Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Nhân dân háo hức đón chào Chính phủ mới – Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Nhưng Hồ Chí Minh là ai? Cho đến lúc ấy, một số người Việt Nam thức thời mới chỉ biết đến nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc, với những câu chuyện về cuộc đời hoạt động cách mạng nhuốm màu huyền thoại của Người. Còn Hồ Chí Minh? Liệu có phải chính là nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc? Suốt một thời gian sau Cách mạng Tháng Tám, người ta băn khoăn với câu hỏi ấy. Điều này càng cho thấy, nhu cầu tìm hiểu về lãnh tụ là rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân, đặc biệt là khi đất nước mới giành được độc lập.
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đồng thời cũng là một nhà cách mạng, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Năm 1943, khi mới ngoài ba mươi tuổi, ông tham gia nhóm Văn hóa cứu quốc, hoạt động trong phong trào bí mật của Việt Minh. Tháng 8-1945, ông được cử đi dự Quốc dân đại hội ở Tân Trào – Hội nghị quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Cách mạng Tháng Tám thành công, Nguyễn Huy Tưởng được giao nhiều trọng trách trong Hội Văn hóa cứu quốc, Ban Trung ương vận động đời sống mới, Đoàn báo chí Việt Nam… Tại kỳ bầu cử Quốc hội khóa I ngày 06-01-1946, Nguyễn Huy Tưởng được bầu làm Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh. Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cùng với nhà văn Nguyễn Đình Thi, ông được giao nhiệm vụ tổ chức đưa các văn nghệ sĩ lên chiến khu tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ. Trong những năm tháng cách mạng và kháng chiến ấy, Nguyễn Huy Tưởng đã có một số lần được gặp Bác và viết về Người.
Qua các bài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bắt đầu từ dịp được gặp Người trong lễ chúc thọ 19-5-1946, Nguyễn Huy Tưởng thuộc một trong những người đầu tiên có vinh dự được viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nói như nhà văn Phong Lê: Thỏa mãn một nhu cầu tinh thần lớn của nhân dân trong cuộc đổi đời của dân tộc sau năm 1945. Qua các trang ghi linh hoạt này, Nguyễn Huy Tưởng cũng là người sớm phát hiện ra cái giản dị, cái thường ngày của một con người vĩ đại, con người trong sự ngưỡng mộ, thành kính của dân tộc.
Với con mắt của Nguyễn Huy Tưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của những gì bình dị nhất, nhưng cũng là những gì thiết yếu nhất, như ông từng ghi lại cảm nghĩ về Bác trong nhật ký ngày 24-10-1947: “Cả đến ngọn lúa cũng gợi hình ảnh Hồ Chí Minh”. Và ông tự hỏi: “Sao chưa có kịch, có tiểu thuyết tả người anh hùng ấy? Có khi không phải tả, nhưng nhân vật vẫn trội lên, đẹp đẽ, lớn lao và ở đâu cũng có mặt”.
Tình cảm thiêng liêng mà cũng thật gần gũi ấy, một khi có điều kiện thể hiện thành tiểu thuyết, thành kịch như nhà văn mong muốn, chắc chắn sẽ đem đến cho bạn đọc những trang chân thực và cảm động về Bác. Tiếc rằng nhà văn đã ra đi quá sớm, để lại nhiều dự đồ sáng tác, trong đó có tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, qua một số bài báo, tập sách, Nguyễn Huy Tưởng đã có dịp thể hiện tình cảm đặc biệt của mình về Bác theo một cách riêng: khi trực tiếp qua cảm nhận của tác giả, khi gián tiếp qua lời các nhân vật truyện ký, truyện phim, bao giờ lãnh tụ Hồ Chí Minh cũng hiện diện một cách thật gần gũi mà cũng hết sức lớn lao, rất giản dị, lão thực mà cũng ngời ánh hào quang. Bởi vì, như một chân lý, Người là Hồ Chí Minh!
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số trang viết, tuy không nhiều, nhưng thấm đẫm chân tình của nhà văn về Bác Hồ kính yêu.
NGƯỜI BIÊN SOẠN