Trước hết, xin được nói về lý do mà tôi quyết định viết cuốn sách này, cuốn sách bàn về lý luận cải cách. Từ lâu, tôi đã nhận ra rằng, hầu hết các nước thế giới thứ ba đều tiến hành cải cách, nhưng chỉ rất ít nơi thành công. Hay có thể nói, cho tới lúc này, các nước đang phát triển vẫn là những nước không thành công trong việc phát triển, thậm chí tốc độ phát triển càng ngày càng chậm vì định hướng phát triển càng ngày càng xa rời đòi hỏi của cuộc sống. Trước đây, mỗi nước đều biệt lập, không có điều kiện để so sánh, do đó, các cuộc cải cách ở mỗi quốc gia chỉ được tự nó xem xét. Đôi khi một vài chương trình phát triển của các tổ chức quốc tế cũng xem xét nhưng là xem xét trong những bối cảnh cụ thể, trong những điều kiện kinh tế, chính trị cụ thể, do đó không thấy sự lạc hậu hay sự lạc điệu của các cuộc cải cách ấy. Tuy nhiên, trong thời đại toàn cầu hoá, chúng ta không những có khả năng mà còn bắt buộc phải so sánh các cuộc cải cách ở các nước thế giới thứ ba với nhau, cũng như so sánh chúng với toàn bộ những đòi hỏi của quá trình toàn cầu hoá. Vì thế, một đòi hỏi tất yếu là tổ chức các cuộc cải cách như thế nào để thế giới thứ ba cải cách thành công và hội nhập được vào dòng chảy chung của sự phát triển toàn cầu. Qua những nghiên cứu về thực trạng của thế giới thứ ba, tôi nhận ra rằng, phần rộng lớn này của thế giới lạc hậu nhất là về chính trị và biểu hiện quan trọng nhất của sự lạc hậu ấy là nhân dân ở đó không có tự do. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản nhất kìm hãm sự phát triển và tiến bộ của thế giới thứ ba. Nhân dân không có tự do nên không có không gian để phát triển về mặt tinh thần, không thể vươn đến sự nhận thức đầy đủ về các đòi hỏi cho sự phát triển con người. Khi con người không nhận thức đầy đủ về nhu cầu phát triển các giá trị tinh thần của mình thì không thể có phát triển thật sự. Những nghiên cứu của tôi đã đi đến một kết luận có tính chất nguyên lý về lý luận, đó là không thể có sự phát triển nào đi trước tự do. Vì thế, tất cả các cuộc cải lương mà các nhà cầm quyền của thế giới thứ ba đã và đang làm chỉ là những hoạt động khất lần trước nguy cơ bùng nổ chính trị chứ không phải là chuẩn bị để phát triển.