Hai Bộ Thống Soái Trước Bàn Cờ Điện Biên Phủ

Hai Bộ Thống Soái Trước Bàn Cờ Điện Biên Phủ

Tác giả:
Thể Loại: Lịch Sử - Chính Trị
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com
PDFĐỌC ONLINE

Trong 9 năm chiến tranh xâm lược Đông Dương (1945-1954), cùng với 20 nội các lần lượt dựng lên đổ xuống, Pa-ri đã phải 7 lần thay tướng tổng chỉ huy quân viễn chinh. Trong lịch sử chiến tranh cổ kim đông tây, thật hiếm thấy một nước được coi là cường quốc đi xâm lược một nước nhược tiểu mà cứ trung bình khoảng 460 ngày lại một lần thay tướng, khoảng 160 ngày lại một lần khủng hoảng nội các ở “chính quốc”. Thậm chí có vị thủ tướng chưa kịp ngồi ấm chỗ đã cắp áo ra đi, đặc biệt là trong năm 1949 (ông May-ê (René Mayer) chỉ ngồi trên ghế thủ tướng được 7 ngày, ông Mốc (Jules Moch) được 12 ngày).

Nếu tưởng 4 sao Na-va (Henri Navarre – tổng chỉ huy thứ 7, cũng tức là tổng chỉ huy cuối cùng) ở vào thế thuận lợi là được Mỹ hào phóng viện trợ với mức cao nhất (gần 80% chiến phí), thì ông ta lại là viên tướng ít may mắn nhất, vì nhận chiếc gậy chỉ huy trong hoàn cảnh quân viễn chinh đã ở vào tình thế hết sức bi đát. Chẳng thế mà đúng dịp Na-va đến Sài Gòn nhậm chức, tờ báo Pháp Thế giới (Le Monde -21-5-1953) viết:

“Tướng Na-va nhận trọng trách vào lúc mà, lần đầu tiên trong giới quân sự, người ta không còn tin rằng Pháp có thể giành được một thắng lợi quyết định với Việt Minh”. Điều đó giải thích vì sao khi giao nhiệm vụ, thủ tướng Pháp chỉ đề ra cho tổng chỉ huy một yêu cầu rất thấp là “giúp chính phủ tìm một lối thoát danh dự để ra khỏi cuộc chiến tranh Đông Dương”.

Thế nhưng Na-va đã không biết mình biết người. Với tư tưởng chủ đạo “tiến công – chủ động tiến công”, ông ta quyết chơi “một ván bài toàn hồng”. Chỉ tiêu nêu trong kế hoạch chiến lược mang tên Na-va lớn hơn nhiều so với chỉ tiêu kế hoạch phát triển binh lực và mục tiêu tiến công của các vị tổng chỉ huy tiền nhiệm, kể cả kế hoạch của vị tướng cỡ đàn anh là Tat- xi-nhi hai năm trước. Đặc biệt là kết quả xây dựng binh lực trong vòng nửa năm của Na-va vượt xa thành tựu của bất kỳ tổng chỉ huy nào trước đó. Tham vọng tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta cũng như ý đồ đánh chiếm các vùng tự do ở Khu 5 và Khu 9 (được vạch ra trong kế hoạch) cũng lớn hơn bất kỳ kế hoạch chiến lược nào của 6 vị tổng chỉ huy trước.

Có thể bạn thích sách  Hoàng Đế Cuối Cùng

Làm thất bại ý đồ chiến lược của một viên tướng trẻ, đầy tham vọng, được coi là “có nhãn quan chiến lược sắc sảo” lại được Mỹ viện trợ hết mình, có trong tay một lực lượng quân sự lớn nhất so với 9 năm chiến tranh, là một bài toán chiến lược có tầm quan trọng đặc biệt đối với Bộ thống soái của ta. Cuộc đấu trí chiến lược diễn ra suốt gần 10 tháng, kể từ sau khi kế hoạch chiến lược của Na-va được Hội đồng quốc phòng ở Pa-ri chính thức thông qua (7-1953) rồi viên tổng chỉ huy Pháp tung ra những con bài đầu tiên của “ván bài toàn hồng”, đánh ra Ninh Bình (tháng 10) và ném quân dù xuống cánh đồng Mường Thanh (Điện Biên Phủ – tháng 11-1953), cho đến khi số phận tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được định đoạt tháng 5 năm 1954.

Dựa vào những hiểu biết ngày càng cụ thể về âm mưu và tham vọng chiến lược của bộ chỉ huy Pháp, Bộ thống soái của ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã chủ động đi từng nước cờ có tính chất quyết định số phận của kế hoạch chiến lược 18 tháng của Na-va.

Bước thứ nhất, trên cơ sở nhận định chỗ mạnh của địch là khối quân hàng trăm tiểu đoàn (trong đó có chừng 50 tiểu đoàn cơ động chiến lược) tập trung ở đồng bằng sông Hồng, hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương tháng 9 năm 1953 đề ra chủ trương tạm thời tránh chỗ mạnh đánh chỗ yếu, nhằm buộc địch phải phân tán lực lượng, tạo điều kiện để tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực của chúng, mở rộng vùng tự do, tiến lên giải phóng hoàn toàn Bắc Bộ. Thực hiện nghị quyết trên, trong đợt 1 của chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, quân ta không tiến công vào đồng bằng Bắc Bộ như phía Pháp mong đợi (vì là chiến trường địch mạnh), mà mở hàng loạt chiến dịch tiến công trên nhiều hưởng chiến lược trên chiến trường rừng núi (là nơi địch yếu và sơ hở) từ miền Bắc đến miền Nam và cả trên chiến trường nước bạn, đồng thời đẩy mạnh chiến tranh du kích trong vùng tạm bị chiếm trong phạm vi cả nước. Ta đã đạt được trọn vẹn yêu cầu chiến lược đề ra cho đợt 1. Cụ thể là đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai quan trọng trên chiến trường rừng núi và đặc biệt là đã làm cho khối cơ động chiến lược của địch bị chia năm sẻ bảy vì phải điều đi “chữa cháy” trên nhiều hướng. Đó là những bất ngờ chiến lược đầu tiên và cũng là những thất bại chiến lược đầu tiên của bộ thống soái Pháp. Quá trình không cưỡng nổi tình thế bị động và thất bại trong đợt 1 cũng là quá trình tướng Na-va quyết tâm dồn binh lực và mọi thứ vũ khí trang bị hiện đại lên Điện Biên Phủ, xây dựng trên cánh đồng Mường Thanh một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, với hy vọng bước tiếp theo sẽ đánh một kèo có ý nghĩa quyết định, “nghiền nát” chủ lực của đối phương, giành lấy “một tỷ số hòa” (như sau này ông ta viết trong hồi ký).

Có thể bạn thích sách  Lược Sử Nước Mỹ Thời Kỳ Tái Thiết 1863-1877 PDF EPUB

Về phía ta, trước yêu cầu chiến lược (cần thiết phải tiêu diệt tập đoàn cứ điểm – đập tan thủ đoạn phòng ngự mới nhất của địch) và đánh giá khả năng của bộ đội (có thể tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm), sang bước thứ hai, Bộ Chính trị đã từ chủ trương tạm thời tránh chỗ mạnh – đánh chỗ yếu chuyển sang chọn nơi mạnh nhất của địch lúc này là tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để mở chiến dịch tiến công. Mục tiêu mà quân ta phải tiêu diệt trong bước 2 là một quần thể công trình đã được quân địch xây dựng rất công phu từ mấy tháng trước, với đủ loại vũ khí trang bị hiện đại có thể huy động được và hơn một vạn quân tinh nhuệ đứng chân trong gần 50 cứ điểm rất kiên cố trên một cánh đồng rộng chừng 130 ki-lô-mét vuông.

Trước yêu cầu cả về quân sự, chính trị và ngoại giao lúc này, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp: Chỉ được đánh thắng.

Kết quả bước đấu trí đấu lực thứ hai này, như mọi người đã biết: ta thắng – địch thua. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử là thắng lợi của chủ trương chiến lược đúng đắn, thắng lợi của hậu phương hết mình chi viện tiền tuyến, thắng lợi của tinh thần chiến đấu vô cùng anh dũng, mưu trí, sáng tạo của từng cán bộ chiến sĩ trong suốt 55 ngày đêm thử thách quyết liệt và đặc biệt là thắng lợi của tư duy quân sự nhạy bén, phân tích khách quan, chính xác mọi khó khăn thuận lợi, làm cơ sở để chọn cách đánh phù hợp với thực tế so sánh lực lượng trên chiến trường, phù hợp với khả năng của bộ đội, để bảo đảm chắc thắng.

Có thể bạn thích sách  Việt Điện U Linh Tập

55 ngày đêm diễn biến trên chiến trường Điện Biên Phủ là đỉnh cao của cuộc đấu trí cuối cùng giữa hai bộ thống soái của ta và của địch trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp.

Những năm sau, trả lời một ký giả nước ngoài hỏi về tướng Na-va và Điện Biên Phủ, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã khẳng định rằng: Nếu không phải là Điện Biên Phủ mà là một nơi nào khác, nếu không phải là tướng Na-va mà là một viên tướng Pháp nào khác thì kết cục cũng như vậy mà thôi.

Vì sao vậy? Khi cuộc chiến tranh đã bước sang năm thứ 8 thì thể thua của Pháp đã rõ ràng.

Một sự trùng hợp lịch sử hết sức thú vị xin lưu ý bạn đọc là, ngày 7 tháng 5 năm 1953 sau khi được thống chế Gioăng (A. Juin) đích thân tiến cử, tướng Na-va được chính phủ Pháp tin cậy giao trọng trách sang cầm đầu quân viễn chinh ở Đông Dương. Một năm sau, cũng đúng ngày 7 tháng 5, ông ta đã phơi áo trên cảnh đồng Điện Biên (diễn đạt theo cách của ký giả Pháp và phương Tây). Nhưng họ quên không nói thêm rằng nếu tướng Na-va đã giúp chính phủ Pháp tìm ra một lối thoát danh dự thì “lối thoát” đó là cử ngay tướng Ê-ly (tổng tham mưu trưởng) sang Đông Dương để chuẩn bị đón đám tàn quân bại trận về nước.

TRẦN TRỌNG TRUNG