Nhiệt động kỹ thuật là môn khoa học nghiên cứu những quy luật khách quan về năng lượng mà chủ yếu là quá trình biến đổi giữa nhiệt và công. Để phù hợp với nội dung đào tạo của các trường Đại học kỹ thuật khối công trình, cuốn Nhiệt động kỹ thuật được biên soạn lần này đã bổ sung những nội dung khoa học về các phương pháp sử dụng năng lượng có hiệu quả trong hệ thống thiết bị công trinh.
Đứng trước những thách thức về sự cạn kiệt các nguồn nhiên liệu hoa thạch và vấn đề ô nhiễm môi trường, Nhiệt động kỹ thuật đã không ngừng nghiên cứu hoàn thiện về nguyên lý và công nghệ để nâng cao hiệu quả sử dụng nhiệt, giảm tiêu thụ điện trong máy lạnh…, đó là những giải pháp tích cực trong mục tiêu tiết kiệm năng lượng. Bằng phương pháp phân tích khoa học Nhiệt động kỹ thuật có thể chỉ ra các giải pháp sử dụng năng lượng một cách hợp lý và có hiệu quả trong hệ thống kỹ thuật công trình như: Cấp Nhiệt – Lạnh đồng thời bằng máy lạnh thu hồi nhiệt hoặc sử dụng chu trình ghép trong hệ thống điều hoà không khí, cấp nước nóng bằng bơm nhiệt… Trong thời gian gần đây nhiệt động kỹ thuật đã chú ý nghiên cứu khả năng sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo (bức xạ mặt trời, nhiên liệu sinh khối, địa nhiệt…) để có thể tiết kiệm các nguồn nhiên liệu hoá thạch và hạn chế hiện tượng ô nhiễm nhiệt ở quy mô toàn cầu, góp phần bảo vệ môi trường trong chiến lược phát triển bền vững.
Theo xu hướng phát triển và hội nhập, cuốn sách đã trình bày đầy đủ những nội dung khoa học cơ bản và cập nhật những thông tin kỹ thuật cần thiết cho các ngành kỹ thuật công trình, năng lượng và môi trường… và bổ sung chương Tiết kiệm năng lượng trong công trình theo định hướng Quy chuẩn xây dựng Việt Nam 09/2005 – Công trình xây dựng sử dụng năng lượng có hiệu quả – để nội dung môn học không xa lạ với thực tiễn phát triển của ngành xây dựng và có thể đáp ứng được những yêu cầu đổi mới theo định hướng cải cách giáo dục đại học trong giai đoạn hiện nay.
Cuốn Nhiệt động kỹ thuật biên soạn lần này được sử dụng làm giáo trình giảng dạy và học tập cho sinh viên các ngành Hệ thống thiết bị công trình, Năng lượng và môi trường. Vật liệu xây dựng… của trường Đại học Xây dựng và có thể là tài liệu tham khảo cho các trường đại học kỹ thuật khác như: Giao thông – Vận tải, Mỏ địa chất, Hàng hải…