Hắn tự hỏi liệu có ai trên đời này xui xẻo như hắn không? Đã ba mươi cái xuân xanh đi qua và hiện tại vẫn không hồng nhan đoái hoài cũng chỉ vì hắn là một thanh niên “vô sản” theo đúng nghĩa đen: Không nhà, không xe, không sổ tiết kiệm, à, có sổ tiết kiệm nhưng số dư lại zero tròn trĩnh, tất cả những gì hắn có là mấy món đồ từ thời “khủng long” mà hắn cất công sưu tầm bằng tiền túi của mình. Ngoài cái học vị Tiến sĩ và vị trí Giáo sư khảo cổ học, còn lại vẫn là tay trắng hoàn trắng tay, nhân sinh nhàm chán chưa kịp “khai hoa” của hắn đã nhanh chóng kết thúc trong một chuyến khai quật mộ cổ… Hay nói chính xác hơn là một khởi đầu mới, vì lẽ… Hắn xuyên việt rồi! Trên đời có ai xui xẻo như hắn? Người ta “bay về” quá khứ cái là làm tướng quân, vương gia, hoàng đế, không thì cũng chưởng môn nhân, tiên nhân các thứ, hắn thì làm cô hồn vất vưởng lang thang giữa vũ trụ để rồi cuối cùng “đáp” vào cơ thể của một thằng oắt con miệng còn hôi sữa, hơn nữa còn là một thằng oắt con nhà quê, sống ở chốn khỉ ho cò gáy, chim không thèm bay tới ị. Một điểm tốt duy nhất mà hắn thầm thấy may mắn đó là kiếp này hắn có cha thương, có mẹ yêu. Trở về quá khứ cũng không khiến hắn quá ngỡ ngàng, dẫu sao với một bụng kiến thức phong phú, dồi giàu, cho dù không thể hoành tráng một phen thì cũng đủ để hắn lăn lộn thỏa thuê ở thế giới này. Điều khiến hắn rất chi rầu rĩ đó là Thẩm gia mà hắn “tái sinh” vào là một gia đình thư hương sa sút cực kỳ cổ hủ, vả lại nghèo rách mồng tơi.Trong nhà, được thiên vị nhất là chi trưởng và bị oan uổng nhất là chi út của hắn và cha hắn. Mọi ưu đãi tốt đều đầu tư hết vào chi trưởng, nhà hắn cho dù có muốn chấm mút cũng không được. Cứ coi như hắn là thiên tài trời sinh nhưng thiên tài cũng phải học qua vỡ lòng chứ, bằng không sẽ bị người ta coi là yêu quái, đem đi dìm lồng heo thì khổ. Vấn đề là nhà này không có tiền cho hắn đi học, có cũng không tới phiên hắn, ngay cả mẹ hắn cũng khuyên hắn hãy an phận làm một “người nông dân” đi, tuy cả đời dầm sương dãi nắng nhưng cũng đủ để sống qua ngày. Không được! Bất chấp thế nào hắn cũng phải kiếm được tiền để được đi học, người ta không cho thì hắn tự kiếm, phải đi học mới có bàn đạp để hắn tung hoành chứ. Trong nhà thiếu nhất là tiền, vậy… hắn phải bắt tay kiếm tiền thôi. Mục tiêu trước tiên là cho hắn đi học vỡ lòng, cho cha mẹ hắn được ăn no mặc ấm. Và tiếp đó là giật lấy cái giải Nguyên cho cha mẹ hắn nở mày nở mặt, cho vị tổ mẫu đại đương gia và cả đám thúc bá thẩm thẩm phải rửa mắt mà nhìn, thằng này không phải hạng vừa đâu, đừng tưởng chi út mà lầm. Nếu các bạn độc giả đã quá chán ngán những trận chiến đẫm máu, giang hồ gươm đao thì hãy đến với Hàn Môn Trạng Nguyên, cùng thưởng thức hành trình “trèo thang” của thằng nhóc nông dân Thẩm Khê từ dưới đáy cùng của xã hội lên đến đỉnh cao. Hãy xem cậu chàng làm thế nào để mang tới một sắc màu mới mẻ cho giới giải trí của triều đại nhà Minh nhạt nhẽo. Và dĩ nhiên không thể thiếu những câu chuyện phong lưu với các bóng hồng “ở mọi lứa tuổi” của anh chàng.*** Thẩm Khê cuối cùng đã có cơ hội đi học rồi. Mặc dù chỉ là đi theo một thư sinh nghèo túng học viết chữ, không có hệ thống đi học về các nội dung khoa cử như Tứ thư ngũ kinh, không xem như là nghiên cứu học vấn, nhưng đây đối với Chu thị mà nói cũng là một chuyện có ý nghĩa phi phàm rồi. Nàng không chỉ mua giấy bút cho Thẩm Khê, còn mua hẳn một nghiên mực và mực nữa, suốt đêm còn cặm cụi tháo đi bộ quần áo cũ để may túi sách cho hắn. Sáng sớm hôm sau Thẩm Minh Quân đưa đứa con đi học, trước khi đi Chu thị còn dặn đi dặn lại, sợ đứa nhỏ sẽ phụ lòng kỳ vọng của nàng. Học biết chữ cũng không coi là chuyện lớn lao gì, thậm chí bên mép khoa cử cũng chưa chạm tới nổi. Thẩm Khê cảm thấy mẹ già đã kỳ vọng quá cao, nhưng con cái nhà nghèo người ta, có thể có cơ hội biết chữ đã là một việc rất khó có được rồi, hắn chỉ có thể nghe theo dặn dò của Chu thị, luôn mồm hứa hẹn nhất định sẽ học cho thật tốt. Khi đến nơi rồi, Thẩm Khê mới biết được cái gọi là lớp học chỉ là một ngôi miếu Thổ địa tan hoang, thậm chí ngay cả mái ngói trên nóc nhà cũng chưa có tu sửa lại. Lúc này mặt trời đã treo ở phía đông đỉnh núi, vài tia ánh sáng mặt trời từ trong khe hở của mái ngói chiếu xuống, chiếu đến cả căn phòng sáng hẳn lên. Một lão già vẻ mặt đầy nếp nhăn, mặc áo nho cũ nát, thân thể suy yếu đến ngay cả tay chân đều có chút run run, lúc này đang dùng que gỗ ở trên bàn cát trước mặt vẽ ra hai chữ, khiến mười mấy đứa trẻ phía dưới đọc theo ông.