Bằng con mắt nhạy cảm, nhiều nhà lý luận cho rằng, mỹ học ngày nay đang trở thành một khoa học hữu hiệu, tác động mạnh tới nhiều khoa học khác. Trong việc giải quyết những vấn đề cơ bản, văn hóa học tiếp cận mỹ học. Tri thức mỹ học là chiếc cầu nối triết học với nghệ thuật và văn hóa học. Cho nên nhiều nhà lý luận coi mỹ học là triết học của nghệ thuật.
Lịch sử mỹ học thực tế đã trải qua một chặng đường dài, tất nhiên không thể bằng phẳng. Nó hình thành và phát triển cùng với sự hình thành và phát triển của đời sống con người, đặc biệt là đời sống văn hóa nghệ thuật.
Nếu những thành tựu nghiên cứu khoa học đã không ngừng làm biến đổi thế giới quan của chúng ta, thì những biến đổi diễn ra trong cuộc sống cũng như trong quan niệm của con người về thực tại và về nghệ thuật cũng được phản ánh rất đầy đủ trong Lịch sử mỹ học.
Đánh giá con người hiện đại, thế giới chú ý đến hai năng lực: IQ = (Intelligence Quotient) = trí tuệ, EQ (Emotional Quotient) = cảm nhận. Muốn khám phá năng lực EQ, có thể dõi theo quá trình sinh thành và phát triển của nó qua Lịch sử mỹ học.
Phạm vi của các vấn đề thuộc Lịch sử mỹ học là rất rộng, bao quát nhiều khía cạnh của đời sống tinh thần – tình cảm của con người. Do đó, trong khi cố gắng đề cập các mặt cơ bản của mỹ học qua các thời đại, cuốn sách tập trung vào bốn vấn đề chính:
1) Lịch sử của cái đẹp qua một số chặng đường chính.
2) Lý tưởng thẩm mỹ của các thời đại chủ yếu.
3) Các tác gia tiêu biểu trong dòng chảy mỹ học.
4) Quan hệ giữa lý luận mỹ học với nghệ thuật thời đại.
Cuốn sách do tập thể tác giả: NGƯT.TSKH. Đỗ Văn Khang (Chủ biên) với sự cộng tác của GS.TS. Đỗ Huy, TS. Nguyễn Thu Nghĩa và ThS. Đỗ Thị Minh Thảo.
Các tác giả chân thành cảm ơn ý kiến đóng góp của bạn đọc để cuốn sách ngày càng hòan thiện hơn.
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com