Nhu cầu tìm hiểu nghiệp vụ báo chí ở Việt Nam rất lớn bởi báo chí ngày càng có vai trò rộng lớn trong xã hội. Hiện ở nước ta đã có trên 600 tờ báo, tạp chí, trên 60 đài phát thanh, truyền hình của Trung ương và địa phương, hơn 12.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề, nhiều trường đại học và trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, v… Không chỉ những nhà bảo chuyên nghiệp mà nhiều người ngoài giới cũng có nhu cầu tìm hiểu những hoạt động báo chí. Ý thức được những đòi hỏi của xã hội, đặc biệt đối với những người đang hoạt động trong ngành truyền thông đại chúng, Nhà xuất bản Thông Tấn đã cho ra mắt Tủ sách nghiệp vụ báo chí. 14 cuốn trong đợt đầu đã được biên soạn, phát hành vào tháng 6 năm 2003, nhân dịp Ngày Báo chí.
Cách mạng Việt Nam. Sau hơn một năm kể từ ngày Bộ sách Nghiệp vụ báo chí ra mắt bạn đọc, Nhà xuất bản đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu. Trong lần biên soạn, xuất bản này, chúng tôi mong tiếp tục cung cấp tới bạn đọc những hiểu biết thêm về cơ sở lý luận của báo chí, những tri thức về giao tiếp trên truyền hình, các thể loại báo viết, báo hình, báo nói, công nghệ thông tin và hoạt động truyền thông, v.v.. Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục giúp ích được phần nào cho các nhà báo, các sinh viên báo chí, và những ai quan tâm đến nghề làm báo, góp phần vào sự nghiệp phát triển báo chí của đất nước.
Cuốn sách “Giao tiếp trên truyền hình – Trước ống kính và sau ống kính camera” trong bộ sách xuất bản lần này được dịch từ nguyên bản tiếng Nga của tác giả X.A. Muratốp – Giáo sư giảng dạy Khoa Báo chí Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp (NXB ACHEKT HPECC của Nga ấn hành năm 2003). Ấn phẩm này là giáo trình dùng giảng dạy cho sinh viên khoa báo chí của các trường đại học và cao đẳng ở Nga, đồng thời như là một công trình nghiên cứu về tâm lý quan hệ giữa nhà bảo truyền hình và những đối tượng của mình.
Bằng sự từng trải nghề nghiệp và tâm huyết, tác giả truyền lại những kinh nghiệm, những bài học, những phương pháp tích cực, hiệu quả trong hoạt động tác nghiệp của phóng viên truyền hình nhằm giúp các phóng viên trẻ, học viện nắm được các kỹ năng thực hành cần thiết. Cuốn sách có một lối viết hấp dẫn, như một cuộc nói chuyện lý thú dành cho những người làm truyền hình nói riêng, cũng như báo giới nói chung. Phần cuối sách là một số tiêu chí, chuẩn mực của đạo đức và trách nhiệm của người làm báo.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.
NHÀ XUẤT BẢN THÔNG TẤN
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com