Vào quãng thời gian Microsoft bắt đầu thành công, lúc cả thế giới bắt đầu biết đến tên tuổi con trai tôi, mọi người từ các phóng viên ở tạp chí Fortune cho đến cô thu ngân ở cửa hiệu tạp phẩm trong vùng đều hỏi tôi: “Làm thế nào ông nuôi dạy được một người con như thế? Bí quyết gì vậy?”
Những lúc ấy tôi bụng bảo dạ: “Ồ, hóa ra đúng là một bí mật đấy nhỉ… vì chính mình cũng đâu có biết ất giáp gì!”
Lúc cậu ta chưa chào đời, cả nhà đều biết rằng nếu đứa bé là con trai thì sẽ được đặt tên là “Bill Gates III” (đệ tam). Bà ngoại và bà cố ngoại của cậu đều nghĩ đến sự phiền toái khi có hai người tên Bill trong cùng nhà. Vốn mê đánh bài lâu năm, các cụ ngỏ ý nên gọi thằng bé là “Trey” một từ mà những ai sành chơi bài cũng biết là tiếng lóng để chỉ lá ba nút.
Lúc nhỏ, có lẽ Trey đọc sách nhiều hơn bao đứa trẻ khác và thường xuyên làm mọi người ngạc nhiên bởi những ý nghĩ của mình về nguyên lý hoạt động của thế giới xung quanh. Hoặc về trí tưởng tượng đối với mọi thứ có thể diễn ra trên đời.
Cũng như những đứa trẻ khác cùng trang lứa, cậu ta mê khoa học viễn tưởng. Cậu tò mò và suy tư về những thứ mà người lớn xem là nghiễm nhiên hoặc quá bận rộn để quan tâm.
Mary, mẹ cậu và tôi thường bông đùa về việc Trey đôi khi di chuyển chậm chạp và thường trễ nải.
Dường như mỗi khi chuẩn bị đi đâu đó, lúc mọi người trong gia đình đã yên vị trên xe – hoặc ít nhất đang mặc áo khoác, thì lại có ai đó phải lên tiếng, “Trey đâu rồi nhỉ?”
Rồi một ai khác sẽ đáp: “Trong phòng của nó chứ ở đâu.”
Phòng của Trey nằm ở tầng hầm của ngôi nhà, nửa chìm nửa nổi cao hơn mặt đất với một khung cửa chính và cửa sổ nhìn ra sân. Cho nên mẹ cậu thường gọi: “Trey, con đang làm gì dưới đó?”
Có lần Trey đáp: “Con đang suy nghĩ, mẹ. Bố mẹ không bao giờ suy nghĩ à?”
Bạn hãy hình dung chính mình đang ở địa vị của tôi. Tôi đang trải qua những năm cao điểm trong đời làm luật sư. Tôi là một người bố, một người chồng, làm tất cả mọi việc mà các bậc cha mẹ trong gia đình phải làm. Vợ tôi, Mary, vừa nuôi dạy ba đứa con, vừa làm thiện nguyện cho tổ chức United Way và cáng đáng hàng triệu thứ việc khác. Thế mà thằng con mình hỏi mình có bao giờ dành thời gian để suy nghĩ hay không.
Lúc ấy vợ chồng tôi khựng lại nhìn nhau. Rồi chúng tôi đồng thanh đáp: “Không!”
Tuy nhiên, giờ đây tôi đã có gần nửa thế kỷ để suy ngẫm lại câu hỏi của con trai, tôi muốn đính chính lại câu trả lời.
Vâng, tôi có suy nghĩ. Tôi suy nghĩ về nhiều điều.
Chẳng hạn, về kinh nghiệm bản thân khi gây dựng một gia đình, tôi nghĩ về những thách thức mà hầu hết các bậc bố mẹ phải trải qua khi lập gia đình và nuôi dạy con cái. Chúng ta được huấn luyện một cách chính thức rất ít ỏi để đảm nhiệm vai trò này, thế mà đó lại là những vai trò khó khăn và quan trọng nhất mà chúng ta phải gánh vác.
Tôi nghĩ về những bất công trên đời và nghĩ về những cơ hội chúng ta có được để sửa chữa những điều đó, các cơ hội mà trước đây chúng ta chưa bao giờ có được trong lịch sử nhân loại.
Tôi cũng nghĩ về những vấn đề ít đáng quan tâm khác, chẳng hạn như khi nào thì đội tuyển của Đại học Washington lọt được vào vòng trong của giải bóng Rose Bowl.
Dạo gần đây, tôi lại thắc mắc xem có ý nghĩ nào trong số đó đáng để chia sẻ với người khác hay không.
Tôi nhận ra rằng tôi đã có duyên được gặp nhiều con người nổi bật mà câu chuyện của họ có lẽ sẽ là nguồn cảm hứng và bài học hữu ích đối với những người khác.
Ngoài ra, khi ngẫm nghĩ lại về cuộc sống gia đình lúc con cái chúng tôi còn nhỏ, tôi chợt thấy những kinh nghiệm của mình biết đâu lại có ích hoặc ít ra cũng thú vị đối với các gia đình khác.
Có một bài học mà tôi đã học được trong suốt nhiều năm làm cha, làm luật sư, làm một nhà hoạt động phong trào và làm một công dân – một bài học vượt trên mọi bài học khác mà tôi hy vọng sẽ chuyển tải được qua những trang sách này. Bài học đơn giản thôi: hết thảy chúng ta đều cùng có mặt trên cõi đời này và chúng ta cần nhau.
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com