Xécgây Ghêôrơghiêvích Giêmaichixơ là một nhà văn chuyên viết về đề tài biển. “Gió vĩnh cửu” – là tác phẩm khoa học viễn tưởng đầu tiên của ông. Khi đánh giá về cuốn sách này giáo sư I.A.Êphơrêmốp đã viết: “Cuốn truyện khoa học viễn tương “Gió vĩnh cửu” là sự kết hợp giữa đề tài về biển với bức tranh khoa học viễn tưởng trong tương lai. Khác với nhiều truyện khoa học viễn tưởng của các tác giả khác như Giuyn Vécnơ với cuốn “Hai vạn dặm dưới biển”, G.B.Ađamôp với “Bí mật hai đại dương”, A.Beliaép với “Người cá” v. v… “Gió vĩnh cửu” của Giêmaichixơ nói lên không khí lao động tươi vui của những người nghiên cứu và khai thác biển vì lợi ích của xã hội cộng sản. Nơi diễn ra các sự kiện chính là Ấn Độ Dương, trên một hòn đảo nhân tạo nằm giữa vùng nước ấm trong suốt. Sống quanh đảo là những đenphin thông minh, hiểu biết con người. Đenphin làm nhiệm vụ chăn cá voi, bảo vệ cá voi khỏi bị lũ cá mập và cá kình tấn công và giúp con người nghiên cứu biển sâu huyền bí, nơi sinh sống của loài nhuyễn thể khổng lồ. Người đọc không thể không thú vị về tình bạn giữa con người và đenphin, một mối quan hệ giống như của những sinh vật có tri thức. Những miêu tả về việc chăm sóc cá voi, về cuộc đấu tranh với tên kẻ cướp – cá kình Giéc Đen thật là sinh động. Quan hệ tốt đẹp giữa những con người trong xã hội không có giai cấp làm cho các nhân vật trở nên đáng yêu, ngay cả cô gái Biata, nhân vật nữ trong truyện, say mê nghiên cứu các vì sao cũng không đối lập với hai người bạn yêu cô là những nhân viên của trạm đại dương. Biata đến đảo như đi dự hội, cô hết sức vui mừng được gặp lại Trái Đất và biển cả. Truyện của Xécgây Ghêôrơghiêvích Ghêmaichixơ làm cho người đọc có cảm giác như thấy được vùng biển đượm ánh nắng trời, thấy được niềm vui của lao động vất vả, hữu ích trong tương lai trên cơ sở những quan hệ tốt đẹp với mọi loài vật nói chung, không phải chỉ riêng với đen phin có tri thức. Giáo sư I. A. Êphơrêmốp cho rằng “Gió vĩnh cửu” rõ ràng là một thành công của tác giả và cuốn sách này được xuất bản sẽ là một món quà tốt cho các độc giả trẻ tuổi.*** Những đenphin dẫn đường cho chiếc tàu “Chim quân hạm” của chúng tôi về đảo. Đó là một dải cát hẹp uốn cong như vành khăn. Từ đây đến đó cũng còn vài hải lý nữa, bây giờ chỉ nhìn thấy nó từ đỉnh ngọn sóng cao thôi. Bãi cát sáng lóa. Những cây dừa rập rờn như trong ảo ảnh. Lần đầu tiên đenphin cho chúng tôi biết hòn đảo nhỏ này. Hòn đảo bị những dải đá ngầm hiểm trở bao quanh. Chỉ có mình Tavi và Prôtây biết con kênh ngoằn ngoèo xuyên qua rừng san hô và đá ngầm. Biata và Vêra đứng thẳng người lên ngắm nhìn hòn đảo đang như tiến lại gần chúng. Biata nói: – Đúng là một chiếc bánh mì vòng xinh xắn làm sao! Côxchia ra vẻ người dẫn đường sành sỏi kể cậu ta được biết gì về hòn đảo nhỏ này là do bản đồ hoa tiêu và nguồn cảm hứng thúc đẩy. – “Chiếc bánh mì vòng” thuộc quần đảo san hô. Nó có cái tên chính xác hơn là “Trạm dừng chân của ba gã lưu lạc”. – Sao lại không phải là bốn? – Vêra hỏi.