Nội dung giáo trình được trình bày trong hai phần: Phần I. Cơ sở lý thuyết của lớp biên khí quyển, gồm 3 chương.
Chương I trình bày các khái niệm, định nghĩa và cấu trúc của lớp biên, đặc điểm của lớp biên khí quyển vùng vĩ độ thấp; vai trò và tác động của các hiện tượng thời tiết, những đặc trưng biến động của lớp biên ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế – xã hội và môi trường; tác động ngược lại do các hoạt động của con người gây ra đã và đang làm gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường không khí.
Chương II trình bày phương pháp mô phỏng bức tranh diễn biến phức tạp của lớp biên bằng cách mô tả toán – vật lý. Ở đây, hệ phương trình nhiệt động lực mô tả trường tốc độ, áp suất, nhiệt độ, độ ẩm v.v… được phân tích chi tiết về khả năng khép kín cũng như cách giải bằng các phương pháp số trị, thứ nguyên và thống kê.
Trong chương III đề cập đến việc tham số hoá các đặc trưng cơ bản của lớp biên theo các thông tin Synốp – cao không, tiêu chuẩn phục vụ cho các mô hình dự báo chính áp và là áp của lớp biên khí quyển.
Phần II. Ô nhiễm không khí và mô hình hoá quá trình lan truyền chất ô nhiễm trong lớp biên khí quyển, là phần ứng dụng cơ sở lý thuyết rối động lực học và thống kê của lớp biên vào giải quyết các bài toán cụ thể có ý nghĩa thực tiễn, được trình bày trong ba chương.
Chương IV trình bày về ô nhiễm không khí và các phương pháp nghiên cứu quá trình lan truyền chất ô nhiễm trong lớp biên khí quyển, đặc biệt là lớp không khí sát đất. Đó là phương pháp thực nghiệm, phương pháp mô hình hoá toán học và phương pháp thống kê vật lý.
Chương V trình bày một số mô hình tính toán và dự báo quá trình lan truyền chất ô nhiễm trong lớp biên khí quyển đã và đang được sử dụng rộng rãi ở nước ngoài cũng như ở trong nước.
Chương VI đề cập đến các kỹ năng thực hành trong việc xác định các tham số dầu vào của các mô hình bằng cách tham số hoá các yếu tố khí tượng, địa hình, các tham số khuếch tán rối của lớp biên ứng với điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa ở Việt Nam, kèm theo chương trình tính toán trên máy tính để minh hoạ.