Cái khó khăn nhất mà Thiếu tá Bùi Anh Tấn gặp phải ấy là khi viết về quá trình tha hóa của cán bộ của các cơ quan hành chính nhà nước, tác động mặt trái của cơ chế thị trường khi bị đồng tiền thao túng khiến người phạm tội bị khởi tố, xét xử. Vụ án Năm Cam và đồng bọn đã kết thúc, những kẻ gây ra tội lỗi đã phải đền tội. Nhưng có lẽ dư luận thì vẫn chưa kịp nguội đi với những gì băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen này gây ra. Tác giả công an Bùi Anh Tấn cho ra đời tiểu thuyết “Hành trình của sói” một lần nữa thu hút sự quan tâm của dư luận bởi “ông trùm Năm” – nhân vật chính của tiểu thuyết được nhà văn xây dựng dựa trên nguyên mẫu là tên tội phạm khét tiếng một thời tên gọi Trương Văn Cam (tức Năm Cam… Bùi Anh Tấn nói rằng, anh đến với văn chương một cách hết sức tình cờ, ấy là vào năm anh 21 tuổi, bỗng dưng anh có nhu cầu giãi bày lòng mình với những con chữ. Anh khởi sự bằng việc viết truyện ngắn và có gửi một số nơi nhưng chưa gây được ấn tượng nào đáng kể cho tới khi tiểu thuyết “Một thế giới không có đàn bà” ra đời (cũng dựa trên một chuyên án có thật xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh. Cách đây dăm năm, đề tài về “giới tính thứ ba” hầu như vẫn nằm trong bóng tối, nhưng gần đây quan niệm về họ có phần cởi mở hơn và ở một góc độ nào đó nó là một đề tài khá “ăn khách”. Năm 2005, tiểu thuyết này đã đoạt giải A – giải thưởng Văn học về đề tài Vì An ninh Tổ quốc và Bình yên cuộc sống (1995 – 2005do Bộ Công an và Hội Nhà văn trao tặng. Có đà, Bùi Anh Tấn chấp bút tiếp tiểu thuyết “Les – Vòng tay không đàn ông” viết về giới đồng tính nữ và thế là anh bị ghép cho một biệt danh Tấn “đồng tính”! Trong suốt thời gian viết hai tiểu thuyết này, anh đã âm thầm chuẩn bị tư liệu để tiểu thuyết “Hành trình của sói” ra mắt độc giả vào đầu tháng 8 này. Hiện Bùi Anh Tấn được xem là một tác giả trẻ có duyên với đề tài hình sự và hình tượng người chiến sĩ công an. Tâm sự về hành trình sáng tạo của mình, Bùi Anh Tấn cho biết: “Từ khi vụ án Năm Cam bùng nổ vào năm 2001, tôi đã xác định đây sẽ là một đề tài cho cuốn tiểu thuyết tương lai của mình. Với tư cách là một người cầm bút trong Lực lượng Công an, tôi rất quan tâm nên thu thập tài liệu qua báo chí, dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu, gặp gỡ những người tham gia làm án… Ngoài ra, tôi còn tham dự hầu hết các phiên tòa xét xử Năm Cam và đồng bọn của y, lắng nghe xem dư luận phán xử thế nào. Tôi để cho những tư liệu tầng tầng lớp lớp ấy ngấm vào mình một cách tự nhiên, đến năm 2004 thì bắt tay vào viết chương đầu tiên đến đầu năm 2006 cơ bản đã xong. “Ông trùm Năm” không trọn vẹn là viết về Năm Cam nhưng hành trình tội ác, những âm mưu, thủ đoạn phạm tội đều lấy từ tư liệu chuyên án này”. Khi chuyên án bắt đầu, Bùi Anh Tấn đang là một chiến sĩ an ninh của Công an TP. Hồ Chí Minh, anh được giao làm một số công việc “ngoại vi” của chuyên án này. Vì thế, anh có nhiều thuận lợi trong việc tiếp xúc với những chiến sĩ trực tiếp làm án, được nghe nhiều chuyện bên lề vụ án. Cũng bởi Năm Cam là một nhân vật quá điển hình trong giới giang hồ, nên việc xây dựng nhân vật trung tâm này của Bùi Anh Tấn có nhiều thuận lợi, bởi nhiều chất liệu thực tế đã hỗ trợ đắc lực cho anh trong quá trình sáng tạo. Cái khó khăn nhất mà Thiếu tá Bùi Anh Tấn gặp phải ấy là khi viết về quá trình tha hóa của cán bộ của các cơ quan hành chính nhà nước, tác động mặt trái của cơ chế thị trường khi bị đồng tiền thao túng khiến người phạm tội bị khởi tố, xét xử. Đây cũng chính là những băn khoăn, trăn trở nhiều đêm của nhà văn và anh tìm nhiều cách để lý giải cặn kẽ, thấu đáo những băn khoăn ấy. “Hành trình của sói” là một tiểu thuyết chống tội phạm với những chiến công, những mất mát của Lực lượng Công an nhưng bên cạnh đó Bùi Anh Tấn cũng đề cập những sai lầm, sự sa ngã của những người một thời “chung một chiến hào” với mình. Vì vậy, bên cạnh sự xót xa đến quặn lòng, tác giả còn bộc lộ sự phẫn nộ bởi chỉ vì những cám dỗ vật chất mà màu cờ sắc áo thiêng liêng đã bị một số người làm cho hoen ố… Bùi Anh Tấn tâm sự: “Trên thực tế đã có những trường hợp từng là cán bộ cao cấp, từng lập nhiều chiến công, nhưng trong cơ chế thị trường họ lại sa ngã. Nếu chúng ta cứ ngại không nói đến chuyện này thì thành ra tự bao che cho nhau. Vì vậy, nói ra sự thật cũng là cách để rút ra bài học, phải dũng cảm nhìn vào sự thật. Đó chính là bản lĩnh của người chiến sĩ công an trong thời kỳ đổi mới”. Vụ án Năm Cam là một chuyên án nổi tiếng, được dư luận quan tâm với nhiều chất liệu phức tạp, liên quan tới một số quan chức. Chính vì thế, vấn đề xử lý tư liệu là điều khiến Bùi Anh Tấn phải nỗ lực để ra khỏi kiểu “tiểu thuyết thuần tư liệu”. Tác giả tập trung lý giải con đường dẫn đến tội ác của “ông trùm” và những cán bộ sa ngã với những diễn biến tâm lý, chiều sâu, những giằng xé nội tâm của nhân vật. Viết tiểu thuyết từ một nguyên mẫu có thật là tên trùm xã hội đen khét tiếng, có nhiều đàn em sẵn sàng xả thân vì “anh cả”, song chưa bao giờ Bùi Anh Tấn bận tâm tới những “phiền toái” có thể gặp trong cuộc sống sau này. Anh cho biết: “Chúng ta là đất nước có kỷ cương, có luật pháp, hơn nữa mình lại là công an. Ví như viết về đề tài chống tham nhũng lại sợ những kẻ tham nhũng thì không bao giờ làm được gì cả. Đấy cũng là sự dũng cảm của người cầm bút chứ!”. Khi tiểu thuyết “Hành trình của sói” hoàn thành, Bùi Anh Tấn vẫn chưa thật hài lòng vì anh cho rằng có nhiều vấn đề chưa được giải quyết thấu đáo và đôi chỗ vẫn chưa tách bạch được ranh giới giữa văn chương và báo chí. Thế mạnh của tác giả là đã khắc họa thành công hình ảnh người chiến sĩ công an trong những năm đất nước đổi mới, lột tả được cái xấu xa, tàn bạo của nhóm “thế lực đen” trong xã hội. Qua đó, độc giả biết được cách hoạt động của một Ban chuyên án, những diễn biến nội tâm của họ trước những vấn đề “nhạy cảm”, cách họ đối xử với nhau như thế nào trong cuộc sống… Tiểu thuyết “Hành trình của sói” tuy mới ra mắt đầu tháng 8 này nhưng đã có đại diện một hãng phim muốn xin chuyển thể thành phim hình sự. Điều này cũng từng xảy ra với tiểu thuyết “Một thế giới không có đàn bà” nên anh rất vui khi tần suất hình ảnh người chiến sĩ công an mà anh tâm đắc xuất hiện nhiều trên màn ảnh. Hiện nay, Bùi Anh Tấn lại đang chấp bút một tiểu thuyết lịch sử về vua Trần Nhân Tông có nhan đề “Đàm đạo về Ngự giác hoàng” theo “đơn đặt hàng” của NXB Trẻ. Anh khẳng định, đề tài hình sự vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu của anh trên con đường văn nghiệp của mình*** Bùi Anh Tấn sinh ngày 22.12.1966, là nhà văn công an. Anh bắt đầu sáng tác từ những năm đầu thập niên 90, nhưng chỉ thực sự tiếng nổi như cồn kể từ sau Một thế giới không có đàn bà ra đời năm 1999. Hai năm sau đó cuốn tiểu thuyết lĩnh liền hai giải A của cuộc thi Tiểu thuyết năm 1999-2001 và Giải thưởng văn học 1995-2005 (Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Sau đó, tác phẩm được dựng thành phim, Bùi Anh Tấn trở thành người đầu tiên trong làng văn học Việt đi sâu vào đề tài người đồng tính. Các cuốn sách sau này của Bùi Anh Tấn lúc nào cũng nằm trong danh mục sách bán chạy và có tới phân nửa là viết về người đồng tính như Vòng tay không đàn ông, Phương pháp của A.C Kinsey (tiểu thuyết, Cô đơn, Bướm đêm (tập truyện ngắn… Một thế giới không có đàn bà thậm chí còn được đạo diễn Việt Kiều Canada Cường Ngô dựng lại thành phim truyện nhựa trong năm 2011 do chính tác giả viết kịch bản. Trong vòng 10 năm đã cho ra đời 3 tập truyện ngắn, 2 kịch bản truyền hình và một màn ảnh rộng, hơn chục tiểu thuyết, ở nhiều đề tài khác nhau như: đề tài lịch sử (Nguyễn Trãi, Đàm đạo về Điều Ngự Giác Hoàng, tôn giáo (Không và sắc, chiến tranh cách mạng (Kế hoạch hậu chiến 72, tác phẩm biên soạn duy nhất của ngành công an viết về lực lượng CSĐB – Việt Nam Cộng Hòa (Cảnh sát đặc biệt. Cuốn tiểu thuyết ăn khách về đời sống hiện đại Bước chân hoàn vũ thì lại được viết “ngược” từ kịch bản sang tiểu thuyết. *** Vụ án “Năm Cam và đồng bọn” đến nay đã kết thúc được năm năm (2001-2006, một khoảng thời gian không quá dài để quên lãng nhưng cũng không quá ngắn và có thể nhìn lại, chiêm nghiệm, rút ra những bài học. Đây là một băng nhóm xã hội đen hoạt động theo kiểu Maphia nước ngoài, lớn nhất từ trước đến nay về phạm vi lan ra các tỉnh thành lớn trong cả nước và có chiều hướng cấu kết với các băng đảng tội phạm khác ở nước ngoài. Mức độ phạm tội của chúng là đặc biệt nghiêm trọng, trong đó đáng chú ý là sự câu móc, tha hóa, biến chất một số bộ phận công chức nằm trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, thông tin báo chí… Đây cũng là mặt trái của nên kinh tế thị trường và là tiếng chuông cảnh tỉnh gióng lên khi đất nước ta đã và đang tiếp tục trên đà hội nhập với nền kinh tế tòan cầu: Khi xã hội bắt đầu có sự phân hóa giàu nghèo, nhiều giá trị tinh thần đạo đức bị xuống cấp, việc sùng bái vật chất được đề cao… Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần nêu cao, bảo vệ và giữ gìn những bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Những bài học đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mang đậm tính thời sự. Bùi Anh Tấn là một tác giả có quá trình gắn bó với ngành công an và có khá nhiều tác phẩm viết về ngành với những thành công nhất định. Trong tác phẩm này, cái tâm của người viết thể hiện rất rõ qua những dằn vặt, trăn trở xót xa về sự sa ngã của một số đồng đội trước băng nhóm tội phạm này và cũng bộc lộ niềm tin tưởng, tự hào vào sự trong sạch lớn mạnh của ngành công an và các đồng đội khác của anh trên mặt trận đấu tranh bảo vệ sự bình yêu cuộc sống cho nhân dân. Qua tác phẩm tác giả cũng cung cấp được khá nhiều thông tin, tư liệu lý thú về hoạt động của các băng nhóm tội phạm cũng như những âm mưu thủ đoạn của chúng để mọi người hiểu nêu cao cảnh giác. Tuy nhiên, đây là tác phẩm văn học nên nhiều nhân vật mang tính phiếm chỉ, hư cấu, không cụ thể vào một cá nhân nào, bạn đọc cần lưu ý. Hành Trình Của Sói là tác phẩm văn học – tiểu thuyết tư liệu – đầu tiên viết về vụ án “Năm Cam và động bọn” từ trước đến nay. Mặt hạn chế là vẫn chưa làm rõ ranh giới giữa thể loại báo chí và văn học trong tác phẩm. Có một số đoạn, nhận xét, đánh giá … vẫn còn mang tính chủ quan nhất định của tác giả.