Gươm Thiêng Trấn Quốc

Gươm Thiêng Trấn Quốc

Tác giả:
Thể Loại: Lịch Sử - Chính Trị
Nguồn: https://thuviensach.vn
PDFĐỌC ONLINE

Sử chép: “Đầu thế kỷ 10, Giao Châu đại loạn. Dân chúng nổi dậy khắp nơi, đánh đuổi đám quan lại phương Bắc, cử Khúc Thừa Dụ lên làm Tiết Độ Sứ. “Khúc Thừa Dụ quê tại Hồng Châu – Hải Dương, là một hào phú nhân hậu được người khắp nước kính phục nhưng cầm quyền chưa tròn một năm đã từ trần. “Khúc Hạo nối chí cha, lo gấp rút xây dựng guồng máy tự chủ, việc còn dở dang lại lâm trọng bệnh qua đời, chuyển gánh nặng cho con là Khúc Thừa Mỹ. Thừa Mỹ nắm quyền sáu năm thì nhà Nam Hán cử Lý Khắc Chính đem quân sang đánh. Khắc Chính thắng trận, bắt được Khúc Thừa Mỹ, tái lập chế độ đô hộ, nhưng bộ hạ họ Khúc khắp 12 châu tiếp tục kháng cự, trong số có Dương Diên Nghệ-” ° ° ° Tiết Độ Sứ Lý Tiến tại An Nam Đô Hộ Phủ vừa áp chế bằng binh lực vừa dùng các cao thủ võ lâm phiêu bạt truy sát con cháu họ Khúc cùng những người chống đối. Trong khi đó, tại hai châu Hoan – Ái, Dương Diên Nghệ ráo riết tập trung binh lực quyết tái chiếm Đại La và giới võ lâm Giao Châu sôi sục chận đánh đám tay chân Lý Tiến. Chết chóc diễn ra khắp nơi, nhất là trên các trục lộ nối liền thành Đại La với hai châu Hoan – Ái. Người qua lại nơi này thường bị bất ngờ cuốn vào giữa vòng gươm dáo và trở thành nạn nhân của các cuộc chém giết đẫm máu. Chính vào thời điểm đó đã diễn ra câu chuyện về thanh gươm mang tên Lạc Hồng Thần Kiếm. ° ° ° Thanh gươm được nhắc tới từ rất lâu trước đó, thuở An Dương Vương khởi công xây dựng Cổ Loa thành. Tương truyền: “Các loài ma quái sợ hết đất dung thân khi thành xây xong nên họp nhau cản phá công việc của nhà vua. Từng đoạn thành dựng lên lúc ban ngày đều bị ma quái xô đổ vào đêm khuya khiến công việc kéo dài mãi trong cảnh dở dang. Cuối cùng, An Dương Vương phải cầu xin thần linh giúp sức. “Thần Kim Qui liền hiện ra đánh bạt hết ma quái, giúp hoàn tất việc xây thành. Trước khi chia tay, Thần tặng nhà vua một chiếc móng, dặn dùng làm nẫy nỏ và chỉ dẫn cách làm nỏ liên châu mỗi lần có thể bắn ra hàng vạn mũi tên”. Nhưng việc giữ nước không thể dựa vào một cây nỏ liên châu nên nhà vua vẫn lo lắng xin được Thần giúp đỡ. Thần bèn trao cho nhà vua một thanh gươm và nói: – Lưỡi gươm này có sức mạnh gào mưa thét gió, trừ sạch mọi hiểm họa trên đời. Lạc Long Quân nhờ nó mà mở mang bờ cõi cho giống nòi Lạc Việt, tạo dựng cơ đồ bền vững mấy ngàn năm của giòng họ Hồng Bàng. Nó có tên là Lạc Hồng Thần Kiếm và là vật báu trấn quốc của đất nước này. Thần nói thêm về đặc tính của thanh gươm: – Sức mạnh của gươm không nằm nơi nước thép mà nằm trong các bí quyết được khắc trên hai mặt gươm, một bên là Toàn Phương Kiếm Phổ, một bên là An Định Chân Kinh. Nhà vua không thể dùng gươm để xung trận nhưng có thể vận dụng những bí quyết trên để tạo một sức mạnh thần kỳ cho toàn cõi Lạc Việt này. Hãy y theo Toàn Phương Kiếm Phổ dạy nghề múa gươm cho ba quân và y theo An Định Chân Kinh để tu dưỡng bản thân, thực hành chính pháp. Làm như thế cho tới khi hòa được hồn mình theo hồn gươm thì người và gươm sẽ hội nhập thành nhất thể tỏa ra một uy lực khả dĩ dời non lấp biển, tạo nên vĩ nghiệp lấn át cả trăng sao. Khi đó, mối lo hiện nay của nhà vua không còn đáng kể nữa. An Dương Vương cúi đầu suy nghĩ hồi lâu rồi lên tiếng: – Muốn hòa theo hồn của gươm, cần phải làm gì? Thần đáp: – Cần phải nhận rõ hồn gươm và lấy hồn gươm làm hồn mình. – Hồn gươm là gì? – Gươm được hun đúc bằng khí thiêng sông núi trên toàn bờ cõi. Hồn gươm chính là hồn thiêng sông núi của đất nước này. – Làm cách nào để biến hồn thiêng sông núi thành hồn của mình? – Cách độc nhất là biến chính bản thân mình thành sông núi. Nhà vua băn khoăn đưa mắt nhìn về phía chân trời trong lúc Thần ngưng tiếng. Một cụm mây trắng lơ lửng treo giữa không trung in bóng xuống dòng Hoàng Giang uốn khúc quanh Cổ Loa thành. Một khắc im lặng trôi qua rồi nhà vua lên tiếng: – E rằng không dễ hiểu hết ngụ ý trong lời nói của Thần. Thần mỉm cười, cao giọng: – Không phải vì sông núi mà có sự sống. Trái lại, chính vì sự sống mà có sông núi. Sông núi là thành trì và sữa ngọt đối với sự sống. Đã trải mấy ngàn đời, sông núi phơi mình ngoài mưa nắng, miệt mài đổ sức nuôi giữ sự sống trong im lặng. Sông núi không bao giờ đòi được che chở, không bao giờ đòi được cung đốn mà luôn luôn sẵn sàng dâng hiến. Thần nhìn thẳng vào mắt nhà vua, chậm rãi: – Kẻ chỉ mưu tận hưởng tới cạn nguồn sữa ngọt và mải mê vun quén cho bản thân không bao giờ biến nổi thành sông núi. Giọng Thần sang sảng khiến nhà vua bất giác rùng mình, ngập ngừng hỏi: – Loại người nào có thể làm nổi điều Thần vừa nói? Thần đáp: – Đó là người đang ngồi trên ngai báu như nhà vua. Đó cũng là kẻ ở giữa đám đông đang trần lưng vác đất dưới chân thành kia. Nhà vua thắc mắc: – Kẻ vác đất dưới chân thành không có thần kiếm trong tay thì dù hòa nổi hồn mình theo hồn sông núi phỏng có ích gì? Thần nói: – Đây là điều mà ta muốn nhắc với nhà vua. Thần kiếm không khi nào chịu biến thành vật vô tri trong những bàn tay bất xứng. Thần kiếm sẽ tự rời khỏi tay kẻ không hòa nổi hồn mình vào hồn thiêng sông núi. Vẫn nhìn thẳng vào mắt nhà vua, Thần nhấn mạnh từng lời: – Ta vừa đặt thần kiếm vào tay nhà vua, nhưng ta không đủ uy lực buộc thần kiếm nằm mãi bên mình nhà vua. Điều này hoàn toàn tùy thuộc nhà vua quyết định. Dứt lời, Thần nghiêng mình chào và biến mất. ° ° ° An Dương Vương sao chép lại Toàn Phương Kiếm Phổ, dạy thuật dùng gươm cho ba quân tướng sĩ. Không bao lâu, khắp nước xuất hiện những kiếm thủ tài ba tuyệt thế. Nhà vua đứng trên thành cao nhìn về bốn phương bừng bừng hào khí. Dưới tay nhà vua là tinh binh mãnh tướng. Bên mình nhà vua là nỏ báu, kiếm thần. Xung quanh nhà vua, Cổ Loa thành sừng sững vách lũy dầy kiên cố sau hào sâu hiểm trở. Nhà vua hướng về phương Bắc nhếch miệng cười ngạo nghễ, phất tay ra dấu. Viên cận thần lập tức xoay về phiá bên hô lớn: – Tấu nhạc! Một loạt âm thanh rung lên. Tiếng tơ đồng quyện theo tiếng sáo chơi vơi dìu dặt rồi những giọng ca trong như tiếng ngọc vươn cao, vươn cao mãi. Nhà vua tựa mình vào thành kỷ, lim dim mắt dõi theo những tà áo màu thướt tha bay múa tựa hàng ngàn cánh bướm chập chờn nô giỡn. Viên cận thần quỳ xuống kính cẩn dâng chiếc ly ngọc chạm hình rồng phủ. Nhà vua đón ly, ngửa đầu uống cạn một hơi. Men rượu khiến nhà vua bừng nóng toàn thân trong một cảm khoái lâng lâng. Những cánh bướm đang chập chờn nô giỡn bỗng đồng loạt chuyển hình thành những tiên nga tuyệt sắc. Những khuôn mặt diễm lệ mê hồn, những tấm thân uốn mềm như tơ liễu dìu nhà vua cất cánh bay lên. Trong khoảnh khắc, nhà vua thấy mình chen giữa bày tiên nữ lơ lửng trên vùng trời ngập ánh hào quang của những vừng mây ngũ sắc. Tiếng nhạc bên tai nhà vua càng lúc càng thêm dặt dìu thánh thót. Nhà vua hết sức đẹp lòng, cất tiếng cười sảng khoái. ° ° ° Tiếng cười của nhà vua vang rền như sấm, chấn động khắp bốn phương. Thần Kim Qui đang ngủ say dưới đáy đại dương bỗng giật mình choàng tỉnh. Thần đánh tay xủ quẻ rồi kinh hãi, lật đật bơi về phía bờ biển Đông. Đúng lúc Thần Kim Qui choàng tỉnh giữa lòng biển cả thì tại Cổ Loa thành, An Dương Vương sa vào quỉ kế của Triệu Đà. Nhà vua chưa dứt cơn say, mãnh tướng chưa kịp mặc giáp, tinh binh chưa kịp cầm gươm thì kẻ thù phương Bắc tràn ngập các vách thành. Quân thù dồn lên như thác lũ trong lúc tả hữu hốt hoảng quỳ trước nhà vua nói không thành tiếng: – Muôn tâu, nỏ báu đã mất còn gươm thần không thấy đâu. Nhà vua đau đớn nhìn ra phía ngoài. Tiếng reo hò chiến thắng của kẻ thù dội tới thâm cung. Khắp nơi trong thành nội, những cột lửa đỏ bốc lên ngùn ngụt nhả khói vào vùng trời còn xanh thẳm buổi chiều qua. Nhà vua đờ đẫn nhìn khói đen dầy đặc đang tỏa rộng che rợp Cổ Loa thành, bên tai văng vẳng giọng năn nỉ tuyệt vọng của tả hữu: – Xin nhà vua cùng công chúa rời ngay hoàng cung chạy về biển Đông lánh nạn. Tương truyền: “Tại bờ biển Đông, Thần Kim Qui đang chờ sẵn. Thần lặng lẽ ngậm ngùi rẽ sóng mở lối cho nhà vua bước sâu vào lòng biển cả”. Từ đó, cuộc truy tầm tung tích Lạc Hồng Thần Kiếm bắt đầu và kéo dài căng thẳng từng ngày.

Nguồn: https://thuviensach.vn