Đường Xa Nắng Mới là tập bút ký mới nhất của Tiến sĩ Nguyễn Tường Bách, tập hợp những bài viết ký sự du hành của tác giả đến nhiều xứ sở lạ kỳ trên thế giới.
Bắt đầu từ câu chuyện về ngôi làng nhỏ yên bình của mình ở nước Đức; bằng lối kể chuyện đầy mê hoặc, tác giả đã dẫn dắt người đọc du hành qua nhiều vùng đất lạ mà điểm dừng chân cuối cùng là mãi tận Kailash (Ngân Sơn) – ngọn núi thiêng được sùng bái nhất trên quả địa cầu.
Hiếm khi đến những thành phố hoa lệ, hành trình của tác giả thường là những nơi “thâm sơn cùng cốc”, ví như bám theo lộ trình ngày xưa của đại sư Huyền Trang qua các sa mạc ở phía Tây Trung Quốc; tới nhiều điểm trên “con đường tơ lụa” nối liền Á – Âu; đi xuyên dãy Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ hay lang thang trên những miền đất lạnh lẽo ở Bắc Âu. Đắm mình vào trang sách, độc giả như được cùng ông cảm nhận sức nóng của “Hỏa Diệm Sơn”; lắng nghe tiếng sóng vỗ trên Hồng Hải; hồi hộp chờ ngắm núi lửa thức giấc tại Sicilia hay đón mặt trời lúc nửa đêm tại Mũi Bắc (North Cape) – Na Uy.
Không dừng lại ở những câu chuyện “đường xa xứ lạ”, sức cuốn hút mãnh liệt từ những trang viết của Nguyễn Tường Bách còn là nhiều phát hiện bất ngờ và thú vị về mỗi xứ sở, kết tủa từ trải nghiệm và tri thức. Ngôi đền Phật giáo lớn nhất thế giới mang đậm nét của Kim Cương Thừa lại nằm ở Indonesia-quốc gia có cộng đồng hồi giáo đông nhất thế giới. Cuộc chiến thành Troy lại không diễn ra trên đất Hy Lạp mà là Thổ Nhĩ Kỳ. Amsterdam là thành phố của những người không ưa khuôn phép, nơi mà người ta “sẵn sàng phá vỡ mọi lề thói, dám hợp thức hóa những điều cấm kỵ”. Nhờ vậy mà “lầu xanh, lầu hồng và cả khu vực tiêu thụ bạch phiến được ghi chính thức trên bản đồ thành phố”. Thăm Bồ Đào Nha, tác giả “chứng minh” một cách thuyết phục rằng giáo sĩ Dòng Tên người Bồ Francisco de Pina chính là người đã sáng tạo ra chữ quốc ngữ chứ không phải Alexandre de Rhodes, một nhà truyền giáo người Pháp – học trò của ông.
Đường Xa Nắng Mới xứng đáng có vị trí trang trọng trên kệ sách của những người đam mê du lịch thám hiểm, tâm linh. Ngay cả những ai ít xê dịch nếu suy ngẫm vẫn có thể chiêm nghiệm ra những điều tâm đắc. Đơn giản, với người viết, Đường Xa Nắng Mới là một tập bút – ký – tư – tưởng.
***
Nguyễn Tường Bách, sinh năm 1948 tại Thừa Thiên Việt Nam
Du học tại Đức năm 1967
Tốt nghiệp kỹ sư xây dựng năm 1975
Tốt nghiệp Tiến sĩ Kỹ thuật (Dr.-Ing) năm 1980
Từ 1980-1992: làm việc cho công ty ABB tại Đức
Từ 1992-2010: Giám đốc một công ty xuất nhập khẩu tại CHLB Đức
Từ 2010: nghỉ hưu
Nguyễn Tường Bách là tác giả và dịch giả của những cuốn sách nổi tiếng đã xuất bản và tái bản nhiều lần tại Việt Nam. Ông vốn nghiên cứu khoa học, chuyển sang kinh doanh, rồi làm công tác dịch thuật và viết sách nhưng với ông thì “tôi cảm thấy hài lòng nhất với vai trò của một người viết. Công việc này tôi làm tốt hơn mảng khoa học, kinh doanh và dịch thuật bởi qua đó tôi tiếp cận được nhiều người nhất”. Ông chia sẻ: “Tôi có may mắn sống trong những nền văn hóa khác nhau. Tôi mong những người trẻ có cơ hội sống trong những nền văn hóa khác trong một khoảng thời gian hoặc dài hoặc ngắn, nói tiếng nói của người ta, tìm hiểu văn hóa của người ta, qua đó cảm nhận được tính cách của người Việt Nam rõ ràng hơn, khách quan hơn. Ra ngoài không phải là xa Việt Nam. Đi để nhìn lại, để tạo cơ hội nhìn rõ con người mình nhiều hơn. Có xa gia đình mới thấy yêu gia đình của mình thế nào, có xa đất nước mình mới thấy yêu đất nước mình như thế nào.”
Tác phẩm đã xuất bản ở Việt Nam
Tập bút ký bạn đọc đang cầm trên tay là tập hợp những bài viết nhân những chuyến du hành của tác giả tại nhiều nơi trên thế giới. Một số bài trong này đã được đăng tải trên các báo và tạp chí xuất bản tại Việt Nam trong những năm gần đây.
Đặc biệt, trong phần 2 tập bút ký là những bài viết về chuyến hành hương Ngân Sơn (Kailash), được thực hiện trong mùa hè 2011.
Nếu những trải nghiệm trong tập sách này gây được chút thú vị và cảm khái cho người đọc thì đó là niềm vui cao quý cho tác giả.
Cuốn sách này được ra đời là nhờ:
– Túc duyên kết hợp thành những sự kiện mà sau khi chúng hình thành, tác giả mới kinh ngạc nhận ra.
– Những con người đã gặp trên vạn nẻo đường mà tác giả không thể kể hết.
– Kinh sách, thông tin, tài liệu về các điều được nhắc đến trong sách. Các nguồn tư liệu quý báu đó được tìm thấy trên đường đi, bằng các cuộc trò chuyện, trong kho sách báo hay trên mạng của những ân nhân vô danh.
– Bruno Baumann, nhà thám hiểm người Áo, với những tác phẩm giá trị về Tây Tạng và Ngân Sơn mà tác giả đã học được nhiều điều bổ ích. Bruno Baumann cũng cho phép tác giả được sử dụng tấm ảnh độc đáo của ông để làm bìa cho cuốn Đường xa nắng mới này.
– Đỗ Thị Vinh, người bạn đời đã cùng chia sẻ tất cả trên đường du hành và cũng là người đọc lại, góp ý và chỉnh sửa bản thảo cho tác giả.
Tác giả trân trọng bày tỏ lòng biết ơn.
Nguyễn Tường Bách
Mời các bạn đón đọc Đường Xa Nắng Mới của tác giả Nguyễn Tường Bách.