Giáo trình kỹ thuật sửa chữa ôtô, máy nổ được biên soạn theo đề cương do Vụ THCN – DN, Bộ Giáo dục & Đào tạo xây dựng và thông qua. Nội dung được biên soạn theo tinh thần ngắn gọn, dễ hiểu. Các kiến thức trong toàn bộ giáo trình có mối quan hệ lôgic chặt chẽ. Tuy vậy, giáo trình cũng chỉ là một phần trong nội dung của chuyên ngành đào tạo cho nên người dạy, người học cần tham khảo thêm các giáo trình có liên quan đối với ngành học để việc sử dụng giáo trinh có hiệu quả hơn.
Khi biên soạn giáo trình, chúng tôi đã cố gắng cập nhật những kiến thức mới có liên quan đến môn học và phù hợp với đối tượng sử dụng cũng như cố gắng gắn những nội dung lý thuyết với những vấn đề thực tế thường gặp trong sản xuất, đời sống để giáo trình có tính thực tiễn.
Nội dung của giáo trình được biên soạn với dung lượng 160 tiết, gồm các chương:
Chương 1: Khái quát về ôtô
Chương 2: Nguyên lý làm việc của động cơ đốt trong
Chương 3: Các hệ thống cung cấp nhiên liệu của động cơ đốt trong
Chương 4: Các cơ cấu chính và các hệ thống bôi trơn, làm mát động cơ
Chương 5: hệ thống truyền động (truyền lực) của ôtô
Chương 6: Các hệ thống lái, phanh và bộ phận di động
Chương 7: Hệ thống điện ôtô
Chương 8: Các phương pháp đánh giá hư hỏng động cơ không tháo máy
Chương 9: Các phương pháp kiểm tra chi tiết khi tháo máy
Chương 10: Gia công sửa chữa các chi tiết
Chương 11: Sửa chữa các hệ thống động cơ
Chương 12: Lắp máy – chạy rà – thử công suất
Chương 13: Kiểm tra, sửa chữa các hệ thống truyền động, lái và phanh
Chương 14: Sửa chữa thiết bị điện
Chương 15: Máy nổ.
Trong quá trình sử dụng, tùy theo yêu cầu cụ thể có thể điều chỉnh số tiết trong mỗi chương. Trong giáo trình, chúng tôi không đề ra nội dung thực tập của từng chương, vì trang thiết bị phục vụ cho thực tập của các trường không đồng nhất. Căn cứ vào trang thiết bị đã có của từng trường và khả năng tổ chức cho học sinh thực tập ở các xí nghiệp bên ngoài mà trường xây dựng thời lượng và nội dung thực tập cụ thể – Thời lượng thực tập tối thiểu nói chung cũng không ít hơn thời lượng học lí thuyết của mỗi phần.
Giáo trình được biên soạn cho đối tượng là học sinh THCN, công nhân lành nghề bậc 3/7 và nó cũng là tài liệu tham khảo bổ ích cho sinh viên Cao đẳng ki thuật cũng như Kỹ thuật viên đang làm việc ở các cơ sở kinh tế của nhiều lĩnh vực khác nhau.
Mặc dù đã cố gắng nhưng chắc chắn không tránh khỏi hết khiếm khuyết. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của người sử dụng để lần tái bản sau được hoàn chỉnh hơn. Mọi góp ý xin được gửi về Nhà xuất bản Giáo dục – 81 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. .
Tác giả