Tăng trưởng và phát triển kinh tế là mục tiêu phấn đấu của các nước trên thế giới. Để đạt được mục tiêu đó, đường lối phát triển kinh tế là yếu tố đầu tiên quyết định tới sự thành bại của một đất nước. Kinh tế học phát triển là môn khoa học nghiên cứu, phát hiện các quy luật, hành vi của con người trong quá trình vận động và phát triển nền kinh tế.
Từ nửa sau thế kỷ XX, Kinh tế học phát triển đã được nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng rộng rãi ở hầu khắp các nước trên thế giới. Ở nước ta, tuy kinh tế học phát triển mới được triển khai giảng dạy từ bậc học đại học từ những năm cuối thế kỷ trước song nó đã đang rất được quan tâm nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng vào quá trình hoạch định các chính sách trong phát triển nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế.
Để hoạch định được lối phát triển đúng đắn cần phải biết kết hợp những nguyên lý cơ bản của sự phát triển kinh tế và những vấn đề được đặt ra trong thực tiễn của đất nước, đặc biệt trong giai đoạn đất nước ngày càng hội nhập sâu, rộng như hiện nay.
Để thuận tiện cho việc khai thác và sử dụng tài liệu, nhóm tác giả muốn giới thiệu một cách khái quát nhất về phát triển kinh tế, các mô hình tăng trưởng và phát triển kinh tế, các nguồn lực cần thiết để phát triển kinh tế, đặc biệt các vấn đề khá nổi cộm trong giai đoạn hiện nay đang được xã hội quan tâm nhiều như vấn đề về toàn cầu hóa, vấn đề nghèo đói, bất bình đẳng trong nền kinh tế tri thức,…
Cũng nhằm mục đính trên, cuối mỗi chương, giáo trình đều có phần tóm tắt nội dung cơ bản của chương, có phần câu hỏi thảo luận và các bài tập tình huống kèm theo để thuận tiện cho người sử dụng.
Toàn bộ giáo trình được cấu trúc gồm 6 chương. Tham gia biên soạn gồm có:
– TS. Phạm Thị Lý, TS. Nguyễn Thị Yến đồng chủ biên biên soạn chương 1, chương 3.
– TS. Nguyễn Thị Yến, ThS. Nguyễn Thị Nhung biên soạn chương 2 và chương 4.
– TS. Phạm Thị Lý, ThS. Phan Thị Vân Giang biên soạn chuong 5.
– TS. Nguyễn Thị Yến, TS. Trần Văn Quyết biên soạn chương 6.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc lựa chọn, tiếp thu thành tựu của các tài liệu trong và ngoài nước, cũng như cập nhật các số liệu thực tiễn, nội dung bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, song giáo trình cũng không tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót.