Chúng ta đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ của công nghệ, thiết bị tiên tiến và hiện đại, nhưng con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất và không thể thay thế được. Nguồn nhân lực của một tổ chức bao gồm kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, phẩm chất, óc sáng tạo, nhiệt huyết… của tập thể người lao động, từ cấp cao nhất đến cấp cơ sở, vẫn là yếu tố quyết định thực hiện thắng lợi các mục tiêu của tổ chức.
Quản trị nhân lực, hay quản lý nguồn nhân lực là một trong các môn học cơ bản về quản lý người lao động trong các tổ chức nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. Nó cung cấp cơ sở lý luận cơ bản nhất cho các nhà quản lý để quản lý người lao động nhằm đạt được các mục tiêu để ra.
Để nghiên cứu môn học này có kết quả, người học cần được trang bị các kiến thức kinh tế và kỹ thuật cơ bản như: Kinh tế vĩ mô, kinh tế vi mô, kinh tế chính trị, quản trị học và một số môn kỹ thuật – công nghệ… Sau khi nghiên cứu môn học “Quản lý nguồn nhân lực trong tổ chức” người học sẽ thu nhận được các khái niệm, nội dung cơ bản của hoạt động quản lý nhân lực từ lúc hình thành nguồn nhân lực đến việc tổ chức sử dụng có hiệu quả và phát triển nguồn nhân lực đó. Không chỉ biết được những thách thức đối với công tác quản lý nhân lực trong một môi trường đầy biến động với các yếu tố khoa học, kỹ thuật, kinh tế và xã hội ngày càng phát triển, người học còn có cơ hội tham khảo kinh nghiệm về quản trị nhân lực trong và ngoài nước. Trên cơ sở nằm vững phương pháp và công cụ quản trị nhân lực, người học chắc chắn có thể vận dụng kinh nghiệm thực tiễn quản lý nguồn nhân lực trong tổ chức vào thực tế sản xuất kinh doanh của đơn vị mình… Đối với sinh viên, đây chính là sự chuẩn bị tích cực nhất những kiến thức về quản trị nhân lực và tự tin bước vào cuộc sống nghề nghiệp ở phía trước.
Trong quá trình biên soạn giáo trình, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ của Khoa Kinh tế Quản lý nguồn nhân lực – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Khoa Kinh tế và Quản lý – Trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh – Viện Đại học mở Hà Nội, đồng thời cũng nhận được sự góp ý chân thành của PGS.TS. Nguyễn Tiệp. PGS. Lê Thanh Hà – Trường Đại học Lao động Xã hội.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong khi biên soạn, song giáo trình chắc chắn không tránh khỏi những khiếm khuyết, chúng tôi rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của các đồng nghiệp và bạn đọc để giáo trình được hoàn thiện hơn trong lần tái bản sau.