Trong khối lượng sách vở đồ sộ của Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn ra trong quá trình hơn 100 năm hoạt động, Đồng Khánh, Khải Định chính yếu có thể coi là tài liệu cuối cùng được cơ quan phụ trách biên soạn và in ấn chính thức của triều đình này làm ra đề hoàn tất bộ phận biên soạn về lịch sử của mình. Trước đó, về lịch sử chung các triều đại thì có Khâm Định Việt sử Thông giám cương mục, biên chép lịch sử từ thời Hùng Vương (năm 2879 – 158 trước Công nguyên) cho đến khi kết thúc triều Lê (năm 1789). Về lịch sử của riêng triều Nguyễn thì có Đại Nam thực lục, biên chép lịch sử từ thời các Chúa Nguyễn (năm 1558) qua thời kì sáng lập ra triều đại của Gia Long cho tới kết thúc triều Đồng Khánh (năm 1888). Đồng Khánh, Khải Định chính yếu chính là sự bổ sung biên chép những sự kiện lịch sử tiếp nối cho hai bộ sử nói trên.
Đồng Khánh, Khải Định chính yếu được biên soạn từ khoảng tháng 10 năm Khải Định thứ 7 (1922) đến tháng 6 năm Khải Định thứ 8 (1923) thì hoàn thành. Sách gồm có hai phần: phần Đồng Khánh chính yếu, 6 quyển, chép các sự kiện trong hơn 3 năm thời Đồng Khánh (từ tháng 8 năm 1885 đến tháng 12 năm 1888) và phần Khải Định chính yếu sơ tập, 10 quyển, chép sự kiện từ tháng 4 năm 1916 đến hết năm Khải Định thứ 7 (1923). Ở từng phần, các sự kiện được chọn lọc phân chép thành nhiều mục: Chính thống, Kính thiên, Pháp tổ, Hiếu trị, Gia pháp, Cần chính, Ải dân, Đôn thân, Thể thần, Dụng nhân, Huấn sắc, Giáo hóa (phụ Chính tục), Túc lễ, Thộn hình, Gia thưởng, Minh phạt, Cầu ngôn, Trọng nông, Văn trị, Võ công. Thể chế và Bang giao.