Học phần Nuôi trồng thủy sản đại cương trong nhiều năm qua cho các ngành học ở các trường đại học thuộc Nông nghiệp, Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chiếm từ 3 đến 4 tín chỉ. Số giờ lý thuyết chiếm khoảng 70-75% so với thời lượng môn học. Trong khung chương trình mới, học phần Nuôi trồng Thủy sản gồm 45 tiết, tương đương 3 tín chỉ ở Trường đại học Nông Lâm Huế và 30 tiết ở Trường đại học Kinh tế Huế. Tuy vậy, kiến thức lý thuyết và thực hành nuôi trồng thủy sản ở một số tài liệu chưa đáp ứng với thực tiễn sản xuất và phù hợp với các loại hình đào tạo khác nhau.
Trong vài thập kỷ gần đây, với những thành tựu mới của các ngành thủy sản, công nghệ sinh học và bệnh thủy sản, nhiều vấn đề đang được đặt ra, nhất là các qui trình và mô hình nuôi với năng suất cao và chất lượng thịt tốt nhưng vẫn đảm bảo được tính bền vững của nó. Môn học Nuôi trồng thủy sản đại cương cần thiết phải ứng dụng cả những kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn từ các nghiên cứu khoa học; giống; đặc điểm sinh học và sinh lý của từng loài; dinh dưỡng và thức ăn; công tác quản lý và tổ chức; an toàn sinh học và thực phẩm; môi trường tốt… Thành tựu của các môn học khác đã thúc đẩy sự cải tiến và cập nhật các kiến thức và kinh nghiệm vào trong nuôi trồng thủy sản. Cuốn giáo trình này được biên soạn để giảng dạy cho sinh viên bậc đại học thuộc khối nông nghiệp và kinh tế nông nghiệp, đồng thời là tài liệu tự học để nâng cao trình độ cho các cán bộ thủy sản không chuyên đã tốt nghiệp các trường trung học nông nghiệp và thủy sản mà chưa được học đại học và cũng là tài liệu tham khảo cho các cán bộ khuyến ngư và những người quan tâm đến nuôi trồng thủy sản.
Cuốn sách không những cung cấp cho sinh viên những kiến thức đại cương, những nguyên lý và kinh nghiệm nuôi trồng, mà còn hướng dẫn các qui trình nuôi cho từng loài và đối tượng khác nhau trong các hệ thống nuôi trồng thủy sản khác nhau, đặc biệt là cách nhìn nhận về thực tế nuôi trồng ở Việt Nam và hướng giải quyết như thế nào để nâng cao hiệu quả nghề nuôi và khẳng định vai trò quan trọng của nuôi trồng thủy sản trong kinh tế nông hộ và kinh tế quốc gia ở nước ta. Cuốn sách này hoàn thành bởi sự tham gia:
Chương 1 và chương 4: PGS.TS. Nguyễn Quang Linh
Chương 2: ThS. Tôn Thất Chất, ThS. Nguyễn Phi Nam và Nguyễn Quang Linh
Chương 3: ThS. Lê Văn Dân và Nguyễn Quang Linh
Chương 5: ThS. Nguyễn Phi Nam và Nguyễn Quang Linh
Chương 6: ThS. Tôn Thất Chất
Chủ biên giáo trình: PGS.TS. Nguyễn Quang Linh
Trong quá trình hoàn thành cuốn sách, chúng tôi đã nhận được sự cộng tác và giúp đỡ của nhiều đồng nghiệp, đặc biệt là các cán bộ giảng dạy trong khoa Thủy sản, Trường đại học Nông Lâm Huế. Chúng tôi muốn cảm ơn đến các đồng nghiệp là các PGS. Nguyễn Chính, chuyên gia động vật thân mềm, tiến sĩ Martin Kumar chuyên gia công nghệ sinh học và hệ thống nuôi trồng thủy sản (Viện Nghiên cứu thủy sản Nam Úc). Giáo trình đã được hoàn thành với sự nỗ lực lớn của các tác giả, nhưng chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót, chúng tôi rất mong được sự đóng góp ý kiến của bạn đọc trong quá trình sử dụng tài liệu này.