Khủng hoảng tài chính đang diễn ra ngày càng liên tục với cường độ mạnh và diễn biến phức tạp, gây ra những hậu quả rất nặng nề đối với cả các quốc gia công nghiệp phát triển lẫn các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, nghiên cứu các giải pháp để ngăn ngừa khủng hoảng tài chính – tiền tệ là việc làm hết sức cần thiết và cấp bách hiện nay không chỉ ở nước ta mà còn trong khu vực và trên toàn thế giới.
Hệ thống tài chính quốc tế ngày càng mang tính toàn cầu nên sự “lây nhiễm” khủng hoảng tài chính – tiền tệ lan rất nhanh, không chừa bất kỳ quốc gia nào. Cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ châu Á vừa qua tác động chậm và không mạnh tới Việt Nam do nhiều nguyên nhân, nhưng theo chúng tôi, nguyên nhân chủ yếu là mức độ mở cửa khu vực tài chính – tiền tệ của Việt Nam còn hạn chế. Trong tương lai 5 – 10 năm tới, cùng với phát triển hội nhập nền kinh tế nói chung, hội nhập tài chính – tiền tệ nói riêng, sự ổn định của nền tài chính – tiền tệ trong nước, khả năng ngăn chặn các nguy cơ gây ra khủng hoảng và sẵn sàng đối phó với những cuộc khủng hoảng từ bên ngoài là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chúng ta.
Hệ thống tài chính – tiền tệ của nước ta còn tương đối sơ khai, tiềm lực tài chính yếu kém nên các nguy cơ gây ra khủng hoảng từ nội tại khu vực tài chính – tiền tệ là rất lớn. Một mặt, chúng ta phải củng cố khu vực tài chính trong nước, mặt khác phải rút kinh nghiệm, học hỏi từ các bài học phòng chống khủng hoảng của các nước để áp dụng vào Việt Nam cho phù hợp với hoàn cảnh và đặc điểm của nước ta. Các giải pháp phòng ngừa khủng hoảng tài chính – tiền tệ có tính hệ thống, thích hợp với hoàn cảnh Việt Nam sẽ góp phần ổn định nền tài chính – tiền tệ của chúng ta, phục vụ đắc lực cho tăng trưởng kinh tế cao và ổn định.
Từ sau mỗi cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ, đặc biệt là sau khủng hoảng châu Á vừa qua, nhiều nhà khoa học và nhà quản lý đã đi sâu phân tích những nguyên nhân gây ra khủng hoảng, các giải pháp khắc phục và vượt qua khủng hoảng, phân tích trong một chừng mực nhất định phương pháp dự báo khủng hoảng và giải pháp ngăn chặn khủng hoảng trong tương lai. Tuy nhiên, đó mới là những nghiên cứu bước đầu, chưa có tính hệ thống, chưa đạt được sự thống nhất ý kiến rộng rãi, và nhất là khó có thể áp dụng cho một quốc gia có nhiều tính đặc thù như Việt Nam. Tìm ra những giải pháp phòng ngừa khủng hoảng tài chính – tiền tệ cho riêng khu vực tài chính – tiền tệ Việt Nam là công việc khó khăn song cần thiết.
Nội dung chính của cuốn sách này là trên cơ sở phân loại, hệ thống hóa các quan điểm trong và ngoài nước về khủng hoảng tài chính – tiền tệ, phân tích và đánh giá nền tài chính – tiền tệ Việt Nam hiện nay để làm rõ những nguyên nhân, “mầm mống” có thể gây ra khủng hoảng tài chính – tiền tệ ở Việt Nam hoặc/và chịu tác động nặng nề từ khủng hoảng trong khu vực và toàn cầu, từ đó đề xuất xây dựng hệ thống giải pháp khả thi nhằm tiêu diệt các “mầm mống” gây ra khủng hoảng có tác dụng thiết lập hệ thống phòng ngừa, “miễn dịch” đối với khủng hoảng cho Việt Nam trong tương lai.
Trong quá trình chuẩn bị hoàn thành cuốn sách, chúng tôi đặc biệt cảm ơn sự giúp đỡ, động viên cổ vũ và những ý kiến góp ý quí báu của các nhà khoa học trong Viện Khoa học Tài chính và Học viện Tài chính.
Cuốn sách này không thể tránh được những sai sót, khiếm khuyết nên rất mong nhận được sự thông cảm và góp ý của bạn đọc.
Tập thể tác giả.