn và bi thảm.*** Chín giờ tối ngày 3 tháng Mười một năm 1999, tôi đang trên đường về nhà sau buổi dạy tối ở Khoa Phương Đông và Châu Phi thuộc Đại Học Luân Đôn. Khi ra khỏi ga tàu điện ngầm Stamford Brook bước vào bóng tối của đêm thu, tôi nghe thấy có tiếng động hối hả ở phía sau. Tôi chưa kịp phản ứng thì đã có ai đó đập mạnh vào đầu và đẩy tôi ngã nhào xuống đường. Theo bản năng, tôi nắm chặt lấy chiếc túi xách đang đựng bản duy nhất của bản thảo tôi mới hoàn thành. Nhưng kẻ tấn công kia vẫn không bỏ cuộc. “Đưa tao cái túi,” hắn liên tục hét lên. Tôi chống trả với sức mạnh mà tôi chưa từng nghĩ mình lại có. Trong bóng tối, tôi không thấy một ai. Tôi chỉ biết rằng mình đang chiến đấu với hai bàn tay khỏe mạnh và còn vô hình. Tôi gắng tự vệ đồng thời đá vào chỗ mà tôi nghĩ có lẽ là háng của hắn. Hắn đá lại và tôi cảm thấy đau nhói ở lưng và cẳng chân, và vị mằn mặn của máu trong miệng. Những người đi ngang bắt đầu chạy về phía chúng tôi và hét lên. Một đám đông giận dữ nhanh chóng vây lấy gã đàn ông. Khi loạng choạng đứng lên, tôi thấy hắn cao hơn mét tám. Sau đó, cảnh sát hỏi tôi tại sao lại liều mạng chống trả chỉ vì một chiếc túi xách. Run rẩy và đau đớn, tôi giải thích, “Tôi để cuốn sách của mình trong đó.” “Một cuốn sách?” viên cảnh sát kêu lên. “Chẳng lẽ một cuốn sách còn quan trọng hơn mạng sống của cô sao?” Đương nhiên là tính mạng quan trọng hơn cuốn sách rồi. Nhưng ở nhiều khía cạnh, cuốn sách đó chính là mạng sống của tôi. Nó là lời chứng về cuộc sống của người phụ nữ Trung Quốc, là kết tinh của nhiều năm làm việc với tư cách nhà báo của tôi. Tôi biết mình đã thật dại dột: Nếu bị mất bản thảo, tôi vẫn có thể cố viết lại được. Tuy nhiên, tôi không dám chắc mình có thể vượt qua được những cảm xúc cực độ trào dâng lên khi tôi viết lại cuốn sách hay không. Trải nghiệm lại câu chuyện của những người phụ nữ tôi từng gặp quả là đau đớn, song sắp xếp các ký ức và tìm ra ngôn từ thích đáng để viết còn khó hơn. Khi chiến đấu để giữ bằng được chiếc túi, tôi đang bảo vệ cho những cảm xúc của mình và của những người phụ nữ Trung Quốc. Cuốn sách là kết quả của quá nhiều điều một khi mất đi sẽ không bao giờ có thể tìm lại. Khi bước vào ký ức của mình, bạn đang mở ra một cánh cửa dẫn tới quá khứ; con đường trong đó có rất nhiều ngã rẽ và mỗi lần đi lại là một lộ trình khác nhau.