Cuốn giáo trình này được biên soạn theo đúng đề cương chi tiết môn học đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê chuẩn. Thời gian học môn học này là 60 tiết trong đó có 10 tiết thực hành trên máy. Tác giả là người đã trực tiếp giảng dạy lập trình Pascal trong nhiều năm cho sinh viên chuyên tin và sinh viên các ngành khác.
Đối tượng sử dụng giáo trình là sinh viên chuyên ngành Tin học hệ đại học chính quy, tuy nhiên giáo trình cũng có thể sử dụng như là một tài liệu tham khảo cho sinh viên chuyên Tin hệ cao đẳng và những người muốn nghiên cứu nâng cao về lập trình.
Mục đích biên soạn cuốn giáo trình là cung cấp cho người đọc một tài liệu đơn giản, cô đọng những kiến thức về lập trình nâng cao. Người đọc có thể tự học mà không nhất thiết phải có thày hướng dẫn.
Giáo trình bao gồm 6 chương và 4 phụ lục.
Chương 1: Chương trình con – Thủ tục và hàm, sinh viên đã được học qua trong chương trình Tin học đại cương, do vậy ở đây chủ yếu đi sâu vào khái niệm tham số, cách thức mà hệ thống dành bộ nhớ cho việc lưu trữ các tham số và việc gọi chương trình con từ chương trình con khác.
Chương 2: Các kiểu dữ liệu có cấu trúc, tập trung vào các kiểu dữ liệu mà sinh viên chưa được học như bản ghi có cấu trúc thay đổi, tập hợp..
Chương 3: Đơn vị chương trình và thư viện chuẩn, là chương chưa được học ở Tin học đại cương, ở đây hướng dẫn cách thiết kế các Đơn vị chương trình (Unit), cách thức sử dụng các Unit và tạo lập thư viện chương trình .
Chương 4: Con trỏ và cấu trúc động, là một chương khó, vì nó vừa liên quan đến
quản lý bộ nhớ, vừa liên quan đến kiến thức của môn học Cấu trúc dữ liệu và Giải thuật do vậy trong chương này đã trình bày nhiều ví dụ để người đọc tham khảo.
Chương 5: Giải thuật đệ quy, được trình bày “hơi dài dòng” do đặc thù của tính đệ quy. Bài toán Tháp Hanoi được mô tả khác hoàn toàn so với tất cả các sách về Pascal đã có. Chương 6: Đồ hoạ, ngoài việc giới thiệu các thủ tục vẽ thông thường, còn dành một phần trọng tâm cho việc xử lý ảnh Bitmap. Trong chương này có sử dụng một vài ví dụ của các tác giả khác (xem phần tài liệu tham khảo) nhưng đã được cải tiến đi rất nhiều.
Phụ lục 1: Bảng mã ASCII Phụ lục 2: Tóm tắt các thủ tục và hàm của Turbo Pascal 7.0
Phụ lục 3: Định hướng biên dịch
Phụ lục 4: Thông báo lỗi
Các phụ lục đưa ra nhằm giúp người lập trình tiện tra cứu các thủ tục, hàm và xử lý các lỗi khi Pascal thông báo lỗi trên màn hình Do phải bám sát đề cương và sự hạn chế về số trang tác giả nên trong giáo trình chưa đưa vào được phần xử lý âm thanh, lập trình hướng đối tượng… Việc biên soạn lần đầu không thể tránh được thiếu sót, tác giả mong nhận được sự góp ý của bạn đọc và đồng nghiệp để lần xuất bản sau sẽ tốt hơn. Mọi góp ý xin gửi về địa chỉ:
Bộ môn Công nghệ Phần mềm, Khoa Công nghệ Thông tin, Đại học Nông nghiệp I, Trâu quỳ, Gia lâm, Hà nội. Xin trân trọng cảm ơn.
Hà nội, tháng 5 năm 2005
Ts. Dương Xuân Thành
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com