..Tấm lòng chân thực và thành khẩn ấy, tự nó đã tạo giá trị nhân bản cho tác phẩm. Huống chi nhà thơ còn là bậc tài năng lớn, hoàn toàn làm chủ kỹ thuật điêu luyện, ngôn ngữ phong phú, hình tượng độc sáng, đi từ lối Đường luật cổ điển chuyển sang nguồn thi hứng hoàn toàn hiện đại, gần với trường phái siêu thực phương Tây thời đó – vẫn còn mới mẻ đến ngày nay. Cuộc sống nghiệt ngã của tác giả, rồi lịch sử dân tộc đa đoan, đã giới hạn âm vang của tài thơ. Trong một thời gian dài, tác phẩm Hàn Mạc Tử chỉ được phổ biến rộng rãi tại các thành phố, ở nửa phần đất nước. Từ cuộc Đổi Mới, cụ thể là từ 1987, tác phẩm Hàn Mạc Tử đã được truy tầm, phổ biến. Đặc biệt là nhà xuất bản Hội Nhà văn đã cố gắng in lại những tập thơ ấn hành trước 1945 theo đúng nguyên bản, và không tị hiềm chính trị. Tuy nhiên, Hội không tìm ra tác phẩm Gái Quê của Hàn Mạc Tử, do tác giả tự xuât bản, in tại nhà in Tân Dân, Hà Nội, xong ngàỵ 23-10-1936. Để cho đủ bộ sưu tập, và in ấn kịp thời toàn bộ 12 cuốn, nhà xuất bản năm 1992 đã phải đành lòng in lại tập thơ theo bản chép tay của Chế Lan Viên, nhà Văn học xuất bản 1987, gồm có 21 trên 34 bài trong nguyên tác; trong phần in lại, có bài bị cắt xén.. *** Tựa Tôi gặp ông Hàn Mặc Tử một hôm ở Qui Nhơn, trong một khách sạn. Lúc ấy độ một giờ đêm, ông muốn nói chuyện với tôi về thơ Tây và thơ ta. Một người đến lúc một giờ đêm muốn nói chuyện với tôi, hẳn là người yêu thơ. Tôi vui lòng tiếp ông Hàn Mặc Tử. Rồi từ đây, chúng tôi thường viết thư cho nhau, cũng chỉ về câu chuyện thơ. Sau này tôi lại được đọc những bài thơ của ông Hàn Mặc Tử đăng lên ở các báo. Nhưng muốn hiểu một nhà thi sĩ với những bài rời rạc đăng mỗi ngày ở báo, không thể nào được. Vì thế nên tôi chưa có dịp giới thiệu ông Hàn Mặc Tử với các nhà văn. Hôm qua tôi tiếp được tập thơ nhan đề: GÁI QUÊ, mà ông Hàn Mặc Tử có nhã ý muốn cho tôi đề tựa. Trong tập thơ GÁI QUÊ có nhiều bài có âm điệu rất trẻ trung và mới mẻ, hợp với lối thơ tôi thường ưa. Như bài TÌNH QUÊ, tôi có thể nói là tuyệt tác, tuyệt tác về âm điệu. Trong những bài khác tôi có gặp nhiều hình ảnh đầy thi vị. Tôi tin tưởng giữa lúc thơ mới và thơ cũ đương “găng” nhau, những người biết yêu thơ và biết hiểu thơ, nên tìm để biết thơ mới, mới ở chỗ nào, cũ bởi gì… Thế mới có thể tìm tài liệu làm thơ cho mới được thực mới, và thơ cũ hoàn toàn cũ. Tôi không biểu đồng tình với những người muốn hòa lẫn hai thứ thơ cũ và thơ mới. Thơ ông Hàn Mặc Tử mới vì thế: Mới vì hình ảnh và mới về âm điệu. Tập GÁI QUÊ còn là những lời mơ mộng của một thi sĩ trẻ tuổi, hăng hái và vội vàng yêu đời, yêu sắc đẹp… Thi sĩ cảm một cô gái quê, đẹp theo lối nhà quê, sống theo lối nhà quê mà thi sĩ chỉ thương theo lối nhà quê. Về sau vì một lẽ riêng… thi sĩ không cảm hóa được lòng cô nên cô… đi lấy chồng, thi sĩ đến phải than: Ngày mai tôi bỏ làm thi sĩ, Em lấy chồng rồi hết ước mơ… Tôi sẽ đi tìm mỏm đá trắng Ngồi lên, để thả cái hồn thơ… Tới đây bất giác tôi lại nhớ đến quyển NGÀY XƯA của ông bạn Nguyễn Nhược Pháp, lúc kết cấu cũng nói “cô đi lấy chồng…”. Thế là hết. Nhắc đến ông Nguyễn Nhược Pháp, tôi cũng muốn nói 2 lối thơ của NGÀY XƯA và GÁI QUÊ, tuy nội dung khác nhau, nhưng lại tương tự như nhau. Với tập GÁI QUÊ, ông Hàn Mặc Tử sẽ chiếm một chỗ ngồi rất vững vàng trong làng thơ, và tôi chắc, tương lai còn hứa cho ông nhiều cái rực rỡ nữa…