Giáo trình chuyên đề: Giáo dục kĩ năng sống

Giáo trình chuyên đề: Giáo dục kĩ năng sống

Tác giả:
Thể Loại: Tài Liệu Học Tập
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com
PDFĐỌC ONLINE

Lí luận giáo dục với tư cách là một hợp phần trong lí luận giáo dục học theo quan niệm trước đây bao gồm: giáo dục đạo đức, tư tưởng chính trị, pháp luật, giáo dục thẩm mĩ, giáo dục thể chất, giáo dục lao động – kĩ thuật tổng hợp, hướng nghiệp và dạy nghề. Quan niệm này đã trở nên quá chật hẹp so với yêu cầu chuẩn bị cho thế hệ trẻ đáp ứng được những yêu cầu của cuộc sống xã hội hiện nay. Xã hội hiện đại nảy sinh nhiều vấn đề mới chưa từng có trong quá khứ như đại dịch HIV/AIDS, môi trường… hoặc có những vấn đề đã có nhưng chưa trở thành thách thức như bây giờ.
Đồng thời cách tiếp cận một mặt đối với quá trình đào tạo, giáo dục con người, coi đó là quá trình truyền thụ kiến thức cho người học và lấy mục tiêu trang bị kiến thức là chính đã trở nên bất cập, đòi hỏi phải chuyển sang cách tiếp cận tổng hợp và trọng tâm là hình thành năng lực cho người học.
Vì vậy giáo trình này muốn đề cập đến một cách tiếp cận mới đối với quá trình giáo dục (theo nghĩa hẹp) nói riêng và quá trình sư phạm, quá trình đào tạo nói chung. Đó là giáo dục kĩ năng sống, tiếp cận kĩ năng sống trong giáo dục. Cách tiếp cận này sẽ giúp cho những người làm công tác giáo dục tiến hành quá trình đào tạo, giáo dục một cách phức hợp, trong đó có sự kết hợp hài hòa kiến thức, thái độ, giá trị, hành vi để có năng lực đáp ứng các thách thức trong xã hội hiện đại đầy những bất định một cách tích cực, hiệu quả và mang tính xây dựng.
Tài liệu được viết chủ yếu dựa trên kết quả nghiên cứu của tác giả trong hợp tác với UNESCO Hà Nội về giáo dục kĩ năng sống ở Việt Nam và 2 chu kì đề tài cấp bộ về giáo dục kĩ năng sống cho học sinh THPT. Ngoài ra, trong tài liệu còn tham khảo các tư liệu của UNESCO, Tổ chức Y tế thế giới, UNICEF và hội thảo về giáo dục Kĩ năng sống ở các nước trong khu vực. Tài liệu này có thể sử dụng cho đào tạo sinh viên, học viên sau đại học và tự học. Tài liệu giúp người đọc đạt được:
– Về nhận thức:
+ Hiểu được đây là nội dung giáo dục mang ý nghĩa thực tế cao và rất quan trọng bổ trợ cho chương trinh lí luận GDH nói chung và lí luận giáo dục nói riêng.
+ Hiểu về tầm quan trọng của việc giáo dục kĩ năng sống cho người học. Thay đổi nhận thức về cách làm giáo dục.
+ Hiểu rõ kĩ năng sống là gì. Hiểu được có thể giáo dục kĩ năng sống cho người học qua những con đường nào? Những kĩ năng sống cần giáo dục cho người học và cách thức tổ chức giáo dục kĩ năng sống cho họ.
+ Nắm được mục tiêu chung của chương trình giáo dục kĩ năng sống cho người học nói chung, của từng chủ đề và từng hoạt động trong chủ đề nói riêng.
– Về thái độ:
+ Thấy được trách nhiệm của người làm công tác giáo dục trong việc tiến hành giáo dục kĩ năng sống cho người học.
– Về kĩ năng:
+ Có những kĩ năng sống cần thiết cho chính bản thân.
+ Biết khai thác tiềm năng giáo dục kĩ năng sống qua chương trình giáo dục đổi mới thông qua việc tiếp cận kĩ năng sống đối với nội dung các môn học, các hoạt động giáo dục.
+ Biết vận dụng cách tiếp cận kĩ năng sống theo 4 trụ cột “Học để biết, học để làm,
Học để tự khẳng định, Học để chung sống với mọi người của giáo dục thế kỉ XXI đối với các nội dung giáo dục.
+ Biết tổ chức các hoạt động giáo dục kĩ năng sống theo các chủ đề theo các cách tiếp cận “hưởng vào người học”, “giáo dục dựa vào trải nghiệm”, “cùng tham gia”… + Biết vận dụng những hiểu biết về KNS để xác định những nội dung và biện pháp giáo dục kĩ năng sống phù hợp với đối tượng giáo dục của mình.
Cấu trúc của tài liệu bao gồm 2 phần lớn:
Phần A: trình bày những vấn đề chung về kĩ năng sống và giáo dục kĩ năng sống. Bên cạnh đó, tác giả còn trình bày cả tình hình giáo dục kĩ năng sống ở Việt Nam và ở một số nước trong khu vực để giúp học viên có cái nhìn tổng quan và hiểu về kĩ năng sống và giáo dục kĩ năng sống cụ thể hơn.
Phần B: đi vào những nội dung cụ thể về giáo dục kĩ năng sống cho người học. Trong phần này gồm 9 chủ đề hướng dẫn cách tổ chức hoạt động giáo dục nhằm hình thành các kĩ năng sống cốt lõi cho học sinh THPT. Trên cơ sở đó họ có thể vận dụng vào giải quyết có hiệu quả các tình huống cụ thể trong cuộc sống.
Sử dụng tài liệu này cần lưu ý:
– Phần A: nâng cao nhận thức cho người học về kĩ năng sống, ý nghĩa của nó; sự cần thiết phải giáo dục kĩ năng sống cho người học và các con đường; cách tiếp cận và phương pháp giáo dục kĩ năng sống để họ có thể quán triệt trong quá trình tổ chức hoạt động thực tiễn.
– Phần B: hướng dẫn học viên cách tổ chức các chủ đề giáo dục kĩ năng sống để xây dựng hoặc thay đổi hành vi cho người học. Học viên cần nắm được.
+ Cách tổ chức hoạt động nhằm thay đổi hành vi khác với cách truyền thụ tri thức nhằm nâng cao nhận thức.
+ Người tổ chức hoạt động có thể là người dạy hoặc do chính người học.
+ Những hướng dẫn trong phần này mang tính gợi ý, người tổ chức có thể thay đổi phương pháp hoặc tình huống cho phù hợp với đối tượng và điều kiện thực tế.
Vì đây là lĩnh vực mới, chắc chắn còn nhiều thiếu xót. Rất mong nhận được sự góp ý của người sử dụng để chúng tôi tiếp tục hoàn thiện.