Nghiên cứu và học tập Tư pháp quốc tế đòi hỏi sự kiện trì, dày công và cũng gặp không ít khó khăn. Bởi lẽ, trước khi nghiên cứu và học tập môn Tư pháp quốc tế học viên phải nắm khá vững các kiến thức về Lý luận nhà nước và pháp luật (nhất là hiệu lực của các quy phạm pháp luật trong không gian và thời gian); kiến thức cơ bản của Công pháp quốc tế, Luật dân sự, Luật thương mại, Luật hôn nhân và gia đình, Luật lao động và Luật tố tụng dân sự. Mặt khác, Tư pháp quốc tế là một ngành khoa học pháp lý còn rất mới, được hình thành cách đây không lâu không chỉ riêng ở nước ta mà cả ở các nước khác trên thế giới. Do đó, nó có rất nhiều quan điểm và quan niệm khác nhau. Cuốn giáo trình này, tập thể tác giả chỉ dừng lại nghiên cứu các quan điểm cơ bản, khá chính thống về Tư pháp quốc tế ở Việt Nam cũng như trên thế giới, giới thiệu một cách cơ bản, có hệ thống của Tư pháp quốc tế Việt Nam.
Giáo trình này nhằm giúp sinh viên các trường đại học luật, các cán bộ pháp lý, nghiên cứu sinh và giáo viên luật dùng làm tài liệu học tập và tham khảo.
Do điều kiện biên soạn và thời gian nghiên cứu có hạn nên tài liệu không tránh khỏi những khiếm khuyết nhất định. Chúng tôi mong nhận được sự đóng góp, xây dựng bổ ích của các bạn để biên soạn lần sau hoàn thiện hơn, đáp ứng tốt hơn lòng mong mỏi của các bạn.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI