Hai chậu lan Tố Tâm là truyện ngắn Việt-Nam đã được giải nhì, đồng hạng với Nhật-Bản, trong cuộc thi truyện ngắn giữa các quốc gia vùng Đông-nam-Á (gồm có Trung-Hoa Dân-Quốc, Nhật-Bản, Đại-Hàn, Phi-luật-Tân, Mã-Lai, Ấn-Độ, Hương-Cảng, Hồi-Quốc và Việt-Namdo Trung-Tâm Văn Bút Phi-luật-Tân tổ chức và tuyên bố kết quả vào thượng bán niên 1964 1. Truyện này trước kia đã được đăng trong tuyển tập Cô gái xóm nghèo, tác phẩm đầu tay của Phan Du, do nhà xuất bản Văn-hữu Á-châu ấn hành vào năm 1959. Nhưng sau khi quyển Cô gái xóm nghèo ra đời, với những trắc trở bất thường của nó, với sự góp ý của các bạn văn, tác giả Phan Du mới có ý định kiểm điểm lại những truyện ngắn của mình trên hai mươi năm sáng tác: truyện ngắn cũ nhất của ông – Bữa cơm chay – đăng trên tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy của Vũ Đình Long xuất bản ở Hà-Nội vào năm 1942, và truyện mới nhất, khá dài, gọi là Hồi hộp đăng ở tờ Văn của Nguyễn Đình Vượng và Trần Phong Giao vào số 26 (đầu năm 1965nhưng sau khi việc sắp chữ hoàn thành, truyện này đã bị kiểm duyệt bỏ hết. Là một ngòi bút vững vàng từ thời tiền chiến và đến bây giờ vẫn còn nguyên vẹn nhiệt tình ngày trước, cộng thêm sự điêu luyện của bao nhiêu năm kinh nghiệm trong nghề, ông đã sáng tác được một số lượng khá lớn truyện ngắn. Nhưng vốn khiêm tốn quá nhiều đến gần như thích cuộc sống ẩn mình, ông không quan tâm đến việc ấn hành tác phẩm. Gần đây, sau khi truyện Hai chậu lan Tố Tâm đã được giải thưởng quốc tế một cách âm thầm, nhà văn Phan Du cũng không tỏ ra hứng khởi thêm được chút nào trong sự giới thiệu những sáng tác phẩm của mình. Một vài bạn văn ít ỏi của ông bất bình trước sự im lặng của giải thưởng ấy, và cả của ông, nhiều lần khuyến khích ông cho ra đời tất cả truyện ngắn sáng tác trên hai chục năm. Trước sự thúc đẩy chân tình của các văn hữu và lời đề nghị xuất bản nồng hậu của nhà CảoThơm, ông đã bỏ mất khá nhiều thì giờ để sưu tập lại hết sức khó khăn những sáng tác phẩm của mình từ trước. Nhưng sự bất mãn đối với chính mình khiến ông liên tiếp gạt bỏ, và chỉ giữ lại có mười chín truyện, trong đó gần cả mười năm sáng tác của giai đoạn đầu, chỉ còn giữ mỗi ba truyện: Sống gửi, Thuốc cá, Khóc thật in ở cuối tác phẩm này. Ba truyện ấy là di sản của Phan Du tiền chiến. Đem ba truyện ấy so sánh với các truyện khác của những năm về sau đây, đăng tải ở trong phần đầu tác phẩm, chúng ta nhận thấy ở trên căn bản, nhà văn Phan Du vẫn giữ một nét thuần nhất trong một thái độ về đời. Ông vẫn tiếp tục nụ cười chua xót trước những cảnh đời giả dối, vụ lợi, và vẫn tuyên truyền tình thương, phả khuyến từ thiện một cách rộng rãi, tuy vẫn không quên thỉnh thoảng bày tỏ đôi chút bất bình. Qua những cái nhìn thương hại, qua những nụ cười xót xa, chúng ta thấy được một ý bảo tồn, một chút an ủi, một niềm tin tưởng ở cái tính thiện cũng như lương tâm con người. Người ta có thể nghĩ rằng với một tình thương dồi dào nhưng lại trừu tượng, tác giả sẽ lầm lạc chăng, sẽ bất công chăng? Bởi lẽ tội ác đích thực phải được nghiêm trừng xứng đáng để cho con người lương thiện được sự yên lành, và nỗi đau khổ của kẻ thiệt thòi không thể chỉ được đền bù bằng chút xót xa của người đồng hội đồng thuyền, hay sự ái ngại của lớp dư thừa, nhàn rỗi. Nhưng nếu không quá bận lòng về những giọt lệ thương tâm mà tác giả tuôn tràn xuống quãng đường nhân thế hiện đang đầy dẫy xác chết và những bất công, chúng ta có thể tìm gặp ở nơi Phan Du những nguồn rung cảm lớn lao của một tâm hồn hướng thiện đã bắt gặp được ở trong sự sinh hoạt bình thường khá nhiều sự thực cao quí vốn là lẽ phải chân chính của đời: ở trong tác phẩm của ông, bao giờ hai cái sức mạnh Thiện, Ác cũng được đối đầu mãnh liệt, và sau nhiều phen tranh chấp gay go, cái Thiện vẫn nắm được phần thắng lợi, cũng như nó phải giành lấy thắng lợi ngoài đời. Cái Ác, ở đây, có thể khoác lấy hình hài lông lá của con heo rừng phá hoại giữa Hai gánh lúa, hoặc là những chiếc máy bay cuồng bạo gieo rắc tóc tang trong Cái vỏ đạn, hay là một đôi ý tình bất chính ẩn hiện chập chờn qua Con mèo đen. Và cái Thiện ấy là người nông dân chiến đấu gian nan để giữ mùa màng, là vị bô lão hy sinh tính mạng cho sự an toàn thôn xóm, là cái lương tri kịp thời giữ vững của một người bạn đứng trước hạnh phúc của người bạn mình. Trong Hai chậu lan Tố Tâm, ý thiện ấy là tinh thần chiến thắng được cái thú thích cá nhân để hướng về sự phục vụ xã hội. Cùng với thời gian và sự lớn mạnh của dân tộc mình, nhà văn Phan Du đã thấy thấm thía hơn trước chân lý của đời, và đảo cái nhìn bao quát hơn trước về những thực trạng xã hội. Do đó, trong nhiều tác phẩm, ông đã đẩy được tình thương đến những thái độ quyết liệt hơn xưa trong sự nhận diện tội ác, cũng như đối đầu với nó: Con ngựa hai chân, Bàn tay kẻ đói, Rắn hổ, Bức bình phong… là sự vạch trần tất cả chế độ phi nhân và phơi bày những lớp người xấu xa cùng những nạn nhân của họ. Giữa lúc nhiều người văn nghệ không rút chân khỏi đầm lầy cá nhân với những suy tư bất lực, nhà văn Phan Du vẫn giữ sáng được tấm lòng, vẫn cố hướng về những ý cao cả, trong một khuôn điệu nghệ thuật vững vàng đạt đến mực thước tinh vi cổ điển. Không đuổi theo những bong bóng sặc sỡ của các ảo tưởng gọi là « văn chương thời đại », không tự mê hoặc, và không mê hoặc người khác, nhà văn Phan Du vẫn cứ tiếp tục đều đặn con đường sáng sủa của mình. Và dầu mặt trời tuổi tác có quay chiều xuống chân mây, bước đường từ tốn của ông vẫn đang đi lên, vẫn cố đi lên mãi mãi theo với cuộc đời dân tộc. Saigon, tháng 6 năm 1965 VŨ HẠNH