Pháp luật thương mại quốc tế là một công cụ chiến lược để Việt Nam chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Việc đào tạo một đội ngũ cán bộ, chuyên gia có đủ phẩm chất và năng lực, nắm vững và vận dụng thích ứng pháp luật thương mại quốc tế trong quá trình hợp tác kinh tế thương mại với nước ngoài là một trong những khâu có ý nghĩa quyết định. Các văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước Việt Nam gần đây như Nghị quyết số 07/NQ-TW ngày 27/11/2001 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam về hội nhập kinh tế quốc tế và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 37/2002/QĐ-TTg ngày 14/3/2002 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 07 đã chỉ rõ: “Các Bộ, ngành cần xây dựng các kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, cán bộ quản lý, các luật sư am hiểu luật pháp quốc tế và hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như hội nhập kinh tế quốc tế”. Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ cũng đã xác định: “Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Ban Khoa giáo Trung ương, Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế và Bộ Thương mại lồng ghép nội dung Hiệp định vào chương trình giảng dạy về hội nhập kinh tế quốc tế ở các trường Đảng, trường Hành chính, trường đại học và cao đẳng, chú trọng đào tạo đội ngũ luật sư thương mại kinh tế quốc tế.
Như vậy có thể thấy rằng hiểu rõ “luật chơi” trong hội nhập kinh tế quốc tế là vấn đề thật cần thiết và có ý nghĩa đối với Việt Nam hiện nay. Việc giảng dạy pháp luật thương mại quốc tế cần được quan tâm hơn lúc nào hết.
Giáo trình Luật Thương mại Quốc tế của Khoa Luật Kinh tế, Đại học Kinh tế Quốc dân xuất bản vào năm 1999, là Giáo trình đầu tiên ở Việt Nam về môn học này. Trong lần biên soạn Giáo trình mới này, các tác giả đã cố gắng cập nhật các quy định mới về pháp luật thương mại quốc tế và Việt Nam để giới thiệu môn học một cách có hệ thống hơn. Giáo trình do TS. Trần Thị Hoà Bình và TS. Trần Văn Nam đồng chủ biên, tham gia biên soạn gồm có:
Chương I: PGS. Nguyễn Hữu Viện và TS. Trần Văn Nam.
Chương II: TS. Nguyễn Hợp Toàn và Th.S Nguyễn Vũ Hoàng.
Chương III, VI và VIII: TS. Trần Thị Hoà Bình và TS. Trần Văn Nam.
Chương IV và V: GSTS. Hoàng Văn Châu và TS. Vũ Trọng Lâm.
Chương VII: PGS. Nguyễn Hữu Viện và TS. Dương Thanh Mai.
Chúng tôi mong nhận được những ý kiến đóng góp của tất cả các bạn trong quá trình sử dụng để có thể tiếp tục hoàn thiện giáo trình trong lần xuất bản sau.
KHOA LUẬT KINH TẾ
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com