Câu chuyện mở đầu bằng một cái chết. Cái chết vì bom đạn ngay giữa thời bình. Bom đạn còn lại của một thời chiến tranh tàn khốc và dai dẳng… Câu chuyện từ đó vừa phát triển theo chiều đi xuôi về tương lai theo thời gian, vừa đi ngược về quá khứ bằng sự phục hiện của bao nhiêu hình ảnh trong ký ức các nhân vật và của cả bao nhiêu dấu vết, chứng tích còn lại trong hiện thực. Cấu trúc đó là sự hòa trộn giữa phong cách tự sự với trữ tình – tự thân, đã tạo cho câu chuyện một dáng vẻ trầm ngâm với những suy tư, hồi tưởng, bao hàm một sức chứa lớn – thời gian của một trăm năm và hơn nữa. Gia phả dòng họ Đinh vì vậy đã không chỉ là câu chuyện nghiệp chướng của một dòng họ.
Lâu lắm rồi tôi mới có được cảm giác mê man như khi đọc Gia phả dòng họ Đinh. Chẳng phải vì văn chương độc đáo. Chẳng phải vì kết cấu hấp dẫn. Mà, vì bản thân câu chuyện. Thành công đầu tiên và chủ yếu của tác phẩm là ở sự dày dặn, xác thực của chất liệu đời sống được khai thác, thể hiện. Tác giả gần như làm công việc của người kể chuyện hơn là của một tiểu thuyết gia, mặc dầu cốt truyện của anh là hư cấu. Một người kể truyện từng dầu dãi sự đời, có một ký ức, một ý thức chín đầy, biết dừng lại ghi chú, diễn giải cho từng sự kiện, và biết phát hiện những tình huống trái ngược trớ trêu chung quanh bằng cái nhìn tinh tế. Đọc Gia phả dòng họ Đinh, lắng nghe những âm vang còn lại trong mình, người đọc dễ đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Lưu Vũ trong tiểu luận in ở cuốn sách: Tác phẩm thực sự có ý nghĩa làm thức dậy một ý thức về lịch sử ở mỗi người, và song song, là một ý thức công dân. Nó bày ra những sự thực hết sức là cụ thể với với những hào khí, những khát vọng và cả những đau thương của con người.
Dương Đình Hùng là một người đa tài. Ngoài công việc chính của một bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ, anh còn viết báo, vẽ tranh, viết truyện ngắn, chụp ảnh. Ở lãnh vực nào anh cũng gây được ấn tượng đẹp. Tuy nhiên, qua Gia phả dòng họ Đinh, tôi nghĩ rằng, có một Dương Đình Hùng khác. Không phải là chuyện tài năng mà là tâm địa. Đọc truyện của anh, tôi cảm nhận anh thật lòng san sẻ những nỗi đau của đồng bào mình. Nhân vật Đinh Phát – trong truyện – dường như là một hiện thân của những nỗi niềm bức xúc trước thực tế, của những khát vọng muốn làm một điều gì đó cho tha nhân… của chính anh. Đinh Phát là một nhân vật lãng mạn. Tất cả đều là nhân vật lãng mạn và quan hệ giữa họ với nhau là những quan hệ lãng mạn. Sự lãng mạn đằm thắm của những tâm hồn đôn hậu, yêu người và tin tưởng vào cuộc đời.
Gia phả dòng họ Đinh không quyến rũ những cái nhìn duy mỹ ; không phải là đối tượng mới mẻ của những nhà phân tích cấu trúc, thi pháp. Nó đẹp ở sự chân thành.