Từ khi chuyển từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, trong nền kinh tế nước ta đã tồn tại sự vận hành song song của hai cơ chế: Cơ chế thị trường và phi thị trường. Nếu như cơ chế thị trường điều tiết nền kinh tế chủ yếu thông qua các biến số kinh tế của thị trường (như cung, cầu, giá cả…) thì thực chất của cơ chế phi thị trường lại là sự can thiệp, điều tiết của chính phủ đối với nền kinh tế ở những lĩnh vực, bộ phận, không gian, thời điểm mà thị trường không thể điều tiết hoặc điều tiết không có hiệu quả. Vì lẽ đó, việc trang bị cho sinh viên kinh tế những kiến thức cơ bản về vai trò của Chính phủ trong nền kinh tế thị trường, cách thức can thiệp và phương pháp đánh giá các tác động của những công cụ chính sách mà Chính phủ sử dụng để điều tiết nền kinh tế là hết sức cần thiết. Và điều này càng trở nên cần thiết hơn khi Đảng ta đã xác định mô hình phát triển của nền kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, theo định hướng XHCN.
Để đáp ứnh yêu cầu cấp bách đó, môn học Kinh tế Công cộng đã ra đời và bắt đầu được giảng dạy ở Đại học Kinh tế Quốc dân từ năm 1993. Cho đến nay, môn học này đã được giảng trong hầu hết các ngành kinh tế của các trường đại học ở nước ta. Cùng với quá trình giảng dạy, môn học ngày càng được hoàn thiện cả về nội dung và kết cấu.
Giáo trình Kinh tế Công cộng của Đại học Kinh tế Quốc dân xuất bản lần đầu tiên vào năm 1995, do GVC. Lê Hữu Khi làm chủ biên,
cùng tập thể tác giả của Khoa Kinh tế Phát triển (nay là Khoa Kế hoạch và phát triển) biên soạn, sau đó được bổ sung, sửa chữa và tái bản vào năm 1997 và 1999. Lần xuất bản này, chúng tôi kế thừa các nội dung của giáo trình Kinh tế Công cộng được xuất bản từ các lần trước, đồng thời có bổ sung thêm một số chương, mục và có thay đổi kết cấu theo hướng nâng cao tính khoa học, tính hiện đại và tỉnh Việt Nam của giáo trình.
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn các tác giả đã đặt nền móng đầu tiên cho giáo trình Kinh tế Công cộng: GVC. Lê Hữu Khi, GS. Tôn Tích Thạch, GS. TS. Vũ Thị Ngọc Phùng, PGS. Trần Văn Định, GVC. Trần Đại, TS. Phạm Văn Vận và ThS. Nguyễn Thanh Hà.
“Giáo trình Kinh tế Công cộng” xuất bản lần này được chia làm hai tập. Tập I, trình bày các vấn đề về Kinh tế Công cộng. Tập II, đi sâu vào các vấn đề thu, chi ngân sách nhà nước và tác động của các chính sách thu, chi đến sự phát triển kinh tế – xã hội. Kết cấu tập I bao gồm các chương sau:
Chương I: Tổng qua về vai trò của Chính phủ trong nền kinh tế thị trường và đối tượng nghiên cứu của môn học Kinh tế Công cộng
Chương II: Chính phủ với vai trò phân bổ nguồn lực nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế
Chương III: Chính phủ với vai trò phân phối lại thu nhập và đảm bảo công bằng xã hội
Chương IV: Chính phủ với vài trò ổn định kinh tế vĩ mô trong điều kiện toàn cầu hoá
Chương V: Lựa chọn công cộng
Chương VI: Các công cụ chính sách can thiệp chủ yếu của Chính phủ trong nền kinh tế thị trường.
Giáo trình do PGS. TS. Phạm Văn Vận và ThS. Vũ Cường đồng chủ biên.
Tham gia biên soạn gồm có:
– ThS. Vũ Cường viết các chương I, II và tham gia viết chương VI
– TS. Nguyễn Tiễn Dũng viết chương III
– ThS. Nguyễn Thị Hoa viết chương IV
– PGS.TS. Phạm Văn Vận viết chương V
– TS. Trần Văn Hoa Tham gia viết chương VI