Ghi Đơ Môpatxăng

Ghi Đơ Môpatxăng

Tác giả:
Thể Loại: Tiểu Thuyết Phương Tây
Nguồn: https://thuviensach.vn
PDFĐỌC ONLINE

Isaac Babel (1894 – 1941được đánh giá là nhà văn Do Thái đầu tiên bước vào văn đàn Nga với tư cách là một tác giả văn xuôi Nga. “Babel đã trải qua thời thơ ấu và thời thanh niên ở Odessa, chịu đựng cảnh đau khổ trong ghetto (khu vực cư trú dành riêng cho người Do Thái. Babel học giỏi, từ nhỏ cho đến khi 16 tuổi ông đã học tiếng Do Thái, tiếng Pháp, Kinh Thánh, Kinh Talmut. Babel đến với văn chương từ rất sớm. 15 tuổi ông đã viết những truyện ngắn đầu tiên bằng tiếng Pháp. Giống Gogol, 1915 ông đến Peterburg ôm ấp mộng văn chương. 1916 đánh dấu bước ngoặt lớn trong đời Babel khi nhà văn gặp được Gorky. Gorky đồng ý in truyện ngắn của Babel. Nhà văn lão thành khuyên Babel đi thực tế để có vốn sống và viết. Thế là từ một chàng công tử Do Thái Babel đã trở thành một người lính của Quân đoàn Kỵ binh số Một, tham gia vào các công tác cách mạng (làm việc trong các ủy ban quân sự cách mạng, làm phóng viên, làm ở nhà in…. Tập đoàn quân Kỵ binh ra đời năm 1926 – là tập hợp những truyện ngắn Babel viết về cuộc sống, chiến đấu của Quân đoàn Kỵ binh số Một trên mặt trận truy quét quân Ba Lan và Bạch vệ thời kỳ những năm 20 – 30 của thế kỷ XX. Ngay từ khi mới ra đời tác phẩm đã tạo ra hai luồng dư luận trái chiều: một ủng hộ Babel, ca ngợi Tập đoàn quân Kỵ binh; còn một phê phán, lên án kịch liệt tác phẩm này, thậm chí còn buộc tội tác giả của nó. Tương phản trở thành một thủ pháp được sử dụng hữu hiệu trong các tác phẩm của Babel, nhất là Tập đoàn quân Kỵ binh nhằm tạo ra muôn vàn khuôn mặt cách mạng, chiến tranh và những suy ngẫm về sự sống, cái chết… Trong 25 năm cầm bút Babel để lại không nhiều tác phẩm: hai vở kịch (Hoàng hôn, Maria, ba tập truyện ngắn (Tập đoàn quân Kỵ binh, Truyện ngắn Odessa, Truyện ngắn; nhưng những tác phẩm của ông đều được đánh giá rất cao, đặc biệt là truyện ngắn. Nhưng 13 năm sau thời điểm Tập đoàn quân Kỵ binh ra đời (1939Babel cùng nhiều nhà văn khác bị bắt một cách bí mật, bị ép buộc phải nhận những tội danh vô lí trong đó có tội “phản bội Tổ quốc”. Ông bị đưa ra xét xử trước tòa án quân sự vào ngày 26/ 1/ 1940 và bị hành quyết ngày 17/ 3/ 1941, khi ông 47 tuổi. Suốt 15 năm sau đó, tên ông bị xoá hẳn trong sách vở văn chương của Liên Xô. Từ năm 1954, các tác phẩm của ông mới được công nhận. Tác phẩm đã được dịch sang tiếng Việt – Babel I.E: Tuyển tập (Nguyễn Thụy Ứng dịch từ tiếng Nga, I. Erenburg và Nguyễn Thụy Ứng giới thiệu. Nxb. Văn hóa thông tin, H, 2000.*** Mùa đông năm mười sáu tôi nương náu ở Petecburg với tấm căn cước giả và không một xu dính túi. Người cho tôi ở nhờ là một anh giáo dạy văn học Nga tên là Alecxây Kazansev. Anh sống ở Peski, một khu phố lạnh lẽo, vàng xỉn, hôi hám. Anh kiếm tiền để phụ vào số tiền lương còm bằng cách dịch tiếng Tây Ban Nha; thời ấy Blasko Ibanes đang nổi như cồn. Kazansev chưa từng đặt chân đến Tây Ban Nha, dù chỉ là đi ngang qua, nhưng tình yêu xứ ấy xâm chiếm toàn bộ con người anh. Anh biết hết mọi lâu đài, công viên, sông ngòi ở Tây Ban Nha. Ngoài tôi ra, chỗ Kazansev còn cả một lô nhưng kẻ bị bật ra khỏi cuộc sống ngay lành. Chúng tôi sống rất đói rách. Thảng hoặc, mấy tờ báo lá cải mới dành vài dòng chữ nhỏ đăng những mẩu tin vặt của chúng tôi. Sáng sáng tôi la cà ở những khu nhà xác và đồn cảnh sát. Người hạnh phúc hơn trong bọn vẫn là Kazansev. Anh còn có Tây Ban Nha là Tổ quốc. Tháng mười một, tôi được giới thiệu một chân thư lại ở nhà máy Ôbukhôv, một chỗ làm không đến nỗi tồi tránh cho tôi khỏi phải vào lính. Tôi đã từ chối không làm một gã thầy ký. Ngay từ lúc ấy – mới hai chục tuổi đầu – tôi đã tự nhủ: thà đói khát, tù đày, lang bạt còn hơn ngồi lỳ ở phòng giấy suốt mười giờ đồng hồ mỗi ngày. Chẳng phải có gì táo tợn lắm trong lời nguyền ấy, nhưng tôi đã và sẽ không đời nào vi phạm nó. Tôi vẫn giữ được cái phong tục của ông cha: Chúng ta sinh ra trên đời là để tận hưởng thú vui làm lụng, đánh nhau, yêu đương, chúng ta sinh ra là cho những việc ấy chứ không phải vì cái gì khác. Nghe tôi lý sự, Kazansev cứ xoắn mãi cái chỏm tóc vàng hoe ngắn ngủn trên đầu. Nỗi sợ hãi trong ánh mắt anh pha lẫn vẻ thích thú. Đến hôm lễ Giáng sinh thì chúng tôi gặp may. Luật sư Benderski, chủ sở hữu nhà xuất bản “Ansiona” có ý định xuất bản một tác phẩm mới của Môpatxăng. Việc dịch do Raisa, vợ ông, đảm nhiệm. Cái trò chơi quý tộc chẳng đi đến đâu. Người ta hỏi Kazansev, người dịch tiếng Tây Ban Nha xem anh có biết ai giúp việc được cho Raisa không. Kazansev ra lệnh cho tôi. Hôm sau, khoác một cái áo vét đi mượn, tôi đến nhà Benderski. Họ sống ở góc đường Nevski và Môika, trong một ngôi nhà xây bằng đá hoa cương Phần Lan, bên ngoài có ốp những hàng cột giả màu hồng, lỗ châu mai và gia huy chạm đá. Những tay chủ nhà băng mất gốc, mới cải đạo và phất lên nhờ nghề chạy hàng đã cho xây lên ở Pêterburg trước ngày có chiến tranh hàng lô thứ lâu đài chướng mắt, ngạo nghễ đến lố bịch ấy. Cầu thang trải một tấm thảm đỏ. Ở chiếu nghỉ cầu thang có đặt những con gấu nhung đứng chồm hai chân lên. Trong những cái mõm há hốc của chúng các núm thủy tinh lóe sáng. Vợ chồng nhà Benderski sống trên tầng ba. Ra mở cửa là một cô hầu gái đội mũ mào, ngực cao. Cô ta đưa tôi vào gian tiếp khách bày biện theo lối Slavơ cổ. Trên tường treo những bức tranh gam xanh lơ của Rerikhơ – những tảng đá và quái vật thời tiền sử. Khắp các góc nhà – đặt trên bệ, bày la liệt các tượng thánh kiểu cổ. Cô hầu gái có bộ ngực cao diễu khắp phòng một cách trịnh trọng. Cô ta người cân đối, mắt cận thị, vẻ kiêu kỳ. Trong cặp mắt xám mở to của cô lộ rõ vẻ phóng đáng trơ trẽn. Cô đi lại chậm chạp. Tôi thoáng nghĩ rằng khi yêu chắc hẳn cô ả vần vũ cuồng nhiệt và sành sỏi lắm. Tấm rèm gấm treo nơi cửa ra vào chợt lay động. Bước vào phòng, mang một bộ ngực đồ sộ là một phụ nữ tóc đen có cặp mắt màu hồng. Chẳng cần nhiều thời gian cũng nhận ra là bà Benderski là thuộc loại phụ nữ Do Thái làm cho người ta say mê, đến đây từ Kiev và Pôntava, từ những miền thảo nguyên, những thành phố sung túc trồng đầy dẻ và keo. Tiền của do các đức ông chồng khéo xoay xở được những người đàn bà này chuyển hóa thành lớp mỡ hồng hào nơi bụng, gáy, trên đôi vai tròn lẳn. Cái khóe cười mỉm ngái ngủ, mướt mịn của họ khiến các chàng sĩ quan đồn trú mê mẩn như bị hớp hồn. – Môpatxăng là niềm say mê duy nhất của đời tôi, – Raisa nói với tôi. Cố giữ cho cặp đùi đồ sộ đừng đong đưa quá, chị ta ra khỏi phòng rồi trở lại với bản dịch “Cô Garriet”. Trong bản dịch ấy của chị ta không còn để lại chút dấu vết nào câu chữ của Môpatxăng, cái giọng văn khoáng đạt, mượt mà, nghe như có tiếng thở dài say đắm. Những câu văn của bà Benderski đúng văn phạm đến mức khó chịu, tẻ ngắt và thô kệch – hệt lối viết tiếng Nga ngày trước của dân Do Thái. Tôi đem tập bản thảo về nhà và trong gian gác áp mái của Kazansev – giữa đám người đang ngủ say – suốt đêm cặm cụi gọt đẽo bản dịch của người. Kể ra thì công việc ấy cũng không đến nỗi buồn tẻ như tôi nghĩ. Câu cú được sửa sang vừa hay lại vừa dở cùng một lúc. Bí quyết là ở sự xoay chuyển khó nhận thấy được. Cây đòn bẩy phải ở trong tay và ấm nóng lên. Và chỉ được xoay tay đòn một lần, chứ chớ đến hai. Sáng ra, tôi đem đến bản thảo đã sửa xong. Raisa đã thật lòng khi nói chị mê Môpatxăng. Chị ngồi bất động suốt thời gian đọc lại bản dịch, tay đan chéo vào nhau: hai cánh tay mịn màng buông thõng, vầng trán trắng nhợt, viền đăng ten giữa hai bầu vú bị dồn ép xô lệch đi, hết dâng lên lại hạ xuống. – Anh đã làm cách nào vậy? Lúc ấy tôi đã nói về văn phong, về đội quân từ ngữ, đội quân mà trong đó sử dụng đủ loại khí giới. Không có thứ sắt thép nào có sức làm tê buốt trái tim người ta bằng một dấu chấm câu đặt đúng chỗ. Chị ta lắng nghe, đầu cúi, đôi môi thoa son hé mở. Một ánh đen sáng lên trên mái tóc chải dầu bóng và để ngôi. Đôi bắp chân mang tất ôm khít, khỏe và thon duỗi trên tấm thảm trải sàn. Cô hầu gái đưa cặp mắt dâm đãng trơ trẽn nhìn sang phía khác, bưng mâm dọn bữa sáng lên. Ánh nắng Peterburg lấp lánh rọi xuống tấm thảm trải sàn mấp mô bột màu. Hai mươi chín tập sách của Môpatxăng xếp chật cái giá nhỏ phía trên bàn viết. Tia nắng lung linh nhảy nhót vuốt ve những gáy sách bọc da, nấm mộ tuyệt vời của một trái tim người. Cà phê sáng đem lên cho chúng tôi đựng trong những cái tách màu xanh lơ, và chúng tôi bắt đầu dịch “Idillia” (“Khúc đồng dao”. Ai mà chẳng nhớ truyện ngắn kể về anh chàng thợ mộc bú bầu sữa đang căng tức của cô nhũ mẫu đẫy đà. Chuyện ấy xảy ra trên một chuyến tàu chạy từ Nisơ đến Macxây, vào một buổi trưa oi ả, ở xứ hoa hồng, quê hương của hoa hồng, nơi mà những cánh đồng trồng hoa tràn xuống tận mép biển… Tôi ra khỏi nhà Benderski với hai mươi lăm rúp tạm ứng trước. Cái hội của chúng tôi ở Peski tối ấy say ngất ngư chẳng khác gì đàn ngỗng no căng nước. Chúng tôi đã dùng thìa mà xúc món trứng cá tầm và nhắm nó với món giò lòng. Khi đã chếnh choáng, tôi quay ra bỉ nhạo Tônstôi: – Cụ hãi rồi, cái cụ bá tước của các anh ấy, cụ nhát cáy… Tôn giáo của cụ là sợ hãi… Hãi đói, hãi già, thế nên ngài bá tước bèn may cho mình một cái áo bằng đức tin… – Rồi sao nữa? Lắc lắc cái đầu chim, Kazansev hỏi tôi. Chúng tôi lịm luôn bên chân giường. Tôi mơ thấy Katia, chị thợ giặt đã bốn chục tuổi, sống ở dưới nhà. Sáng sáng chúng tôi thường xuống chỗ chị ta xin nước sôi. Ngay đến mặt chị ta tôi cũng còn chưa kịp nhìn cho kỹ, ấy thế mà trong mơ có trời biết tôi và Katia đã làm những trò gì. Chúng tôi đã quần nhau hôn hít đến mệt nhoài. Sáng hôm sau, không cầm lòng được, tôi đã ghé xuống chỗ chị ta xin nước sôi. Đón tôi là một người đàn bà dáng ủ ê, vai vắt khăn choàng, mớ tóc xám màu tro rối tung và đôi tay sưng mọng vì dầm nước. Kể từ hôm ấy, sáng nào tôi cũng ăn ở đằng nhà Benderski. Trong căn gác áp mái của bọn tôi có thêm được một cái bếp lò mới, cá trích hộp, sô-cô-la. Hai lần Raisa còn đưa tôi ra đảo chơi. Không đừng được, tôi đã kể cho chị ta nghe về thời thơ ấu của mình. Câu chuyện kể nghe thảm đạm đến chính tôi cũng phải ngạc nhiên. Từ dưới viền mũ bằng lông điêu thử, đôi mắt sợ hãi long lanh nhìn tôi. Hàng mi hung khẽ chớp đượm vẻ thương xót. Tôi đã làm quen với chồng Raisa – một tay Do Thái mặt bủng, đầu hói trụi và người dẹt lét, nhìn nghiêng cứ như chực dướn lên bay. Nghe đâu ông ta là chỗ thân cận với Rasputin. Những khoản lợi tức ông ta thu được nhờ chạy hàng quân nhu khiến ông ta có vẻ như một kẻ bị ma ám. Mắt ông ta lơ láo, với ông, tấm màn che thực tại đã rách nát rồi. Raisa thường ngại ngùng khi phải giới thiệu với chồng những người quen mới của mình. Vì còn non nớt nên hàng tuần sau tôi mới nhận ra điều đó. Sau Tết, nhà Raisa có hai người em gái từ Kiev lên chơi. Đâu như tôi có mang tới tập bản thảo truyện “Lời thú nhận” và vì không gặp Raisa nên đến tối mới trở lại. Mọi người đang dùng bữa trong phòng ăn. Từ phía ấy vọng ra tiếng cười lanh lảnh như ngựa hý của đàn bà, và tiếng ồm ồm của đàn ông đang cơn hứng. Ở những nhà giàu không có nền nếp, người ta ăn uống rất ồn ào. Thứ tiếng ồn rất Do Thái, rộ lên từng đợt và về cuối trở nên du dương. Rai sa ra đón tôi trong bộ váy áo dạ hội hở lưng. Chân đi giày láng bóng, bước vụng về. – Tôi say rồi, chú bồ câu ạ – Rồi chị chìa cho tôi đôi tay đeo đầy những chuỗi bạch kim và những ngôi sao hồng ngọc. Tấm thân chị đong đưa, dướn cao như con rắn ngóc lên theo tiếng nhạc. Chị ta lắc lắc cái đầu uốn quăn làm cho mớ vòng khuyên kêu lanh canh, rồi bất thần ngã vật ra chiếc ghế bành trạm trổ kiểu Nga cổ. Trên khoảng lưng trần xoa phấn của chị hằn rõ những vết tím bầm. Phía sau tường lại vang lên tiếng phụ nữ cười. Hai cô em có ria mép từ phòng ăn đi ra, cũng vú to, người phổng phao y hệt Raisa. Ngực các cô ưỡn ra, tóc đen xõa tung. Cả hai đều lấy chồng người trong họ Benderski của mình. Căn phòng tràn ngập tiếng phụ nữ cười đùa, lối đùa cợt của những người đàn bà đã trưởng thành. Hai ông chồng ủ ấm cho các cô bằng áo bành-tô da hải sư, khăn choàng Ôđenbuốc, đi cho họ giày da cao cổ; sau lớp lông tuyết xù lên của vành khăn chỉ còn thấy đôi má đỏ lựng, chỏm mũi trắng như sứ và ánh mắt cận thị của dân Seemit. Đùa chán, họ đi đến nhà hát hôm ấy đang diễn vở “Judith” với Saliapin sắm vai chính. – Tôi muốn làm việc, – Raisa thì thầm, dang hai cánh tay trần, chúng ta đã bỏ phí mất cả tuần nay rồi… Nàng sang phòng ăn lấy một cái chai và hai cốc lớn. Bộ ngực không mang nịt núng nính qua lần áo, hai núm vú hằn rõ qua nền lớp lụa mềm. – Thứ quí, – Raisa vừa nói vừa rót rượu ra, – loại nho xạ năm 83 đấy nhé, chồng tôi mà biết thì ông ấy giết tôi… Tôi chẳng có việc gì với thứ nhục đậu khấu năm 83, và cũng không hề có ý định nốc cạn ba vại liền. Chúng lập tức lôi tuột tôi đến những hẻm phố chập chờn những đốm lửa màu da cam và vẳng nghe có tiếng nhạc. – Tôi say rồi, chú bồ câu ạ… Hôm nay ta làm gì đây?