Trong những năm gần đây, Nông nghiệp Việt Nam đã có những bước nhảy vọt, tăng trung bình 1,2 triệu tấn/năm đưa bình quân lương thực đầu người từ 370kg năm 1995 lên 435 kg năm 2000. Năm 1999 nước ta đã xuất khẩu trên 4,5 triệu tấn gạo. Các mặt hàng khác như cà phê, điều, cao su, chè, lạc và đặc biệt là hồ tiêu ngày một gia tăng giá trị xuất khẩu.
Tuy nhiên, để hướng tới một nền nông nghiệp hàng hóa điều cơ bản phải nâng cao chất lượng nông sản thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học bằng biện pháp sử dụng giống mới, quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến và đẩy mạnh công nghệ bảo quản và chế biến sau thu hoạch.
Việc tăng tổng sản lượng cây trồng phụ thuộc vào hàng loạt các yếu tố về quản lý, về chế độ chính sách, về đầu tư… trong đó cần đặc biệt chú ý đến vai trò của khoa học và công nghệ. Ở một số nước trong khu vực và trên thế giới tỷ lệ đóng góp của khoa học công nghệ làm tăng tổng sản lượng chiếm từ 35 đến 60%. Trong khi ở Việt Nam, tỷ lệ này đạt khoảng trên dưới 30%, trong đó yếu tố giống biến động từ 20 đến 30%. Trong những trường hợp cá biệt yếu tố giống có thể chiếm tỷ lệ tới 80% trong các giải pháp về khoa học và công nghệ.
Trong cuốn sách này, tác giả xin giới thiệu một số giống mới thuộc các nhóm cây trồng khác nhau hiện đang được trồng phổ biến hoặc các giống rất có triển vọng ở một số vùng sinh thái khác nhau. Hy vọng sẽ đáp ứng một phần nào thông tin về giống cây trồng cho một số địa phương trong cả nước.
Vì khuôn khổ cuốn sách có hạn, chúng tôi không thể liệt kê toàn bộ danh sách các giống cây trồng mới trong giai đoạn 1990 – 2000 tại Việt Nam. Những yêu cầu cụ thể xin liên hệ với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam theo địa chỉ:
Xã Vĩnh Quỳnh – Huyện Thanh Trì – Hà Nội.
Fax: 861 3937, E-mail: [email protected].
Nhân đây cho phép tác giả được tỏ lòng cảm ơn đến Nhà xuất bản Nông nghiệp và Công ty phát hành sách Đà Nẵng đã tạo điều kiện để cuốn sách đến với bạn đọc trong cả nước.
TÁC GIẢ